Những nguyên tắc
Tôi cho rằng trong giáo dục tiểu học, và giáo dục nói chung trong trường phổ thông, có những nguyên tắc sau cần được thực hiện:
1. Tính mục đích của kiến thức phải rõ ràng. Chúng ta dạy học sinh nhằm đạt được kiến thức gì thì nhất quán với mục tiêu đó, từ giảng dạy trên lớp đến bài tập về nhà và bài kiểm tra.
2. Đầu bài toán cần phải rõ ràng, không để học sinh có thể hiểu nhầm, hoặc hiểu sai ý người ra đề.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (thứ năm từ phải sang) tại lễ trao giải kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 53, năm 2012. |
3. Khi ra một bài toán khó, nên có đánh dấu để học sinh biết (thông thường bằng dấu *), nếu thấy cần thiết có thể cho thêm gợi ý cuối bài.
4. Nên có cuốn lời giải cho giáo viên, để có thể giải đáp được cho các em, hoặc học sinh tự tham khảo.
5. Khi ra các bài toán khó với mục tiêu hỗ trợ các em về năng lực khác (tự học, tư duy, sáng tạo), thì hệ thống bài tập này cũng nên soạn thật sư phạm, nghĩa là mức độ phải tăng dần độ khó, phức tạp. Chẳng hạn, trước khi ra bài toán lớp 3 ở Lâm Đồng, nên có vài bài tương tự với số ô cần điền ít hơn để học sinh nâng cao dần năng lực làm toán.
Nên xây dựng lại sách giáo khoa
Việc dạy toán ở tiểu học rất quan trọng. Ở cấp này, học sinh hình thành say mê trong học tập. Việc dạy toán cho học sinh cần tính sư phạm.
Thời đi học, tôi còn nhớ cuốn sách giáo khoa rất cơ bản, không có bài tập khó. Ngoài ra, còn có cuốn bài tập toán nâng cao, trong đó tập hợp nhiều bài toán khó được phân loại và phần lời giải rõ ràng. Tôi thích môn toán nhờ nắm được kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa và nhờ tự làm thêm các bài tập khó ở cuốn sách bài tập nâng cao.
Với sự hình thành hệ thống chuyên toán cấp 2 và cấp 3, các bài toán khó dần xuất hiện trong sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và khiến cuốn sách giáo khoa xa dần mục tiêu ban đầu là dạy kiến thức cơ bản.
Tôi cũng được nghe nhiều phụ huynh học sinh nói bây giờ rất sợ khi con cái nhờ giải hộ bài tập về nhà vì khó quá.
Tôi nghĩ, chúng ta nên xây dựng lại hệ thống sách giáo khoa như ngày xưa, gồm một cuốn sách giáo khoa rất cơ bản và cuốn bài tập nâng cao, trong đó có những bài toán rất khó, nhưng các bài tập này cũng phải được xây dựng một cách hệ thống.
Các bài tập phải được hệ thống theo loại và được xây dựng từ dễ tới khó. Một hệ thống sách giáo khoa như vậy chắc chắn không chỉ giải tỏa được nỗi khiếp sợ của phụ huynh, mà còn để học sinh thật sự có thể tự học và nâng cao được tư duy toán học của bản thân.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (sinh năm 1955 tại Hà Nội), đoạt HCB Toán quốc tế năm 1974. Ông cũng là người thầy đã truyền tình yêu Toán học từ thời thơ bé cho GS Ngô Bảo Châu, sau này giành giải thưởng Fields danh giá nhất về Toán học.
Phương pháp dạy cơ bản nhất của PGS Vũ Đình Hòa dành cho Ngô Bảo Châu và học trò là khơi dậy khả năng tự làm việc của mỗi người.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa từng học tại Đại học Tổng hợp Greifswaid (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành CNTT ở Việt Nam phát triển.
Năm 1996, ông Hòa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Trong nhiều năm liền, ông là trưởng đoàn dẫn đội tuyển Toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế.
Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành CNTT.