Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo không lấy chồng để dạy chữ cho trẻ mồ côi

Một đời người dành hết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, thậm chí cô không lấy chồng, để thời gian chăm lo cho các cháu "bằng người ta".

Cô giáo không lấy chồng để dạy chữ cho trẻ mồ côi

Một đời người dành hết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, thậm chí cô không lấy chồng, để thời gian chăm lo cho các cháu "bằng người ta".

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Hảo, 64 tuổi, nguyên giáo viên trường THCS Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục để viết về cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Bởi cô xem những cống hiến bao nhiêu năm qua là chuyện bình thường, “có chi mô mà ca ngợi”. Những người sống trong làng, xã, không ai không biết đến cô Hảo - một người không lấy chồng để dành cả cuộc đời mình cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Lớp học tình thương của cô giáo Hảo

Mới đến đầu xóm, hỏi cô giáo Hảo ai cũng biết, những thế hệ từ chủ tịch xã, trưởng thôn, cho đến bí thư xã Phú Thượng đều được cô giáo kèm cặp, giảng dạy. Khi được chúng tôi hỏi về cô Hảo, anh Nguyễn Văn Hòa, người dân làng xã Phú Thượng, nói ngay: “Lúc còn trẻ cô Hảo xinh lắm, mỗi lần cô khoác lên mình bộ áo dài làm trai làng mê mệt. Nhiều thầy sau khi về dự giờ tiết dạy của cô đã không khỏi trầm trồ khen ngợi, thán phục vẻ đẹp của cô gái đôi mươi. Lúc ấy, nhiều người để ý cô lắm, nhưng cô coi như không. Những công tử trai làng lúc ấy vây kín cửa nhà cô Hảo mỗi khi màn đêm buông xuống, nhưng cô ấy vẫn chẳng yêu ai”.

Gặp lại những thầy cô giáo từng dạy học với cô Hảo thời xưa, nhiều người cũng đều có chung nhận xét: Thuở thiếu thời, vẻ đẹp của cô Hảo khiến không ít giáo viên cùng trường ghen tị, người phụ nữ giỏi, thành đạt lại làm tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên.

Trong khi đó, với dáng vẻ hiền từ như thường lệ, cô Hảo chỉ khiêm tốn nói: “Tôi sinh ra trong gia đình có 4 chị em, cha mẹ mất sớm, tôi là chị cả. Sau khi dạy ở THPT Hương Thủy, tôi được điều về dạy tại THCS Phú Thượng – nơi có nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Từ khi gắn bó với trường Phú Thượng, tôi nhận ra một điều, các em mồ côi cần có những người kèm cặp, và nuôi nấng, dạy bảo. Không phải mình đẹp mà trở nên kiêu kì, nhưng thấy hoàn cảnh của các cháu quá khắc nghiệt, nên tôi quyết định không lấy chồng để dìu dắt các em. Thú thật, chuyện lấy chồng xây dựng hạnh phúc thì ai không muốn. Nhưng khi đó, không hiểu sao trong thâm tâm tôi lại có suy nghĩ “cả cuộc đời mình nghèo khổ, thiếu tình cảm cha mẹ từ nhỏ nên cảm nhận được sự khổ cực của lũ trẻ, do đó quyết định ở vậy để làm bà mẹ của những đứa trẻ mồ côi”.

Đến giờ tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng bởi, những ngày lễ tết, hàng trăm cháu vẫn đến thăm tôi và gọi tôi bằng hai tiếng mẹ Hảo. Điều đó là tôi hạnh phúc lắm”.

Năm 2003, nhận thông báo về hưu khi đã đủ tuổi 55, cô cảm thấy hụt hẫng, nhớ trường, nhớ lớp. Thế là cô tham gia lớp giảng dạy miễn phí cho trẻ em mồ côi ở Trại mồ côi Vinh Vệ (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang). Sau đó cô mở lớp luyện thi vào các trường PTTH có tiếng và đại học, cao đẳng.

Một điều đặc biệt, dù là lớp luyện thi nhưng cô cũng không lấy một đồng nào của học học sinh mồ côi, không nơi nương tựa. Bình quân mỗi lớp có 5 - 10 em, có lớp lên đến 20 em. Nhiều em trong đó đỗ vào trường chuyên chất lượng cao như THPT Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ. Và cũng rất nhiều em đỗ vào các trường đại học danh giá trong nước.

Theo thống kê của Phòng giáo dục huyện Phú Vang, tỷ lệ học sinh lên lớp và thi đỗ trường THPT tại lớp tình thương của cô đạt 100% và đại học là 98%.

Thấy mô hình của cô thành công, nhiều tổ chức và trung tâm trẻ mồ côi tới xin hợp tác. Nhưng cô đã từ chối, vì nếu “bắt tay” cô sợ sẽ dính dáng đến đến tiền bạc, rồi lời lỗ, mà yếu tố kinh doanh không có trong tâm thức của cô. Từ trước tới giờ, đối với học sinh mồ côi, học sinh nghèo, cô tự bỏ tiền ra mua bút, viết, vở mà không cần phụ huynh phải đóng góp. Số tiền lương ít ỏi, cộng thêm tiền con cháu biếu hàng tháng, cô dành để lo cho những em có hoàn cảnh thiệt thòi. “Bọn trẻ hầu hết là mồ côi, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi không nỡ nhìn chúng thất học và được dạy học là hạnh phúc của tôi”, cô Hảo nói.

 Hoàng Phương

Theo Infonet

 

 

 Hoàng Phương

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm