Rời xa quê hương Nam Định vào Cà Mau lập nghiệp nơi vùng xã đảo nghèo khó (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cô Phạm Thị Nhung đã có hơn 20 năm gắn bó với quyết tâm ươm mầm cho thế hệ măng non.
Quyết tâm mang con chữ đến với xã nghèo
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi theo đoàn công tác ban tổ chức Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức đến thăm điểm trường tại xã đảo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) - nơi cô Phạm Thị Nhung đang công tác.
Ngồi xe từ sáng tinh mơ đến chiều chạng vạng, rừng cây, sông nước heo hút đến não lòng. Khó có thể hình dung được nỗi khó khăn, nhọc nhằn của người dân nơi đây, càng cảm phục hơn nữa tinh thần quyết tâm, kiên cường của những người làm nhiệm vụ “ươm mầm, gieo chữ” nơi vùng xã đảo nghèo này.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, đông con tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cô Phạm Thị Nhung nuôi ước mơ trở thành giáo viên. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô cùng anh trai vào Nam lập nghiệp với sự giúp đỡ của người cậu ruột.
Sự khác biệt về văn hóa vùng miền, cộng thêm phải làm giúp cậu công việc đồng áng khiến khó khăn chất chồng khó khăn. Cô kể có những buổi chiều heo hút, nghĩ đến quê nhà xa cách tận hàng nghìn cây số mà không cầm được nước mắt. Song cô chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học để về lại quê nhà.
Cô Phạm Thị Nhung đã chọn xã đảo nghèo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) để ươm mầm ước mơ cho trẻ em nghèo. Ảnh: Bích Huệ. |
Cũng trong năm 1995, cô Nhung được phân công về dạy tại trường tiểu học Nông Trường Khánh Hà (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thuộc xã nghèo vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Đường xá đến trường ngoằn ngoèo, phải băng qua mấy con sông, khiến việc đi lại khá gian khổ. Chưa kể đến việc trường lớp tạm bợ, bàn ghế chỉ là mấy cọc tre cấm tạm xuống đất, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thiếu thốn.
Do là xã nghèo vùng sâu nên các em học sinh chủ yếu con em gia đình khó khăn đồng bào dân tộc Khmer, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Phần lớn gia đình không có định hướng cho con em đến trường học tập lâu dài và cũng không mấy mặn mà với con chữ.
Hàng ngày sau giờ học, cô phải chèo xuồng đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tiếp tục đến trường. Có những gia đình cô phải đến tận 4-5 lần mới có thể thuyết phục được.
Nhớ lại những tháng ngày khó khăn nhất khi về nhận công tác, cô Nhung chia sẻ đường đi đến trường dạy phải di chuyển bằng xuồng chèo tay, rồi bỏ dép lội qua mấy con mương, băng qua những con đường đầy lao sậy vào bãi chuối.
Hôm nào cũng xắn quần đến đầu gối, đôi dép cô mua mang đến 3 năm vẫn còn như mới. Cô đã đi dạy như thế suốt 4 năm liền.
“Nhiều lúc khó khăn cũng thấy nản chí, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ nghề. Tôi thương các em tuổi nhỏ đã phải làm việc nặng nhọc, tuổi thơ cơ cực hơn cả mình, thậm chí có em 14-15 tuổi mới đến trường học lớp một”, cô Nhung bộc bạch.
Những kỷ niệm không quên
Khi hỏi về động lực khiến cô có thể gắn bó với học trò nơi xã đảo xa xôi, cô chỉ cười và bảo chắc do cái duyên với mảnh đất nghèo.
“Nhìn thấy các em sau mỗi giờ đến trường còn phải làm thêm việc đồng áng phụ giúp gia đình khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Có lần, một em học sinh đến trường rồi gục xuống bàn, hỏi ra mới biết mẹ em ra đồng sớm, không nấu gì ăn nên đói không còn sức học.
Thương học trò, tôi chạy qua nhà người dân bên cạnh xin một ít đường hòa với mỳ tôm nấu cho em ăn, khi đó em ấy mới dần tỉnh lại và tiếp tục học”, cô Nhung kể.
Cô Phạm Thị Nhung đã có hơn 20 năm gắn bó với xã đảo Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Bích Huệ.
|
Đối với những người làm nghề giáo nơi vùng sâu, vùng xa, 20/11 cũng như là những ngày bình thường lên lớp.
Cô bảo: “Nhìn các em học tập chăm chỉ, đến trường mỗi ngày với cô đã là niềm vui, là món quà tri ân ý nghĩa nhất”.
Đối với cô Nhung, món quà đầu tiên cũng là món quà đặc biệt nhất cô được tặng là một bông hoa hồng giá 1.000 đồng, cùng nụ hôn của cô học trò lớp 1. Ngạc nhiên và hạnh phúc với món quà được tặng sau 10 năm giảng dạy, cô Nhung ôm học trò bật khóc.
Cô học trò nhỏ năm nào tặng hoa cho cô Nhung - Nguyễn Thị Loan - giờ đây cũng trở thành giáo viên và đang cùng cô Nhung ngày đêm miệt mài gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi xã đảo.
Cô Loan xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Tôi luôn biết ơn và xem cô như người mẹ. Chính cô đã truyền cho tôi tình yêu, sức mạnh gieo chữ nơi vùng đất hẻo lánh này. Làm học trò của cô Nhung là điều tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn nhất”.
Chính từ tình yêu con trẻ, cô Nhung đã xây dựng được hạnh phúc cho mình ở xã đảo xa xôi. Chồng cô cũng là giáo viên, có lúc vợ chồng cô đi dạy bỏ đứa con hai tuổi một mình ở nhà suốt mấy tháng trời.
Nhờ chăm chỉ vun vén gia đình, cô Nhung luôn thực hiện tốt phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Bởi theo cô, chăm sóc gia đình là trách nhiệm thiêng liêng của người phụ nữ.
Cô Trần Xuân Đào - hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Khánh Bình Tây - cho biết: “Cô Nhung là giáo viên có chuyên môn giỏi, đặc biệt là phương pháp rèn luyện học sinh yếu kém hiệu quả.
Cô còn rèn luyện thêm cho các em học sinh yếu ngoài giờ học. Cô Nhung luôn là người đến lớp sớm nhất và ra về muộn nhất”.
Cô giáo Phạm Thi Nhung là một trong số 42 giáo viên đang công tác tại vùng đảo được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016.
Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tuyên dương những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục diễn ra từ ngày 11-13/11 tại thủ đô Hà Nội.