Những năm 1995-2000, có rất nhiều giáo viên mở lớp dạy thêm để kiếm thu nhập. Ngược dòng chảy đó, có cô giáo nghèo Phạm Thị Hải (ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội), dạy môn Địa lý ở trường cấp 3 Bất Bạt, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội cũng mở lớp dạy thêm nhưng không hề lấy một xu của học sinh.
Cô giáo 30 năm dạy thêm miễn phí
Nhiều thế hệ học sinh được cô Phạm Thị Hải dạy thêm nay đã thành tài. Có cựu học sinh kể rằng, trong suốt quá trình giảng dạy ở trường cấp 3 Bất Bạt, khoảng 30 năm, cô không những dạy thêm miễn phí mà còn cho các học sinh tiền mua sách, mặc dù gia đình không khá giả gì.
Cô Phạm Thị Hải. |
Cô Hải ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội và có cuộc trò chuyện với cô Phạm Thị Hải. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, cô Phạm Thị Hải cho biết: “Tôi có kiến thức nên dạy cho các em có nhu cầu. Có lẽ vì thế mà Tết năm nào nhà cũng đầy ắp tiếng cười của học trò.
Tôi không mở lớp dạy thêm đại trà, mỗi năm tôi chỉ dạy khoảng 3-5 em tại nhà. Cứ khi nào tôi không có lịch dạy ở trường là các em lại đến nhà tôi học. Các thế hệ học sinh đến nhà và được tôi dạy, chưa học sinh nào phải mất tiền. Có đưa tiền tôi cũng không lấy, vì gia đình các em ở địa phương tôi thường rất nghèo”.
Không lấy tiền vì đã có... lương
Nói về việc tại sao không lấy tiền, cô Hải chia sẻ: “Tôi đã có lương rồi, bố mẹ các em nghèo thì lấy đâu ra tiền mà đưa cho mình. Các em đến học, tôi dạy theo cách như những người bạn học nhóm.
Nhiều khi học quá hăng say, cô trò chúng tôi quên cả ăn. Khi kết thúc buổi học cũng là lúc đã thấm mệt và đói. Lúc này cô trò chúng tôi lại lao vào bếp nấu ăn… Cứ như vậy suốt 30 năm".
Ngôi nhà của cô Hải từng dạy nhiều thế hệ học trò. |
“Tôi dạy cho các em kiến thức, những em nào tiếp thu nhanh thì đỗ đạt thành tài. Còn em nào tiếp thu kém hơn cũng đủ hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống sau này. Tôi dạy thêm học không lấy tiền không phải mong sau này các em đỗ đạt trả ơn mà dạy bằng cả tấm lòng của người giáo viên.
Nhưng từ trước đến giờ, cứ mỗi Tết đến Xuân về gia đình tôi luôn ngập tiếng cười của tình cô trò. Đến lúc này tôi đã nghỉ hưu gần 10 năm, nhưng tình cô trò vẫn y nguyên như những ngày đứng lớp”, cô Hải tâm sự.
Dẫu biết rằng công việc cũng lắm nhọc nhằn, cuộc sống đầy khó khăn, nhưng người mẹ, người cô này vẫn ngày ngày dành cái tâm của mình để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh.
“Cái quý giá nhất mà con người có được là tình thương. Vì thế, hãy gieo hạt giống tình thương đó lên vai các học trò. Các em sẽ làm cho những hạt giống ấy nảy mầm và phát triển. Ở đời có nhân là có quả, mình giúp người này, người khác lại giúp mình”, cô Hải nói.
Bà Nguyễn Thi Chanh, một người dân trong thôn tự hào nói: “Nhà cô Hải ngay bên nhà tôi. Trước đây cô thường xuyên dạy thêm học sinh không lấy tiền, nên cứ Tết đến nhà cô ấy luôn đầy ắp các thế hệ học sinh đến chúc Tết. Nhà cô giáo Hải đâu có khá giả gì, chồng yếu không có lương nhưng cô ấy vẫn giúp đỡ học sinh nghèo và nuôi 2 người con ăn học đỗ đạt”.
Tết này, tuổi này, giờ sức khỏe của cô không còn có thể đứng lớp. Phần nữa vì khối C không còn nhiều học sinh theo đuổi nên cô Hải không còn dạy thêm miễn phí. Song người dân, học trò vẫn gọi tên Cô Hải ấm áp như thưở nào.