Nhắc đến cô giáo Hạnh Nguyên (Nho Quan, Ninh Bình), người dân nghĩ ngay đến hình ảnh người giáo viên - người mẹ 4 năm nay tất bật nấu những bữa ăn trưa miễn phí cho học trò, chăm sóc các em như người thân thích, ruột thịt.
“Mẹ Nguyên”- hai tiếng giản dị, thân thương là cách mà những đứa trẻ vùng cao gọi cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên trong hơn 4 năm qua. |
Cô Nguyên là giáo viên đang công tác tại trường tiểu học Thạch Bình. Đây là trường nằm trong địa bàn xa xôi nhất của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, với đa phần là con em người dân tộc. Nhà các em phần đông nằm trong diện hộ nghèo và khó khăn. Thậm chí nhiều em nhà xa, phải học cả sáng cả chiều tại trường, nên nhiều bữa phải ôm bụng đói để kịp giờ học con chữ.
Thương học trò vất vả, cô Nguyên đã tình nguyện nấu bữa ăn trưa miễn phí cho các em từ nhiều năm nay.
Cô Nguyên bộc bạch: “Cách đây 4 năm, tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một em học sinh ngồi dưới gốc cây bàng dưới cái nắng gắt của buổi trưa hè, một tay em cầm nắm cơm trắng gói trong túi bóng, một tay bẻ từng miếng cho vào miệng. Bữa cơm nguội ngắt của em học sinh nhỏ ấy đã làm tôi xúc động cho đến tận ngày hôm nay. Nó thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó giúp học trò nghèo của mình có bữa ăn trưa no, đủ chất để đảm bảo sức khỏe học tập tốt hơn”.
Sau hôm ấy, cô Nguyên về bàn với chồng, vốn là một người lính đã xuất ngũ về địa phương. Được chồng nhiệt tình ủng hộ, cô quyết định dành riêng phần lương của anh để trích ra mua thực phẩm nấu cơm trưa cho các bạn nhỏ. Cứ thế, những bữa cơm mới đầu chỉ có 2-3 em học sinh, rồi đông dần và giờ đã lên hơn 20 em.
Hơn 4 năm qua, cô Nguyên tất bật với vai trò vừa là cô giáo vừa đóng vai là “mẹ” chăm đàn con thơ. “Vợ chồng tự nguyện trích lương để phục vụ các cháu. Lúc đầu có thấy bận rộn đôi chút, nhưng giờ mà không làm lại thấy buồn. Hơn nữa, chúng tôi rất thương các cháu”, cô Nguyên tâm sự.
5h sáng mỗi ngày, cô Hạnh Nguyên lại thức dậy như một thói quen, làm xong xuôi các công việc từ quét dọn nhà cửa, đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa trưa xong, cô mới lên trường đi dạy. Tan tiết học cô lại khẩn trương chạy xe vượt hơn 10 km đường núi về nhà để kịp nấu ăn cho các con.
“Nhà chỉ có hai vợ chồng ở nhà mà lúc nào gạo cũng phải trữ 2-3 bao lớn, tủ lạnh phải có chục cân thịt lợn, rau, cá… để nấu cơm cho cả lớp”, cô Nguyên hạnh phúc kể.
Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm lòng tình thân của vợ chồng cô Hạnh Nguyên. |
Bản thân cô là người rất kỹ tính trong việc chọn thực phẩm và lên thực đơn ăn hàng ngày cho các em học sinh. Nhiều khi còn phải tranh cãi với chồng chỉ vì chọn món gì và nấu những gì cho mỗi bữa ăn trưa. Cô quan niệm: “Các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, mình dù tình nguyện cũng không thể nấu cho có được. Bữa cơm ngày nào cũng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để các cháu ngon miệng mà có sức học hành”.
Gia đình có 4 thành viên, nhưng các con đều đã khôn lớn, trưởng thành và ở xa nhà. Chỉ còn hai vợ chồng nhưng giờ căn nhà lúc nào cũng cũng ngập tràn tiếng cười nói không ngớt của hơn 20 “đứa con nhỏ”.
Những bữa cơm cứ ngày một đông lên và niềm vui chẳng bao giờ ngớt. |
Những đứa con thơ được “mẹ Nguyên” nuôi nấng giờ đều đã khôn lớn, trưởng thành. Những tấm giấy khen đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của các em chính là câu trả lời trọn vẹn nhất cho tấm lòng và tình yêu thương của cô Nguyên. Tấm lòng ấy như bông hoa rừng mộc mạc tỏa hương thơm ngát giữa vùng núi cao còn nhiều thiếu thốn, nhưng chẳng bao giờ thiếu tình người.
Chương trình truyền hình Việc tử tế đồng hành bởi công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) sẽ đem đến cho người xem những thước phim ý nghĩa nhất về những tấm gương đẹp, đồng thời lan toả những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Chương trình phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Số tháng Việc tử tế phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (tuần thứ 2 của tháng) trên VTV1. Khán giả có thể theo dõi thêm thông tin chi tiết về chương trình tại Facebook và Youtube.