Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo trẻ chọn lên vùng sâu dạy trò nghèo

Sau nhiều năm giảng dạy ở các điểm trường chính của huyện nghèo Sơn Tây, Quảng Ngãi, cô Võ Thị Ghi đã quyết định xung phong lên công tác tại điểm trường TĐ10.

TĐ10 là nơi xa xôi và khó khăn nhất huyện nhưng cô Võ Thị Ghi mong muốn thực hiện tâm nguyện chăm lo, truyền thụ kiến thức cho các em học sinh nghèo mà hiếu học.

Cô giáo Võ Thị Ghi sinh năm 1983, tại Tư Nghĩa, Quãng Ngãi đã tâm niệm phải đem hết khả năng của mình để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Trải qua nhiều năm dạy học ở vài trường, cô không ngờ đến một ngày, trường tiểu học Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tại điểm trường TĐ10, nơi xa xôi và khó khăn nhất huyện, lại là điểm níu chân cô giáo trẻ đến bây giờ. Ngày ấy, cô Ghi mới tròn 21 tuổi.

Cô còn nhớ như in con đường đầy đá và dốc, trơn và trượt, chỉ có các thầy giáo cố gắng lắm mới đi xe máy, còn các cô giáo phải người nọ dìu người kia cuốc bộ, lên đến nơi ai nấy mặt mày đều xanh lét. Tuy vậy, khi tiếp xúc với các em nhỏ học sinh nơi đây, cô bỗng thấy dâng trong mình niềm xúc động, thương cảm cho các em nhỏ ngây ngô, đáng yêu, hiếu học dù hoàn cảnh còn quá khó khăn, thiếu thốn. Từ giây phút đó, thâm tâm cô đã quyết định xung phong lên điểm trường này công tác. Gạt nước mắt gửi lại hai con nhỏ ở nhà với ông bà nội, khi bé lớn mới bước vào mẫu giáo, bé út vừa tròn 1 tuổi, cô lên đường bắt đầu cuộc hành trình “cõng chữ lên non”. Chia sẻ về lý do của quyết định táo bạo và đầy thách thức này, cô nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về ai”.

Những ngày công tác ở vùng cao, nỗi nhớ con thơ rồi điều kiện đi lại khó khăn, những ngày mưa gió đường không đi lại được vì sạt lở khiến cô buồn khôn xiết. Nhớ lại lúc đó, cô Võ Thị Ghi xúc động chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in ngày 8/3/2014, con đường giao thông từ xã đến trường bị sạt lở cả tháng trời, cuộc sống của anh em giáo viên và bà con dân bản càng thêm gian nan, thách thức thậm chí cả hiểm nguy khi con đường bình thường các cô đi dạy, đất đá có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Khó khăn là thế nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm kiên trì cắm trường, giảng dạy vì thương các em học sinh tuổi còn nhỏ mà sớm chịu khổ cực, thân hình gầy gò run lên vì ướt mưa nhưng vẫn kiên trì đến lớp mặc cho cơ sở vật chất còn thiếu thốn hay trường lớp bị dột”.

Cô giáo Ghi bên học trò nghèo và lớp học đơn sơ của mình.

Con đường khá dài từ nhà đến trường lắm thác, nhiều ghềnh, nên có hôm đến 8h sáng các em mới đến lớp đầy đủ. Nhìn khuôn mặt xanh xao, thân hình gầy gò của các em, cô càng thấy thương và cảm mến tinh thần hiếu học của học sinh nơi đây. Vì thế, cô đã tìm nhiều cách thức chia sẻ, giúp đỡ các em từng cây bút, thước, bút chì, tẩy… để tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Nhưng với sức lực của một mình cô và các đồng nghiệp thì không thể giúp nhiều cho các em. Các thầy cô vùng cao như cô đều mong muốn các em học sinh sẽ nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ, ủng hộ từ phía cộng đồng, các nhà hảo tâm, các đoàn thể để học sinh nơi đây có thêm động lực nỗ lực học tập, hướng tới một tương lai tươi đẹp, xán lạn hơn.

Với 11 năm cống hiến cho giáo dục huyện nghèo Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, cô Võ Thị Ghi đã đạt giải ba cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2014-2015, giải khuyến khích giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2012-2013 và được khen tặng danh hiệu Lao động tiên tiến 3 năm liên tiếp từ 2012-2015. Năm nay, cô Võ Thị Ghi là một trong 64 gương giáo viên tiêu biểu cho chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Đó là nguồn động viên, khích lệ lớn lao để cô tiếp tục vững tâm kiên trì trên sự nghiệp trồng người vùng cao gian khổ mà cô đã chọn.

Đại diện ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đến thăm và tặng quà cho giáo viên cắm bản.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, người đã có chuyến đi thăm các giáo viên tiêu biểu của chương trình Chia sẻ cùng thầy cô cùng với ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội LHTN VN cho biết: "Với tư cách là đơn vị tổ chức chương trình cùng với Hội LHTN VN và Bộ GD-ĐT, tôi cho rằng mục đích của những chuyến đi thăm giáo viên cắm bản ở vùng cao, vùng sâu là để nắm bắt những thực tế khó khăn trong sinh hoạt, giảng dạy… của thầy cô giáo, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của những tấm lòng biết hy sinh vì sự học. Từ những cảm nhận hết sức chân thực này, chúng tôi hy vọng sẽ làm nên một chương trình chia sẻ thật sự có giá trị và ý nghĩa đối với những người 'cõng chữ' đi cắm bản".

Để tìm hiểu về chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, truy cập thông tin tại website www.chiasecungthayco.com.

Mộc Trà

Bạn có thể quan tâm