Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo trẻ vươn lên từ đôi chân khập khiễng

Đôi chân không khỏe mạnh khiến mỗi bước đi của cô giáo Nguyễn Hồng Thương (29 tuổi) thật khó nhọc. Thế nhưng, cô gái nhỏ nhắn này đã viết nên câu chuyện cổ tích về nghị lực đứng vững trên bục giảng bằng chính đôi bàn chân khập khiễng ấy.

Cô giáo trẻ vươn lên từ đôi chân khập khiễng

Đôi chân không khỏe mạnh khiến mỗi bước đi của cô giáo Nguyễn Hồng Thương (29 tuổi) thật khó nhọc. Thế nhưng, cô gái nhỏ nhắn này đã viết nên câu chuyện cổ tích về nghị lực đứng vững trên bục giảng bằng chính đôi bàn chân khập khiễng ấy.

Năm Hồng Thương lên 3 tuổi, một trận sốt cao đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh của cô. Khi lên 7 tuổi thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Thương buồn lắm nên cố xin ba mẹ cho đến trường. Ứa nước mắt trước thân hình con nhưng mẹ vẫn cõng em đến lớp. Vậy mà Thương học rất giỏi.

Vừa đi học, Thương lại tập đi. Lúc đã tự chống nạng đến lớp được, những lúc ngã quỵ trên đường vì mưa to, gió lớn cũng không ngăn quyết tâm đến trường của cô. Những lúc ấy, Thương tự lấy hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cả hai tay để làm tấm gương soi cho mình. Cứ thế bằng nghị lực, Thương vượt qua những mặc cảm khiếm khuyết thân thể và học thật tốt ở tất cả những năm học phổ thông. Cũng từ đó, ước mơ trở thành cô giáo cứ cháy bỏng trong cô trò nhỏ.

Cô giáo trẻ vươn lên từ đôi chân khập khiễng

Cô giáo trẻ Nguyễn Hồng Thương (người mặc áo dài đỏ) đã tự đứng trên chính đôi chân khập khiễng của mình.

Thương thi đậu vào khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM với điểm rất cao. Sợ con vất vả khi xa nhà, ba mẹ động viên chị ở quê nhà theo học nghề. Nhưng với ước mơ làm người có ích, Thương đã thuyết phục được gia đình.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Thương háo hức với niềm tin mang kiến thức góp sức “trồng người” ở quê nhà. Nhưng như “gáo nước lạnh dội vào” cô giáo trẻ khi đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu ái ngại. Không dập đi ước mơ, Hồng Thương vẫn bước tiếp con đường dù biết chông gai chờ phía trước.

Cô giáo trẻ quay lại TP HCM, nơi đã cho cô nghị lực từ những năm tháng là sinh viên sư phạm. Rồi may mắn cũng chào đón, cô được Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận 12 ký hợp đồng về dạy.

Làm cô giáo dạy học sinh bổ túc đâu phải chuyện dễ khi học trò cũng bằng tuổi cô giáo. Đó là chưa kể nhiều trò có “cá tính” đặc biệt nên khó tránh chuyện chọc phá cô giáo. Nhưng cô giáo trẻ tâm sự rằng “mình đối xử với học trò chân tình thì các em cũng không nỡ làm tôi khóc đâu”. Từ đó, cô đã đứng vững trên bục giảng.

Khi quen với công tác giảng dạy, Hồng Thương bắt đầu tham gia công tác Đoàn rồi trở thành Đảng viên trẻ nhất của Trung tâm. Là người trẻ, cô cũng rất muốn tham gia các phòng trào. Ý thức được việc di chuyển bất tiện, cô Thương đành bù đắp bằng cách chuẩn bị hậu cần thật tốt cho các hoạt động phong trào…

Đồng lương giáo viên ít ỏi, mỗi tháng nào tiền nhà trọ, tiền ăn… nhưng Thương vẫn vượt qua tất cả để đến với trường, với lớp. Ở nơi trọ, cô còn dành thời gian bồi dưỡng kiến thức thêm cho những học trò khó khăn, ham học. Dù được trường quan tâm tạo điều kiện nhưng cô quan niệm rằng sao mình phải được ưu ái vậy. Thương chỉ muốn đứng lên bằng chính đôi chân của mình.

Năm nào cô giáo Thương cũng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường. Đặc biệt năm 2009 - 2010, cô là giáo viên giỏi cấp thành phố của ngành GDTX và mới đây nhất là thành tích đậu cao học với điểm số rất cao. Tháng 10 vừa rồi Thương được TP HCM trao tặng danh hiệu giáo viên nữ tiêu biểu của thành phố năm 2010. Đó là những thành quả xứng đáng của cô giáo trẻ giàu nghị lực này.

Theo Dân Trí

Theo Dân Trí

Bạn có thể quan tâm