Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có hay không việc dùng thôi miên để lừa đảo?

Tin đồn về các đối tượng sử dụng thuật thôi miên để chiếm đoạt tài sản khiến dư luận hoang mang. Nhiều người băn khoăn những kẻ này đã làm cách nào để "con mồi" sập bẫy?

Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhiều người thường truyền tai nhau tin đồn về các đối tượng được cho là dùng thuật thôi miên để “hớp hồn” người ngay giữa nơi công cộng với các chiêu như hỏi đường, nhờ mở điện thoại, đổi mã pin.

Nếu rơi vào trường hợp này, người ta sẽ tự động móc ví, đưa giấy tờ, tiền, thậm chí đưa cả xe máy của mình cho chúng dù không quen biết. Khi nạn nhân nhận ra mình đã mất hết tài sản thì kẻ lừa đảo đã "cao chạy xa bay". Nhiều người cho rằng các đối tượng này đã dùng thuật thôi miên để điều khiển “con mồi” theo ý mình.

Thôi miên là gì?

Bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ Địa sinh học, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, thôi miên là kỹ thuật giúp con người chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang mơ màng có chủ ý và hướng sự quan tâm của họ đến một số mục đích cụ thể. Đây là hiện tượng bình thường, an toàn.

Khi đó, tâm trí bạn vẫn tỉnh táo nhưng gần như lãng quên đi những tác động bên ngoài và tập trung đến một mục đích cụ thể mà bạn muốn đạt được. Đó có thể là cai thuốc lá, giảm ăn, nâng cao khả năng tự nhận thức bản thân, vượt qua những nỗi sợ hãi, ám ảnh, tăng khả năng nhớ...

Trên thế giới, cụ thể trong lĩnh vực tâm lý học y khoa, các bác sĩ sử dụng thuật thôi miên nhằm giảm đau khi cấy ghép tủy xương, giúp nội soi dạ dày dễ chịu hơn, giảm chứng đau nửa đầu, đau do các khối u, khi sinh con, điều trị rối loạn thính lực, ổn định huyết áp, các bệnh đau mãn tính, ù tai, chóng mặt, dị ứng thần kinh, herpes, mất ngủ, trầm cảm, cai nghiện.

Những trẻ em sợ đến trường, sợ thi, học kém, sợ giao tiếp, đái dầm, rối loạn ngôn ngữ, hay vận động viên thể dục thể thao trước kỳ thi đấu, cũng có thể áp dụng thủ thuật này.

Thôi miên không thần kỳ

Trả lời câu hỏi có hay không việc các đối tượng lừa đảo dùng thôi miên để chiếm đoạt tài sản, bác sĩ Châu khẳng định: "Thôi miên không thần kỳ đến vậy".

Theo chuyên gia này, muốn áp dụng thủ thuật này cần phải có thời gian chuẩn bị và sự đồng thuận của người được thôi miên. Như vậy, nó chỉ phát huy tác dụng khi có sự hợp tác của cả hai bên.

"Thôi miên không thể chữa bách bệnh, hay sai khiến người khác làm theo ý mình. Trên thực tế, thủ thuật này vẫn nằm trong ranh giới nửa thực nửa ảo và hiệu quả cũng chỉ đến với một số ít người nên chưa được giới khoa học chấp nhận”, bác sĩ Dư Quang Châu nhấn mạnh.

Ông cho rằng, sở dĩ các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng khiến "con mồi" hợp tác là do chúng đã biết dùng kỹ xảo để đánh thức lòng tham hoặc điểm yếu của nạn nhân.

Những người bị lừa rơi vào bẫy của các đối tượng trên vì xấu hổ nên giấu đi những chi tiết khá tế nhị khi khai báo. Điều đó vô tình biến các đối tượng xấu thành người có khả năng siêu nhiên.

Bác sĩ Dư Quang Châu nhận định: "Đầu tiên, kẻ xấu tỏ vẻ cởi mở bắt chuyện với đối tượng, quan tâm chia sẻ bằng cách nói liên tục làm cho đối tượng cảm động, gật đầu đồng ý mà không có thời gian để suy xét. Chúng thường đi 2 người, vừa ám thị, vừa phụ họa, đưa đẩy để đối tượng bị hút vào câu chuyện, nhanh chóng rơi vào bẫy lừa".

Tuy nhiên, bác sĩ Châu cho rằng nên cảnh giác với những trường hợp bị kẻ gian sử dụng thuốc mê cướp đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần lưu ý hạn chế tiếp chuyện với người lạ, không nên nghe điện thoại, đọc thư từ, địa chỉ, hoặc uống nước không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần tránh nhìn chăm chú vào mắt người lạ, không nên cuốn theo mạch nói chuyện của họ, để tránh bị dẫn dụ.

Vì sao người bình thường biến thành ác thú khi 'ngáo đá'?

Tự sát, cầm dao đòi giết người giữa phố khi "ngáo đá" là những tình huống xảy ra trong thực tế. Điều gì đã biến một người bình thường trở nên tàn bạo khi dùng ma túy đá?

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm