Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh cao hơn năm ngoái'

Theo TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), lượng thí sinh dự thi giảm và đề thi phân hóa tốt tạo thuận lợi cho các trường xét tuyển đại học.

Đến ngày 11/7, hầu hết các trường đại học phía Nam đã chấm xong phần thi trắc nghiệm. Ghi nhận nhiều hội đồng thi, năm nay, ít thí sinh đạt điểm cao. Một số hội đồng thi chưa xuất hiện bài có điểm 10.

2015 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức gộp 2 kỳ thi thành một, đề thi được cho rằng tương đối dễ, điểm của thí sinh khá cao, nhưng mức độ phân hóa không rõ. Vì thế, nhiều trường gặp khó khăn trong việc xét tuyển, phải dùng các tiêu chí phụ.

Năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường đánh giá đề thi phân hóa khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tuyển.

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngân hàng TP HCM cho rằng, nếu năm ngoái phổ điểm tập trung mức 6 - 7, năm 2016, điểm sẽ rải đều ở các mức khác nhau. Đề Toán được đánh giá khó hơn mọi năm, tuy nhiên tổ hợp điểm của từng khối thi khó có biến động mạnh.

Diem chuan dai hoc anh 1
Thí sinh háo hức khi hoàn thành môn thi Hóa Học tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Theo TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sài Gòn, chấm thi theo cụm nên rất khó đoán mặt bằng chung điểm trúng tuyển của trường. Tuy nhiên, ông Sơn dự đoán, điểm chuẩn của ĐH Sài Gòn khó biến động lớn. Thí sinh cũng nên cân nhắc khi chọn các tổ hợp xét tuyển, ngành có nhân hệ số. 

Nhiều trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực cũng có những dự đoán mức điểm chuẩn cho năm nay tùy vào đặc thù của từng trường. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP HCM, dự đoán, điểm chuẩn của trường sẽ tăng so với năm ngoái.

Ông Lý cho biết, điểm chuẩn từng ngành có thể thay đổi do việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, trường tăng chỉ tiêu các ngành khối công nghệ và giảm chỉ tiêu ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, các ngành thuộc 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận.

Đối với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, đề thi có sự phân hóa rõ như năm nay sẽ thuận lợi cho các trường tuyển sinh mà không cần dùng tiêu chí phụ. Tuy nhiên, điểm chuẩn rất khó dự đoán.

Cũng theo ông Dũng, đến nay, nhà trường cơ bản chấm xong các môn trắc nghiệm, không nhiều thí sinh đạt điểm cao.

TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, việc đề phân hóa tốt hơn sẽ không tác động quá lớn đến điểm xét tuyển của các trường.

“Điểm chuẩn các trường chỉ bị tác động bởi phổ điểm cao hoặc thấp của thí sinh (trong trường hợp chỉ tiêu không đổi). Năm nay, yếu tố có thể tác động điểm trúng tuyển là ít thí sinh dự thi hơn năm ngoái, giảm tới gần 20%. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển không đổi, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn”, tiến sĩ Thông nói.

Cô Trịnh Minh Huyền, Phó chủ tịch Hội đồng thi ĐH Tôn Đức Thắng lại cho rằng, điểm chuẩn không thể hạ thấp được, mà phải phụ thuộc từng ngành nghề “hot”.

Diem chuan dai hoc anh 2
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, năm nay, tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao khá thấp, phổ điểm được trải đều rất thuận lợi cho các trường xét tuyển. Ảnh: Thành Tùng

Tại ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, Phó hiệu trưởng Đồng Văn Hướng, thông tin, năm nay, trường xét 2.700 chỉ tiêu, bằng mức năm ngoái với tổ hợp xét tuyển không đổi. Vì vậy, khả năng điểm chuẩn các ngành khó tăng.

Năm 2015, một số ngành khối kinh tế có điểm trúng tuyển ở mức 19 - 20 (3 môn), trong khi ngành có điểm chuẩn thấp nhất thuộc khối kỹ thuật chỉ cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Ông Hướng lưu ý, năm 2016, trường bỏ việc nhân hệ số môn chính khi xác định điểm chuẩn cho tất cả khối ngành. Dù không tác động đến sự thay đổi điểm chuẩn, thí sinh có điểm môn toán cao hơn sẽ ít lợi thế hơn so với cách tính có nhân hệ số.

Lãnh đạo của một trường ĐH khối Kinh tế tại TP HCM cũng nhận định, điểm thi môn Toán thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên môn tiếng Anh khá dễ nên phổ điểm của tổ hợp khối A1 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh) hay khối D (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) cũng khó thay đổi.

Trao đổi với lãnh đạo nhiều trường đại học ở khu vực phía Nam, hầu hết các thầy đều đánh giá cao đề thi năm nay. Tuy nhiên, mỗi trường có một hình thức tuyển sinh, tổ hợp và phụ thuộc ngành nghề đang "hot", thí sinh nên cân nhắc trước khi đăng ký xét tuyển. 

ĐH Kinh tế TP HCM viết phần mềm xét tuyển riêng

Ngày 7/7, ông Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết, nhà trường xây dựng phần mềm xét tuyển riêng nhưng vẫn kết nối dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT.


Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm