Chiều 9/7, ĐH Kiến trúc TP HCM làm thủ tục dự thi môn năng khiếu Vẽ mỹ thuật. Năm nay, trường tổ chức thi từ ngày 9 - 11/7 tại hội đồng thi của trường. Thời gian làm bài môn Vẽ mỹ thuật là 120 phút, Vẽ trang trí màu 270 phút.
Rất nhiều phụ huynh từ các tỉnh, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016, đã về TP HCM để bắt đầu dự thi môn năng khiếu. Tất cả được tình nguyện viên ĐH Kiến trúc giới thiệu nhà trọ giá rẻ, tư vấn và hướng dẫn kinh nghiệm vẽ cho thí sinh trước khi bước vào phòng thi.
Sinh viên tình nguyện chia sẻ kinh nghiệm vẽ màu cho một thí sinh trước ngày thi môn năng khiếu tại ĐH Kiến trúc TP HCM. Ảnh: Phước Tuần |
ĐH Sư phạm TP HCM cũng tổ chức thi năng khiếu cho thí sinh xét tuyển vào trường sáng 10/7.
Năm nay, trường nhận được trên 1.700 hồ sơ. Trong đó, khoảng 200 thí sinh đăng ký môn năng khiếu để xét tuyển vào ngành Giáo dục thể chất và trên 1.500 thí sinh dự thi năng khiếu để xét vào ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục đặc biệt. Đại diện nhà trường cho biết, trường chỉ tổ chức thi trong buổi sáng và công bố kết quả sau khoảng một tuần.
ĐH Văn hóa TP HCM tổ chức thi môn năng khiếu trong hai ngày 15 - 16/7 tại trường (quận 2, TP HCM). Các trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Nhạc viện TP HCM cũng tổ chức thi môn năng khiếu trong thời gian giữa tháng 7.
Tại Hà Nội, hôm nay, 10/7, ĐH Kiến trúc bắt đầu thi năng khiếu. Trường sử dụng hình thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh. Trong đó, trường kết hợp thi tuyển bằng các môn thi năng khiếu (Vẽ mỹ thuật, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu) với việc sử dụng kết quả điểm thi một số môn (Toán, Vật lý và Ngữ văn) của thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia do trường đại học chủ trì.
Học viện Báo chí và tuyên truyền tổ chức thi từ 10/8 đến 11/8 và công bố điểm ngày 14/8. PGS.TS Lưu Văn An – Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, năm nay, trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 1.550 em với 28 chuyên ngành đào tạo.
Đề thi năng khiếu sẽ chia làm 3 phần (thang điểm 10), thí sinh làm bài trong 150 phút.
Phần 1, câu hỏi trắc nghiệm (3 điểm) bao gồm kiến thức của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Phần 2 (3 điểm): Đề thi sẽ đưa ra một văn bản sai và yêu cầu thí sinh phải phát hiện chỗ sai để sửa thành văn bản hoàn chỉnh. Phần thi này thường sử dụng bài đã đăng trên báo, có trích dẫn đầy đủ, chính xác.
Phần 3 (4 điểm): Đề thi sẽ đưa một vấn đề chính trị, kinh tế hoặc xã hội. Thí sinh viết bài ngắn từ 300-400 chữ, để bình luận, đưa ra quan điểm và chính kiến cá nhân.
ĐH Sân khấu Điện ảnh bắt đầu thi sơ tuyển từ ngày 20/7 đến 24/7, vòng chung tuyển từ 25/7 đến 28/7, với tất cả các khoa như: Diễn viên, Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim…
Mỗi ngành thuộc ĐH Sân khấu Điện ảnh chỉ lầy chỉ tiêu từ 10 - 36 học viên, vì vậy đây được đánh giá là cuộc “cạnh tranh” khốc liệt.
Với một số ngành đặc thù như Diễn viên điện ảnh, Diễn viên chèo, Diễn viên cải lương, Diễn viên rối… chỉ tuyển với độ tuổi 17 đến 22. Chiều cao tối thiểu với nam là 1m65, với nữ là 1m55. Người cân đối, không có khuyết tật hình thể. Có giọng nói tốt, không nói ngọng, nói lắp.