Theo ông Hoàng, mùa tuyển sinh năm 2015, trường xây dựng hệ thống xét tuyển riêng và được phụ huynh, thí sinh đánh giá cao.
"Chúng tôi không hề chủ quan mà luôn rà soát theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, không để bất kỳ sự cố nào xảy ra", Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM nói.
Về công tác chấm thi và công bố điểm, ông Hoàng thông tin, trường chủ trì cụm thi Bình Phước. Theo thống kê, môn Toán có 8.753 bài thi, Ngoại ngữ: 7.109 bài, Ngữ văn: 8.680 bài, Vật lý: 5.523 bài, Địa lý: 3.056 bài, Hóa học: 4.247 bài, Lịch sử: 1.363 bài, Sinh học: 1.203 bài.
Trường huy động 227 cán bộ chấm thi, trong đó giảng viên của ĐH Kinh tế TP HCM là 37 người, chủ yếu chấm môn Toán và Tiếng Anh. Các môn Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử do giáo viên trường THPT đảm nhận. Quá trình chấm có PA83 thuộc Công an TP HCM và cán bộ của trường giám sát.
Thí sinh tại cụm thi ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM trước giờ thi môn Địa Lý. Ảnh: Phước Tuần. |
Hôm nay, bốn trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP HCM cũng bắt đầu chấm bài thi. Dự kiến, ngày 15/7, tất cả bốn cụm sẽ công bố điểm cho thí sinh.
PGS.TS Trần Lê Quan, Phó chủ tịch Hội đồng cụm thi ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, trường có 130 giáo viên chấm thi các môn Toán và trắc nghiệm. Các môn Văn - Sử - Địa sẽ nhờ giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chấm.
Trường cũng nhận chấm bài thi môn Toán cho ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Dự kiến 15/7, trường này hoàn tất chấm thi, sau đó công bố và xét tuyển theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TPHCM cũng thông tin, cụm thi này có 400 giáo viên chấm bài môn Toán và các môn trắc nghiệm. Môn Toán có số lượng nhiều nhất, hơn 15.000 bài. Môn Văn do giáo viên một số trường phổ thông ở TP HCM chấm. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chấm bài thi Sử, Địa.
Năm 2016, ĐH Sư phạm TP HCM là một trong những trường chấm bài thi nhiều nhất. Ngoài chấm bài của cụm thi mình phụ trách, trường còn nhận hơn 10.000 bài thi của các môn tự luận của cụm ĐH Luật TP HCM, ĐH Tài chính Marketing TP HCM.
Quán triệt cán bộ chấm thi giữ bí mật
Trước đó, ngày 5/7, Bộ GD&ĐT có công văn về việc tăng cường chỉ đạo công tác chấm thi, công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo đó, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo trực tiếp việc làm phách và bảo đảm an toàn, bảo mật của số phách; tổ chức nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, hướng dẫn chấm, biểu điểm; thực hiện nghiêm túc quy định chấm chung để thống nhất trong chấm thi.
Việc chấm thi phải được thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập và tại hai phòng chấm riêng biệt; thực hiện đúng các quy định về cách ghi điểm và quy điểm; chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo cùng tiến độ chấm của Ban chấm thi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu quán triệt cán bộ chấm thi giữ bí mật, không được cung cấp thông tin về hoạt động của Ban chấm thi và nội dung bài làm của thí sinh, ngoài các báo cáo chính thức của Ban chấm thi; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra.
Việc chấm thi và lên điểm phải hoàn thành trước ngày 20/7.