Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên dùng nhân sâm cho bệnh nhân ung thư?

Việc sử dụng nhân sâm có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với một số thuốc nếu dùng quá liều hay trong một thời gian dài.

Nhân sâm được biết đến từ sách “Thần nông bản thảo”. Tài liệu ghi chép, nhân sâm vị ngọt, tính hơi lạnh, tác dụng cải tiến chức năng lục phủ ngũ tạng, loại bỏ những điều không tốt, sáng mắt, bổ trí não, thông minh, giúp cơ thể nhẹ nhõm. Nhân sâm được sử dụng cho mục đích tăng cường sức khỏe, được xếp vào một trong bốn loại thuốc quý (Sâm- Nhung- Quế - Phụ) từ lịch sử hơn 2.000 năm trước.

Đối với bệnh ung thư, vai trò hỗ trợ điều trị của nhân sâm vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa sáng tỏ. Bài viết sau của thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, thành viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím, sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm vai trò của nhân sâm đối với sức khỏe bệnh nhân ung thư.

Một số đặc điểm của nhân sâm

Hiện nay, trên thế giới có 11 loài nhân sâm thuộc chi Panax đã được nhận dạng. Nhân sâm châu Á gồm Panax notoginseng, Panax japonica và Panax ginseng; Nhân sâm ở châu Mỹ như Panax quinquefolius. Nhân sâm có thành phần hóa học đa dạng.

Ngoài các protein và carbohydrate, chúng còn chứa tinh dầu dễ bay hơi, các ginsenoside (ginseng saponins), amino acid, vitamin và acid béo. Ginsenoside là thành phần hóa học chủ yếu tồn tại trong rễ, có hoạt tính sinh học cao, đã có hơn 100 loại ginsenoside được phân lập từ các loại nhân sâm khác nhau.

Su dung nhan sam cho benh nhan ung thu anh 1
Trên thế giới có 11 loài nhân sâm thuộc chi Panax đã được nhận dạng. Ảnh: Agarwood.

Nhân sâm châu Á Panax ginseng chứa 38 loại ginsenoside khác nhau, trong khi Nhân sâm Mỹ Panax quinquefolius chỉ có 19 loại ginsenoside. Hơn nữa, Panax ginseng cũng chứa nhiều hoạt chất không là saponin hơn bao gồm hợp chất K, acid polysaccharide và hợp chất polyethylene, được cho rằng có lợi với sức khỏe hơn so với Panax quinquefolius. Tới nay, Panax ginseng được tiến hành nghiên cứu nhiều và sử dụng phổ biến nhất trong các loại nhân sâm.

Các yếu tố được chứng minh có thể ảnh hưởng tới hàm lượng ginsenoside trong nhân sâm bao gồm độ tuổi, loại, đất trồng, ánh sáng và cách chế biến. Nhân sâm tươi, thu hoạch dưới 4 năm có tác dụng dược lý thấp nhất, thường được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn. Rễ của Panax ginseng được thu hoạch sau 5 năm hoặc hơn chứa khoảng 1-2% ginsenoside.

Phân loại nhân sâm theo cách chế biến bao gồm: bạch sâm, hồng sâm, hắc sâm và sâm tươi. Hồng sâm có màu nâu đậm được chế biến bằng cách chọn những củ sâm to, trên 6 năm tuổi, được rửa sạch và hấp ở nhiệt độ 98 -100 độ C, sau đó sấy khô đến khi độ ẩm dưới 15%. Những củ sâm không đủ tiêu chuẩn làm hồng sâm thì chế biến thành bạch sâm, được phơi dưới nắng 7-15 ngày, có màu trắng, độ ẩm dưới 15%. Trong khi hồng sâm chưng cất và sấy khô một lần, hắc sâm cần phải được chưng cất và sấy khô 9 lần. Còn sâm tươi là sâm được thu hoạch sau 4-6 năm, chưa được sơ chế, có độ ẩm 75%.

Nghiên cứu tác dụng của nhân sâm trên ung thư

Tiềm năng kháng tế bào ung thư của các ginsenoside trong nhân sâm phụ thuộc vào công thức hóa học, cấu trúc không gian, số phân tử đường gắn vào các vị trí trên khung saponin. Hai phần aglycon chính của saponin trong cấu trúc của nhân sâm là protopanaxadiol và protopanaxatriol. Phần R1, R2, R3 được gắn với các loại đường khác nhau.

Su dung nhan sam cho benh nhan ung thu anh 2Dù có nhiều nghiên cứu đánh giá khả năng kháng tế bào ung thư của ginsenoside hay chiết xuất nhân sâm trên các dòng tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, song vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy hiệu quả điều trị bệnh ung thư của chúng. Tuy vậy, đã có một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy nhân sâm được xem như một yếu tố hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư.

Su dung nhan sam cho benh nhan ung thu anh 3
Hiện nay, chúng ta chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy hiệu quả điều trị bệnh ung thư của nhân sâm. Ảnh: Factdr.

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng việc sử dụng nhân sâm đến nguy cơ mắc ung thư

Nghiên cứu bệnh chứng trên 1.987 bệnh nhân Hàn Quốc, cho thấy sử dụng hồng sâm giúp giảm nguy cơ mắc phải ung thư ác tính bao gồm ung thư phổi, đại trực tràng. Tuy nhiên, kết quả phân tích không cho thấy sử dụng hồng sâm có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như vú, tử cung, tuyến giáp hay bàng quang trên phụ nữ.

Kết quả từ một nghiên cứu khác trên 4.634 người Hàn Quốc 40 tuổi trở lên cho thấy những người sử dụng nhân sâm có tỷ lệ mắc ung thư giảm so với những người không sử dụng. Ngoài ra, sử dụng hồng sâm 1 g mỗi tuần trong vòng 3 năm liên tiếp đối với bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa trong 8 năm theo dõi sau đó.

Bên cạnh những nghiên cứu cho thấy sử dụng nhân sâm có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư, một số nghiên cứu không cho thấy mối liên kết này tồn tại. Phân tích gần 75.000 phụ nữ độ tuổi từ 40 đến 70 trong một nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ Thượng Hải, Trung Quốc cho thấy không có mối liên kết giữa giảm hay tăng nguy cơ mắc ung thư tiêu hóa và sử dụng các loại nhân sâm khác nhau. Trong một phân tích khác trên hơn 35.000 nam giới độ tuổi từ 50 đến 76 của nghiên cứu VITAL, kết quả cho thấy, sử dụng nhân sâm không ảnh hưởng tới việc tăng hay giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến.

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng việc sử dụng nhân sâm đến tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư

Một nghiên cứu của nhóm tác giả Cui Y. và cộng sự đã đánh giá ảnh hưởng của nhân sâm trên 1455 bệnh nhân ung thư vú được tuyển chọn từ trung tâm Ung thư vú ở Thượng Hải, Trung Quốc từ 08/1996 đến tháng 03/1998 thông qua bộ câu hỏi khảo sát để xác định các đầu ra liên quan đến ung thư vú. Kết quả cho thấy những phụ nữ ung thư vú sử dụng nhân sâm bên cạnh phẫu thuật/xạ trị/hóa trị có nguy cơ tái phát khối u và tử vong thấp hơn so với những người chưa từng sử dụng.

Sử dụng hồng sâm với mức liều 4,5 g mỗi ngày trong vòng 6 tháng sau khi phẫu thuật và hóa trị trên 42 bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn III cũng được chứng minh làm giảm đáng kể tái phát khối u trong 4,5 năm theo dõi sau đó.

Kết quả từ một nghiên cứu trên hơn 6.000 bệnh nhân ung thư tuổi trên 55 trong thời gian 18 năm theo dõi của nhóm tác giả Sang-Wook Yi và cộng sự, cho thấy sử dụng nhân sâm làm chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong trên nam giới mà không giảm trên nữ giới.

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng việc sử dụng nhân sâm đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư

Đã có một số nghiên cứu đánh giá vai trò của việc sử dụng nhân sâm trong cải thiện chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân ung thư. Nghiên cứu thông qua bộ câu hỏi khảo sát chất lượng cuộc sống bệnh nhân trên các tiêu chí về sức khỏe tinh thần, thể lực, thích nghi xã hội. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chưa thể đi đến thống nhất.

Nghiên cứu trên 1.455 bệnh nhân ung thư vú được tuyển chọn từ trung tâm ung thư tại Thượng Hải, Trung Quốc, cho thấy nhóm bệnh nhân sử dụng nhân sâm có điểm chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng. Chất lượng cuộc sống được đánh giá thông qua bộ câu hỏi chất lượng chung gồm 74 tiêu chí (General Quality of Life Inventory -74) được chia thành 4 nhóm: sức khỏe tinh thần, thể chất, khả năng hòa nhập xã hội và tình trạng kinh tế.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đối chứng, mù đôi trên 53 bệnh nhân ung thư chia làm hai nhánh, một nhánh sử dụng nhân sâm mức liều 3 g mỗi ngày liên tiếp trong 12 tuần, một nhánh sử dụng giả dược thay thế. Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân được sử dụng nhân sâm có điểm chất lượng cuộc sống cao hơn so với nhóm sử dụng giả dược.

Sử dụng nhân sâm mức liều 2 g mỗi ngày trong vòng 16 tuần cũng được chứng minh cải thiện tình trạng ốm yếu, khả năng vận động và chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng được hóa trị với oxaliplatin.

Năm 2012, nhóm tác giả Bao PP và cộng sự đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của Nhân sâm trên hơn 4.000 phụ nữ từ trung tâm Ung thư vú tại Thượng Hải. Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng nhân sâm với thời gian từ 6 tháng, 18 tháng hay 36 tháng liên tục sau khi bị chẩn đoán ung thư vú không giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Su dung nhan sam cho benh nhan ung thu anh 4
Chúng ta vẫn chưa có đủ bằng chứng lâm sàng để khẳng định tác dụng điều trị ung thư của nhân sâm. Ảnh: Ideasplus.

Như vậy, chúng ta vẫn chưa có đủ bằng chứng lâm sàng để khẳng định tác dụng điều trị ung thư của nhân sâm. Đồng thời, các bằng chứng lâm sàng chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị, giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư còn nhiều điểm bất đồng và chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư của nhân sâm - một dược liệu có tính an toàn cao khi sử dụng ở mức liều hợp lý.

Vậy chúng ta có nên sử dụng nhân sâm bên cạnh các liệu pháp điều trị chính thống khác trên bệnh nhân ung thư, và những nguy cơ bệnh nhân có thể gặp phải là gì?

Tác dụng phụ khi sử dụng nhân sâm

Nhân sâm là một loại dược liệu khá an toàn khi sử dụng ở mức liều 3 g đến 9 g dạng bột rễ Nhân sâm mỗi ngày. Tuy nhiên, người sử dụng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn nếu tăng mức liều này lên hay sử dụng thời gian dài trên 6 tháng.

Năm 1979, Siegel và cộng sự lần đầu tiên nhắc đến hội chứng “lạm dụng nhân sâm” với các biểu hiện kích thích thần kinh, rối loạn tâm thần, thay đổi hành vi, nổi ban đỏ ở da, tiêu chảy trên những người sử dụng nhân sâm ở mức liều 15 g mỗi ngày.

Nôn và buồn nôn được ghi nhận trên những người khỏe mạnh sử dụng mức liều 200 mg dịch chiết nhân sâm mỗi ngày trong 3 tuần liên tiếp để hỗ trợ chức năng tim mạch. Hạ đường huyết, đau đầu, nhìn mờ, thiếu máu và kích động được ghi nhận trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 sử dụng nhân sâm.

Những triệu chứng khó chịu đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy xuất hiện trên những bệnh nhân sử dụng nhân sâm trong các thử nghiệm lâm sàng được Lee NH và cộng sự phân tích tổng quan.

Độc tính gan nặng được báo cáo khi sử dụng nhân sâm trong quá trình bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp được điều trị với imatinib. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh sử dụng đồng thời imatinib và nhân sâm.

Tương tác thuốc khi sử dụng cùng với nhân sâm

Tương tác thuốc sử dụng cùng nhân sâm hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, một số nghiên cứu về dược lý cho rằng cần phải giám sát việc sử dụng đồng thời nhân sâm cùng với warfarin hay thuốc chuyển hóa qua CYP3A hay các thuốc là cơ chất của P-glycoprotein (P-gp), một loại bơm tống thuốc từ tế bào trở lại lòng ruột. Cơ chất của P-gp bao gồm rất nhiều thuốc có khoảng điều trị hẹp như digoxin, thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin, tacrolimus, thuốc điều trị ung thư như vincristin, paclitaxel, thuốc kháng retrovirus như ritonavir, saquinavir…

Ngoài ra, nhân sâm có khả năng ảnh hưởng tới tác dụng của một số loại thuốc điều trị trầm cảm, hạ đường huyết, hạ lipid máu hay liệu pháp hormone. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đang được điều trị với thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu hay warfarin không nên sử dụng nhân sâm để tránh nguy cơ xuất huyết.

Một số ginsenoside trong nhân sâm có tác dụng làm ngăn cản quá trình kháng thuốc trong phác đồ hóa trị liệu do tế bào ung thư gây ra. Ginsenoside Rh2 được chứng minh có khả năng làm tăng hiệu quả hóa trị liệu trên bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, ginsenoside Rh2 được hấp thu qua đường tiêu hóa rất kém (dưới 5%), điều này làm hạn chế hiệu quả sử dụng của nó.

Kiểm soát chất lượng nhân sâm

Thuốc bảo vệ thực vật

Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, nguồn nhân sâm trở nên khan hiếm hơn. Hiện tại, nhân sâm được trồng chính ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và một số nước khác. Tuy nhiên, để đảm bảo cung ứng đủ số lượng nhân sâm cho nhu cầu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học kích thích dần trở nên phổ biến.

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã được phát hiện trong một số sản phẩm nội địa Hàn Quốc có nguồn gốc sản xuất từ nhân sâm 4-6 tuổi trồng ở bốn vùng nông nghiệp khác nhau của tỉnh Jeonnam của Hàn Quốc.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng phát hiện ra 22 trong số 31 loại sâm nhập khẩu có nguồn gốc từ Canada, Hồng Kông, Trung Quốc, và Hàn Quốc dưới dạng rễ khô, dạng bột, dịch chiết xuất lỏng hay cô đặc được đóng gói ở Mỹ chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dễ bay hơi.

Chất pha trộn trái phép không được khai báo

Chất pha trộn vào các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nhân sâm cũng là một vấn đề cần được quản lý chặt chẽ hiện nay. Tháng 08/2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh cáo sản phẩm được làm từ nhân sâm có tên gọi là “Sâm Kianpi Pil” - sản phẩm này được quảng cáo có khả năng làm giảm bớt mệt mỏi, giúp thèm ăn, tăng cân, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tăng cường miễn dịch, bổ trí não. Tuy nhiên, phòng nghiên cứu của FDA đã phát hiện trong sản phẩm này có chứa dexamethasone (thuốc chống viêm corticoid tổng hợp) và cyproheptadine (thuốc kháng histamin chống dị ứng), trong khi những thành phần này không được khai báo trên đăng ký nhãn.

Việc trộn tân dược vào các sản phẩm nhân sâm nhằm mục đích để người bệnh thấy được tác dụng nhanh chóng là một vấn đề nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, cần được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.

Kết quả một số thử nghiệm lâm sàng gần đây đã cho thấy nhân sâm có tiềm năng hỗ trợ điều trị cũng như nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn có quy mô nhỏ, chủ yếu thiết kế nghiên cứu bệnh - chứng và kết quả chưa hoàn toàn sáng tỏ, còn nhiều điểm bất đồng giữa các nghiên cứu. Vì vậy, trong tương lai cần có những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá vai trò của nhân sâm đối với sức khỏe của bệnh nhân ung thư.

Đồng thời, hiện nay đã có rất nhiều sản phẩm làm từ nhân sâm được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Thống kê trong năm 2009 cho thấy thế giới sử dụng 1,3 tỷ USD cho các sản phẩm từ nhân sâm, với nguồn cung cấp lớn nhất từ Hàn Quốc, sau đó là Trung Quốc, Canada, Mỹ. Do vậy, việc nghiên cứu phát triển, đảm bảo chất lượng từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói và bảo quản nhân sâm trong tương lai cần được quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, sử dụng nhân sâm có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với một số thuốc nếu dùng quá liều hay trong một thời gian dài. Vì vậy, việc theo dõi và cân nhắc nguy cơ - lợi ích khi sử dụng nhân sâm bởi những người có chuyên môn y tế là rất cần thiết.

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo

  • Trần Đáng (2019), Thực phẩm chức năng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, pp. 960-965.
  • Attele A. S., Wu J. A., et al. (1999), "Ginseng pharmacology: multiple constituents and multiple actions", Biochem Pharmacol, 58(11), pp. 1685-93.
  • Baeg I. H., So S. H. (2013), "The world ginseng market and the ginseng (Korea)", J Ginseng Res, 37(1), pp. 1-7.
  • Bao P. P., Lu W., et al. (2012), "Ginseng and Ganoderma lucidum use after breast cancer diagnosis and quality of life: a report from the Shanghai Breast Cancer Survival Study", PLoS One, 7(6), pp. e39343.
  • Bilgi N., Bell K., et al. (2010), "Imatinib and Panax ginseng: a potential interaction resulting in liver toxicity", Ann Pharmacother, 44(5), pp. 926-8.
  • Brasky T. M., Kristal A. R., et al. (2011), "Specialty supplements and prostate cancer risk in the VITamins and Lifestyle (VITAL) cohort", Nutr Cancer, 63(4), pp. 573-82.
  • Bucci L. R. (2000), "Selected herbals and human exercise performance", Am J Clin Nutr, 72(2 Suppl), pp. 624s-36s.
  • Caron M. F., Hotsko A. L., et al. (2002), "Electrocardiographic and hemodynamic effects of Panax ginseng", Ann Pharmacother, 36(5), pp. 758-63.
  • Choi K. T. (2008), "Botanical characteristics, pharmacological effects and medicinal components of Korean Panax ginseng C A Meyer", Acta Pharmacol Sin, 29(9), pp. 1109-18.
  • Cui Y., Shu X. O., et al. (2006), "Association of ginseng use with survival and quality of life among breast cancer patients", Am J Epidemiol, 163(7), pp. 645-53.
  • FDA, Ginseng Dietary Supplements Special Survey (CFSAN Assignments and Field Regulatory Monitoring for FY 2003 and FY 2004). 2008.
  • Jia W. W., Bu X., et al. (2004), "Rh2, a compound extracted from ginseng, hypersensitizes multidrug-resistant tumor cells to chemotherapy", Can J Physiol Pharmacol, 82(7), pp. 431-7.
  • Kamangar F., Gao Y. T., et al. (2007), "Ginseng intake and gastric cancer risk in the Shanghai Women's Health Study cohort", Cancer Epidemiol Biomarkers Prev, 16(3), pp. 629-30.
  • Kim J. H., Park C. Y., et al. (2006), "Effects of sun ginseng on subjective quality of life in cancer patients: a double-blind, placebo-controlled pilot trial", J Clin Pharm Ther, 31(4), pp. 331-4.
  • Kim S., Shin B. C., et al. (2011), "Red ginseng for type 2 diabetes mellitus: a systematic review of randomized controlled trials", Chin J Integr Med, 17(12), pp. 937-44.
  • Lee N. H., Son C. G. (2011), "Systematic review of randomized controlled trials evaluating the efficacy and safety of ginseng", J Acupunct Meridian Stud, 4(2), pp. 85-97.
  • Nag S. A., Qin J. J., et al. (2012), "Ginsenosides as Anticancer Agents: In vitro and in vivo Activities, Structure-Activity Relationships, and Molecular Mechanisms of Action", Front Pharmacol, 3, pp. 25.
  • Park H. J., Kim D. H., et al. (2012), "Ginseng in traditional herbal prescriptions", J Ginseng Res, 36(3), pp. 225-41.
  • Park Y. S., Abd El-Aty A. M., et al. (2007), "Pesticide multiresidue analysis in Panax ginseng (C. A. Meyer) by solid-phase extraction and gas chromatography with electron capture and nitrogen-phosphorus detection", Biomed Chromatogr, 21(1), pp. 29-39.
  • Posadzki P., Watson L., et al. (2013), "Herb-drug interactions: an overview of systematic reviews", Br J Clin Pharmacol, 75(3), pp. 603-18.
  • Ramanathan M. R., Penzak S. R. (2017), "Pharmacokinetic Drug Interactions with Panax ginseng", Eur J Drug Metab Pharmacokinet, 42(4), pp. 545-557.
  • Richard A. Helms, David J. Quan, et al. (2006), Textbook of Therapeutics Drug and disease management Lippincott William & Wilkins, pp.
  • Siegel R. K. (1979), "Ginseng abuse syndrome. Problems with the panacea", Jama, 241(15), pp. 1614-5.
  • Suh S. O., Kroh M., et al. (2002), "Effects of red ginseng upon postoperative immunity and survival in patients with stage III gastric cancer", Am J Chin Med, 30(4), pp. 483-94.
  • Wang C. Z., Anderson S., et al. (2016), "Red ginseng and cancer treatment", Chin J Nat Med, 14(1), pp. 7-16.
  • Yang Z., Gao S., et al. (2011), "Enhancement of oral bioavailability of 20(S)-ginsenoside Rh2 through improved understanding of its absorption and efflux mechanisms", Drug Metab Dispos, 39(10), pp. 1866-72.
  • Yeul Hong Kim, Yoojoo Lim, et al. (2017), "A Study of Korean Red Ginseng for Evaluation of Improvement of Cancer-related Fatigue in Patients With Colorectal Cancer With Chemotherapy: A Randomized, Double-blind, Placebo-Controlled, Parallel, Multicenter Trial", Journal of Clinical Oncology, 35(15), pp. 1008- 1010.
  • Yi S. W., Sull J. W., et al. (2009), "Association between ginseng intake and mortality: Kangwha cohort study", J Altern Complement Med, 15(8), pp. 921-8.
  • Yun T. K., Choi S. Y. (1998), "Non-organ specific cancer prevention of ginseng: a prospective study in Korea", Int J Epidemiol, 27(3), pp. 359-64.
  • Yun T. K., Choi S. Y., et al. (2001), "Epidemiological study on cancer prevention by ginseng: are all kinds of cancers preventable by ginseng?", J Korean Med Sci, 16 Suppl, pp. S19-27.

Fucoidan có phải 'thần dược' tiêu diệt mọi loại ung thư?

Tương tác giữa Fucoidan và thuốc điều trị ung thư vẫn chưa được nghiên cứu toàn diện, do đó, chúng hoàn toàn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho bệnh nhân.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên

Bạn có thể quan tâm