Trước khi nội soi, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tiền mê, giúp giảm lo lắng và phản xạ có hại.
Tôi có dấu hiệu đau dạ dày và được chỉ định nội soi gây mê. Một số người nói dùng thuốc mê ảnh hưởng đến trí nhớ. Điều này khiến tôi rất lo lắng khi phải nội soi. (Vương Ánh, 23 tuổi, Lạng Sơn)
Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115, tư vấn:
Thuốc tiền mê chỉ là tên gọi chung, trước cuộc mổ bệnh nhân sẽ được sử dụng để giúp giảm lo lắng và phản xạ có hại.
Thuốc tiền mê được phối hợp từ nhiều loại thuốc khác nhau như hạn chế tăng tiết dịch dạ dày, giảm tiết nước bọt để bảo vệ đường thở của người bệnh, an thần giúp bệnh nhân bớt lo lắng, giảm đau.
Đối với nội soi đường tiêu hóa, dạ dày hay ruột, bác sĩ thường chỉ dùng thuốc an thần ở mức độ thấp, nếu dùng liều cao có thể bệnh nhân sẽ ngủ. Vì vậy, tùy theo mức độ lo lắng của người bệnh, bác sĩ cho thuốc phù hợp, quan trọng là kiểm soát hô hấp.
Thời gian gây mê thông thường 15-30 phút cho nội soi đường tiêu hóa trên, lượng thuốc rất ít nên không hại đến sức khỏe.
Nhiều người băn khoăn về những tác dụng phụ của thuốc như giảm trí nhớ. Về vấn đề này, hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau. Một số nghiên cứu nhỏ lẻ ở người lớn nhận thấy khi gây mê ở những bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp, tim mạch hoặc Parkinson trước đó có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.
Đặc biệt ở trẻ em, ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy những bé dưới 4 tuổi khi gây mê bằng thuốc mê hô hấp có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe và hiểu biết ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chỉ số thông minh của trẻ cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa phải đại diện hết cho tất cả dân số.
Giữa lợi ích và tác hại, chúng ta buộc phải lựa chọn. Ví dụ, một đứa trẻ đau ruột thừa, nếu không gây mê để phẫu thuật có thể tử vong. Việc ảnh hưởng lên trí nhớ hay sự thông minh chỉ là ngắn hạn, trong lâu dài không đáng kể. Việc cứu tính mạng quan trọng hơn. Ngoài ra, phần lớn những phương pháp gây mê cho trẻ đều an toàn.