Năm học kết thúc cũng là lúc mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các bậc phụ huynh, thầy cô đăng tải giấy khen, kết quả học tập của con em mình.
Dễ gây áp lực cho con
Trên nhóm Chúng tôi là giáo viên, status "Tha thiết mong các bậc phụ huynh không đăng giấy khen của con lên Facebook. Nếu đồng ý bấm ok" có tới 9.400 lượt like và 1.700 bình luận khác nhau sau khi chưa được một ngày.
Rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội đã được cộng đồng giáo viên thẳng thắn chia sẻ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, cho rằng sau một năm cố gắng, kết quả tốt của con cần được công nhận, khen thưởng. Nhưng cha mẹ cần cân nhắc và hỏi ý kiến của con khi đưa lên mạng xã hội.
"Con cái học tập tốt, rèn luyện tốt là điều tự hào đối với bất kỳ ai. Khen thưởng các con là việc rất cần thiết nhưng theo tôi, nên cân nhắc khen thưởng con cái trong phạm vi riêng tư của gia đình, người thân, lớp học. Mạng xã hội là nơi thông tin đến được với mọi người. Đôi khi, việc đem thông tin cá nhân lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được", TS Lâm nói.
Theo ông Lâm, trên thực tế, việc đăng tải giấy khen lên mạng xã hội đã tạo áp lực lớn cho những đứa trẻ, không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi sẽ là động lực cho con tiếp tục học giỏi, chăm ngoan.
Vô tình, điều đó lại tạo nên áp lực cho các con. Chuyên gia này chia sẻ thêm nhiều khi bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng sẽ vô tình bắt các em phải theo ý muốn của người lớn.
Lời kêu gọi không nên khoe giấy khen của con lên Facebook trên một diễn đàn giáo viên đang gây chú ý. |
Chị Nguyễn Thu Trang, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay 2 năm gần đây, con chị không còn thích về quê như trước.
"Mất nhiều thời gian tôi mới hiểu được lý do con không muốn về quê, đó chính là không muốn phải đối mặt với những câu hỏi kết quả năm nay thế nào, có được học sinh giỏi hay không. Những câu hỏi tưởng như mang ý nghĩa quan tâm rất bình thường hóa ra lại là những áp lực nặng nề cho trẻ. Con tôi tâm sự cháu 'trốn' không về quê để đỡ phải trả lời những câu hỏi như vậy", chị Trang nói.
Phụ huynh này cho biết không phải chỉ con mình mà nhiều đứa trẻ khác cũng có tâm trạng như vậy.
"Con tôi kể không chỉ mình cháu mà nhiều bạn trong lớp cũng bị áp lực vì những câu hỏi tương tự khi gặp họ hàng", chị Trang kể.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng dù không ai nói ra, thực tế có sự ngầm hiểu là ngoài tự hào vì con học giỏi, bố mẹ cũng có một chút tự hào về chính mình.
Bên cạnh những lời khen cho đứa trẻ đạt điểm 9, 10, không ít bình luận khen bố mẹ nuôi dạy con giỏi khiến các phụ huynh mãn nguyện.
Khen sao cho đúng?
Cô Đoàn Diệu Anh, giáo viên trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), cho rằng về mặt cảm xúc, việc khoe con lên mạng xã hội có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự tự hào của cha mẹ. Khen để tạo động lực là tốt nhưng cách thức khen mới quan trọng.
Theo một chuyên gia giáo dục, khen quá sẽ khiến trẻ kiêu căng, nếu khen không đúng năng lực càng tạo nên áp lực.
Khen không đúng cách dẫn đến việc tạo áp lực "phải có giấy khen cho cha mẹ" chứ không phải học cho mình đối với nhiều trẻ. Khi điểm số không được như mong đợi sẽ tạo nên một áp lực khác, khiến cha mẹ và cả các con bị hụt hẫng.
Tuy nhiên, một giảng viên của ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng nếu giấy khen đó là sự giả dối, hãy xấu hổ đừng đăng, còn đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả gia đình, chẳng có gì phải che giấu.
"Các phụ huynh ai thích thì khoe, tôi ủng hộ. Ai không thích thì không đăng, tôi tôn trọng tính cách từng người", giảng viên này chia sẻ. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của nhiều giáo viên.
Một giảng viên của ĐH Hà Nội cho hay không đăng lên Facebook giấy khen của các con mặc dù các cháu vẫn có giải ở trường chuyên.
"Đó là do tính cách mình nhưng tôi vẫn tôn trọng và chia vui cùng những cha mẹ đăng lên Facebook. Mỗi người có một niềm vui, hạnh phúc, muốn chia sẻ, ta chia vui cùng họ cũng không sao. Các con vẫn còn bé, nên động viên, khích lệ, không nên quá khắt khe với các con", giảng viên này nói.
Giúp con nhận thức giá trị thực của việc học
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng càng kỳ vọng về con bao nhiêu, cha mẹ lại càng muốn con học nhiều bấy nhiêu. Điều này dẫn đến hậu quả là ngày càng có nhiều trẻ đến khám và điều trị tâm lý do bị áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.
"Tôi biết có những đứa trẻ trước đó rất ngoan ngoãn, vui vẻ học hành nhưng càng về sau càng chán ghét việc học. Cha mẹ càng tạo áp lực, trẻ lại càng chống đối, có em sợ học, xa cách cha mẹ, rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí là dẫn đến những hành động tự hủy hoại bản thân. Xin đừng vì những mong muốn của bản thân mà 'đánh cắp' tuổi thơ của những đứa trẻ. Phụ huynh hãy cho con em mình nhận thức được giá trị thực sự của việc học", TS Vinh nói.