“Em đã luôn cố gắng về mọi mặt nhưng bất kỳ lúc nào, bố mẹ cũng có thể so sánh em với 'con nhà người ta', từ học tập cho đến mọi hành động”, L.C. (15 tuổi) tâm sự với Zing.
Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ họp phụ huynh, C. lại rơi vào tình cảnh ăn cơm “chan nước mắt” bởi áp lực từ sự so sánh của bố mẹ.
Cơn ác mộng "con nhà người ta"
Bố mẹ luôn đòi hỏi 3 chị em L.C. phải ngoan ngoãn, học giỏi, không được thua kém bạn bè hay anh chị em trong gia đình. Nữ sinh vừa kết thúc năm học lớp 10 với điểm tổng kết 8,6. Em là học sinh giỏi nhưng thay vì tự hào, bố mẹ C. lại đem số điểm đó so sánh với “con nhà người ta”.
Điều làm C. buồn hơn, “con nhà người ta” mà bố mẹ C. nhắc đến lại chính là bạn thân của em. Không chỉ trong học tập, ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ em cũng thường xuyên đem 2 bạn lên bàn cân.
Đã có lúc, sau giờ tan học, L.C. (bên phải) không muốn về nhà, em chỉ muốn ở lại trên lớp hoặc học xong cấp 3 thật nhanh để được đi học xa nhà. Ảnh: NVCC. |
L.C. không ghen tị hay ghét bạn, chỉ là những lúc ấy, em cảm thấy rất tổn thương. Đã có lúc, sau giờ tan học C. không muốn về nhà. Nữ sinh muốn ở lại trên lớp hoặc học xong THPT thật nhanh để được đi học xa nhà.
“Em tự hỏi có khi nào bố mẹ nghĩ tới cảm giác của em. Nhiều lúc, em ấm ức và tức tối nhưng không thể làm gì ngoài việc khóc. Thứ khiến em nản lòng nhất là dù em đã cố gắng để mình trở nên giỏi giang hơn, mong bố mẹ vui hơn, những cố gắng của em dường như không được bố mẹ công nhận”, C. tâm sự về ấm ức của mình.
Bảo Phương (8 tuổi, Quảng Ninh) cũng ở trong tình cảnh giống như L.C. Bất kể bạn nào trong lớp có học lực, điểm số cao hơn đều được bố mẹ Phương đem ra để thúc ép em học hành. Phương luôn cảm thấy áp lực trong chính nhà mình. Mặc dù mới 8 tuổi, em đã tự nhận thức được điều này, cô bé luôn cảm thấy buồn, thất vọng và tủi thân bởi sự so sánh đó.
Khác với L.C. hay Phương, Hoàng Anh (16 tuổi, Hà Nội) đến giờ đã không còn buồn, không còn chạnh lòng mỗi khi được bố mẹ so sánh với “con nhà người ta” bởi em đã quá quen và chai lỳ với điều này. Mỗi lần như thế, theo thói quen, em thường đeo tai nghe, mở âm lượng lớn hết cỡ để không phải nghe thấy gì.
Phụ huynh nghĩ so sánh làm con tốt lên
Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc mùa khoe điểm, mùa khoe thành tích của phụ huynh bắt đầu. Mạng xã hội không thiếu những hình ảnh phụ huynh đưa bảng điểm của con lên công khai.
Cô Lại Thu Hương, giáo viên tại một trường THPT tại Quảng Ninh, cho biết có những buổi họp phụ huynh, cha mẹ "tiện" khoe luôn điểm của con với người bên cạnh. Khi được hỏi, nhiều người cho rằng đây là điều rất bình thường, con học giỏi, ai chẳng muốn khoe để tự hào.
Bố mẹ của những bạn thành tích cao có thể rất vui mừng nhưng việc khoe điểm khiến phụ huynh có con điểm kém sẽ cảm thấy buồn phiền, giận dữ, trách mắng và so sánh con cái, gây áp lực lên các con.
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận khi nhìn bảng điểm của bạn học cùng lớp con, chị không tránh khỏi so sánh con mình với "con nhà người ta".
Chị cho rằng việc so sánh này chỉ nhằm mục đích kích thích, thúc đẩy ý chí, tinh thần cạnh tranh để con cố gắng và tốt lên. Chị Hà chỉ là một trong vô số những phụ huynh mang “con nhà người ta” ra để thúc đẩy con mình.
Không chỉ ở “mùa khoe điểm”, anh T.L. (Hà Nội) thường xuyên có thói quen so sánh con mình với con nhà người khác. Trong các hành động của con anh đều có câu nói “con nhìn con nhà người ta mà học tập”, "sao điểm của con lại thấp hơn các bạn", “con xem con đã chăm chỉ như con nhà người ta chưa” hoặc “con nhà người ta vừa ngoan vừa giỏi, con nhà mình thì…”.
Lợi bất cập hại
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Kim Ngân - chuyên viên tâm lý trường học, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - tin rằng hầu hết cha mẹ quan tâm, yêu con cái vô điều kiện. Những việc làm, lời nói mà cha mẹ nói ra với trẻ đều là mong con cái của họ có được một tương lai không thua kém bạn bè, không thiệt thòi, luôn nhận điều tốt đẹp, xứng đáng nhất.
Tuy nhiên, một số lời nói sẽ gây tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Nếu sống trong môi trường luôn có sự so sánh từ cha mẹ, trẻ chắc chắn bị ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về tính cách, tâm lý. Điều đầu tiên, dễ thấy nhất ở các em là tâm lý mặc cảm, tự ti.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngân - chuyên viên tâm lý trường học, trường THPT Chu Văn An - cho biết việc cha mẹ so sánh con cái quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của trẻ. Ảnh: NVCC. |
Khi các em luôn nghe những lời phán xét và so sánh đó, các em sẽ luôn cảm thấy mình thấp kém, bản thân bất tài vô dụng, không làm việc gì ra hồn. Những suy nghĩ đấy ăn sâu vào tiềm thức của trẻ khiến các em không còn tự tin.
Về mặt sức khỏe tinh thần, cô Kim Ngân thông tin những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị tổn thương về tâm lý ngày càng gia tăng. Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra trong thời gian ngắn, kéo theo hệ lụy phía sau. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc cha mẹ chưa hiểu, quan tâm đến tâm lý con trẻ, việc so sánh con cái nằm trong số đó.
“Trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố, và điều quan trọng đó chính là môi trường gia đình và sự giáo dục từ chính gia đình đó”, cô Ngân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, cô Thu Hương nhận định suy nghĩ so sánh con mình với "con nhà người ta" để cho con có động lực cố gắng chỉ đúng một phần bởi có những đứa trẻ lấy “con nhà người ta” để làm mục tiêu phấn đấu như kỳ vọng của cha mẹ.
Nhưng phần lớn trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, bản thân kém cỏi và áp lực. Dần dần, các con sống thu mình, chai lỳ, dễ trầm cảm, thậm chí nhiều em có tâm lý buông xuôi.
Tỷ lệ trẻ bị tổn thương về tâm lý ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Rxeconsult. |
Lắng nghe thay vì so sánh
Mặc dù luôn sống trong trạng thái bị so sánh, L.C. vẫn luôn tự mình cố gắng. Em muốn học giỏi, muốn đỗ đại học để bố mẹ vui, tin tưởng em hơn bởi em biết bố mẹ chỉ đang lo cho em.
Nhưng em vẫn mong bố mẹ có thể lắng nghe mình hơn, ghi nhận những nỗ lực của em bởi mỗi lần em muốn tâm sự, bố mẹ em thường khó chịu, gạt đi và coi đó là chuyện trẻ con.
Cũng giống như L.C, khi được hỏi về mong muốn của con ở cha mẹ như thế nào, bé Bảo Phương rụt rè: “Con chỉ ước bố mẹ không còn so sánh con với các bạn trong lớp nữa. Con đã cố gắng học để có kết quả đó. Con sinh ra, lớn lên và học tập theo khả năng của mình, không thể giống các bạn khác được”.
Vấn để này, cô Kim Ngân nhận định không phải tất cả điều gì mà phụ huynh mang đến, dành cho trẻ đều là phù hợp và tốt nhất. Họ cũng cần lắng nghe, thấu hiểu con.
Cùng quan điểm, cô Thu Hương nghĩ người lớn nên để con phát triển tự nhiên. Thay vì so sánh con, cha mẹ nên chỉ cho con cách phấn đấu, cố gắng trong học tập như thế nào. Nếu kết quả của con chưa tốt, phụ huynh cùng con ngồi lại, tìm ra nguyên nhân để giải quyết.
“Tôi nghĩ cha mẹ cần ghi nhận cố gắng, kết quả con đã đạt được, đừng biến con thành bản sao của người khác mà hướng con tốt hơn con của ngày hôm qua”, cô Thu Hương chia sẻ.