Trần Xuân Duy, học sinh một trường tư thục ở Hà Nội, có rất ít thời gian chuẩn bị cho hành trình du học Mỹ. Mãi đến tận cuối năm lớp 11, sau khi nói chuyện với người bạn của bố đến từ Anh, Duy mới quyết định sẽ sang Mỹ học đại học.
Tháng 5/2021, nam sinh lên kế hoạch chuẩn bị và chỉ có 5 tháng để lo liệu hồ sơ. "Du học Mỹ đối với học sinh Việt rất cạnh tranh. Vì thế, thời gian chuẩn bị như vậy là quá ngắn", Xuân Duy chia sẻ với Zing.
Xuân Duy tham gia hoạt động từ thiện của trường. |
Hồ sơ không có điểm SAT
Chỉ 2 tháng sau khi xác định làm hồ sơ du học, Trần Xuân Duy thi lấy chứng chỉ IELTS, đạt 7.5 với các điểm thành phần Reading 8.0, Listening 8.0, Writing 7.0 và Speaking 7.0.
Dù gấp gáp chuẩn bị, Duy vẫn trúng tuyển vào 3 đại học, trong đó, ĐH Fordham cấp học bổng 43.600 USD/năm, ĐH Texas Christian cấp 38.000 USD/năm, ĐH Drexel cấp 29.000 USD/năm.
Khác với Xuân Duy, Lê Đức Thịnh (học sinh cùng trường với Duy) có thời gian chuẩn bị dài. Từ năm lớp 10, nam sinh đã xác định sẽ du học. Vì thế, cậu lên lộ trình cụ thể để thực hiện.
Đức Thịnh có chứng chỉ IELTS 7.5 với điểm thành phần Reading 9.0, Listening 8.5, Writing 6.5 và Speaking 6.0.
Bộ hồ sơ được chuẩn bị cẩn thận trong thời gian dài giúp Thịnh trúng tuyển 5 đại học - ĐH Fordham (học bổng 53.600 USD/năm), Massachusetts Amherst (12.000 USD/năm), Drexel (29.000 USD/năm), Purdue và Michigan State.
Điều đáng nói, cả Xuân Duy và Đức Thịnh đều trúng tuyển nhiều trường dù hồ sơ của Xuân Duy không có điểm SAT - bài thi chuẩn hóa thường được đại học Mỹ sử dụng để xét tuyển - còn Đức Thịnh nộp bổ sung sau.
Hai nam sinh cho rằng việc các trường nới lỏng quy định, không yêu cầu ứng viên có điểm SAT trong khoảng 3 năm gần đây tạo thuận lợi cho học sinh Việt Nam khi làm hồ sơ săn học bổng.
Để trúng tuyển, theo Trần Xuân Duy, Lê Đức Thịnh, điểm trung bình môn (GPA) cần đạt từ 9 trở lên. Bên cạnh đó, để hồ sơ ấn tượng, học sinh cần bổ sung các giấy tờ chứng minh bản thân tham gia hoạt động ngoại khóa, thể hiện kỹ năng lãnh đạo, hoạt động thiện nguyện, thành tích học tập, văn nghệ, thể thao.
Ngoài ra, họ nên nhờ giáo viên chủ nhiệm, bộ môn viết thư giới thiệu để đính kèm hồ sơ.
Xuân Duy đưa việc giảm từ 93 kg xuống 72 kg vào bài luận. |
Ghi điểm nhờ bài luận ấn tượng
Chia sẻ về hành trình ứng tuyển vào đại học Mỹ, Xuân Duy, Đức Thịnh cho hay một trong những điều quan trọng nhất để nhận học bổng là bài luận hay.
Để viết bài luận “lọt vào mắt xanh” trường ĐH Mỹ, học sinh cần có trải nghiệm thực, câu chuyện hay biến cố của bản thân. Cách hành văn trong bài luận không nên kể lể mà dẫn chứng, có cảm xúc cá nhân. Bài luận phải truyền được cảm hứng cho người khác.
Bài luận của Duy nói về tình trạng “body shaming” (chê bai ngoại hình) mà bản thân trải qua. Trước đây, Duy nặng 93 kg và từng đối mặt với việc bị mọi người xung quanh chế nhạo. Nam sinh đưa vào bài luận hành trình thay đổi, giảm xuống còn 72 kg.
“Bài luận trả lời lý do em muốn giảm cân và bày tỏ ý kiến liên quan 2 khía cạnh về những người đang trên hành trình giảm cân, một số người giảm cân thành công, quay ra chê bai, dè bỉu người thừa cân”, Duy nói.
Đức Thịnh cho rằng không nên viết luận về các đề tài phổ biến như thể thao hay vượt lên chính mình. |
Trong khi đó, Đức Thịnh hướng tới là góc nhìn của người đứng giữa trong cuộc tranh cãi của 2 người bạn. Nam sinh đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn để không làm tổn thương, ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè.
“Chủ đề không nên chọn là lĩnh vực thể thao hay câu chuyện vượt lên chính mình như gặp thất bại rồi vươn lên để thành công. Nó quá phổ biến, ai cũng từng gặp nên khó gây ấn tượng để nhận học bổng từ trường Mỹ”, Đức Thịnh chia sẻ.
Ngoài ra, giới hạn cho bài luận là 600 từ. Vì thế, 2 nam sinh mất rất nhiều thời gian để cân nhắc, chọn lọc từ ngữ nhằm thể hiện sự đặc biệt của bản thân cho người khác biết. Duy mất khoảng 3,5 tháng mới hoàn thành bài luận ưng ý. Còn Thịnh dành 8 tháng để vừa chọn chủ đề vừa viết.
Xuân Duy thừa nhận đây là giai đoạn căng thẳng. Cậu viết đi viết lại nhiều lần, viết nhiều bản thảo đến mức người hướng dẫn không kịp sửa. Nhưng cậu tin chính sự đầu tư đó đã giúp mình tạo dấu ấn với ban tuyển sinh.
Xuân Duy chia sẻ thêm để viết bài luận hay, cậu thường đọc sách tiếng Anh. Trong khi đó, Thịnh xem nhiều phim nước ngoài để làm quen với văn phong của người Mỹ.
Đức Thịnh và Xuân Duy sẽ sang Mỹ du học vào tháng tám tới. |
Cùng chọn ĐH Fordham
Tháng tám tới, Trần Xuân Duy và Lê Đức Thịnh sẽ sang Mỹ du học. Hai người tiếp tục học chung trường trên hành trình mới khi cùng chọn ĐH Fordham làm điểm đến.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, Duy, Thịnh cho biết thay vì quan tâm đến xếp hạng của trường, họ để ý nhiều hơn đến ngành học. Ví dụ, ĐH Fordham chỉ đứng thứ 60 trong danh sách những trường tốt nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, ngành Tài chính của trường lại xếp thứ 11.
Hai nam sinh Hà Nội nói thêm ngoài chất lượng đào tạo, họ còn bị thu hút bởi thiết kế cổ kính và sự đa dạng sinh viên tại Fordham.
“Đây là ngôi trường thuộc top đắt đỏ. Vài năm gần đây, trường có chính sách cấp học bổng cho sinh viên nên học sinh châu Á có nhiều cơ hội vào trường. Điều đó tạo điều kiện cho người học mở rộng tư duy, tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới”, Duy giải thích.
Ngoài ra, họ chọn Fordham sau khi cân nhắc địa điểm của trường. Cả 2 đều hướng ngoại nên chọn khu trung tâm New York để có môi trường học tập tốt hơn, nhiều cơ hội thực tập ở công ty lớn. Hơn nữa, 2 nam sinh đánh giá khu vực xung quanh trường an toàn đối với sinh viên quốc tế.