Hơn 20 ngày nữa, Duy Hoàng (24 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) trở về quê để nghỉ Tết Nguyên đán theo kế hoạch. Tuy nhiên, quá nửa người trong khu trọ mắc Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh khiến nam sinh cảm thấy lo lắng.
"Đôi lúc, tôi nghĩ rằng bản thân sẽ chấp nhận bị nhiễm, ngay bây giờ cũng được để Tết về nhà thoải mái hơn", Hoàng chia sẻ với Zing.
Chờ đến lượt mình mắc Covid-19
Rất nhiều bạn bè của Hoàng ở quê nhà và tại TP.HCM đã mắc Covid-19. Một vài người vô tình lây nhiễm từ bạn bè chung khu nhà trọ và đồng nghiệp. Đa số còn lại đều không rõ nguồn lây nhiễm và không biết tiếp xúc F0 từ khi nào.
"Nhiều người bạn của tôi chỉ phát hiện dương tính khi bỗng cảm thấy cơ thể mệt mỏi, bị sốt nhẹ. TP.HCM hiện tại có nhiều người bị nhiễm bệnh, kể cả khu nhà trọ của tôi cũng rất nhiều nhưng không căng dây, treo bảng nữa. Sống trong cùng môi trường này, tôi đoán trước sau gì mình cũng bị", Hoàng chia sẻ.
Nam sinh thẳng thắn chia sẻ qua tìm hiểu nhiều thông tin, bản thân không còn sợ mắc Covid-19, nhất là sau khi vừa tiêm xong mũi vaccine thứ 3.
Tin nhắn giữa Hoàng và những người bạn. Ảnh: NVCC. |
"Nếu gần Tết mà trở thành F0, kế hoạch về quê coi như phá sản. Ai rồi cũng thành F0, tôi chỉ mong nếu có bị bệnh thì nhiễm trước hoặc qua Tết để về quê thoải mái, không bị cách ly. Còn như hiện tại, cứ phập phồng lo sợ, không biết khi nào thì đến lượt mình", nam sinh chia sẻ.
Mai Nguyễn (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) vừa có xét nghiệm âm tính sau 5 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà. Mai cũng là một trong rất nhiều người ở TP.HCM mắc bệnh nhưng không rõ nguồn lây.
"Từ trước khi từ quê đến lúc trở lại TP.HCM, tôi đã tự test nhanh đến 4 lần và đều một vạch. Tuy nhiên, một ngày sau khi về lại thành phố, tôi thấy cơ thể mệt mỏi kinh khủng, không còn sức lực nhưng lúc đó chỉ nghĩ rằng mình bị cảm do thay đổi thời tiết đột ngột. Tôi mắc Covid-19 một cách không thể bất ngờ hơn", Mai Nguyễn chia sẻ.
Tuy nhiên, Mai Nguyễn thừa nhận sau thời gian 5K mọi lúc mọi nơi, dần dần cô bắt đầu lơ là hơn, thường xuyên có những cuộc hẹn bạn bè ở quán xá, không còn mang theo cồn rửa tay bên mình, khẩu trang dùng đi dùng lại nhiều lần và ra đường đi chơi nhiều hơn.
"Trước đó, tôi cũng từng nghĩ rằng từ từ cũng đến lượt mình mắc Covid-19. Không ngờ ngày này cũng đến", cô chia sẻ.
Nên xác định tâm lý ai cũng có thể đang là F0
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng tâm lý chờ đến lượt mình mắc Covid-19 là điều không nên.
Theo PGS Hùng, chúng ta cần phải xác định tâm lý ai cũng có thể bị nhiễm, kể cả khi đã tiêm vaccine. Bởi khi "bình thường mới", bắt đầu công việc, ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc nhiều người, dù mang khẩu trang nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt đối được. Do đó, ai cũng có nguy cơ lây nhiễm.
"Chúng ta có thể xác định tâm lý rằng ai cũng có thể đang là F0, từ đó, bản thân sẽ điều chỉnh mức độ tiếp xúc, cẩn trọng hơn trong giao tiếp, hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết", PGS Hùng chia sẻ.
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên trước tâm lý chờ đến lượt mắc Covid-19 hay ai rồi cũng thành F0.
Người TP.HCM tập trung đông đúc ở trung tâm thành phố trong đêm cuối năm 2021. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chuyên gia này phân tích 2 lý do khiến chúng ta không bị mắc Covid-19, đó là hiệu quả của vaccine và tuân thủ tốt 5K. Việc lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc gần hay xa, thời gian tiếp xúc lâu hay thoáng qua, không gian tiếp xúc thoáng hay phòng kín, người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không,
"Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm hoặc từ từ cũng đến lượt mình. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vaccine và 5K tốt, như vậy thì cứ tiếp tục phát huy để bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý chán nản hay chờ đến lượt mình mắc bệnh", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết bà không ủng hộ tư tưởng "ai rồi cũng thành F0".
"Với người trẻ, khỏe, Covid-19 có thể trải qua nhẹ nhàng nhưng nếu bản thân lây bệnh cho người khác, không may người đó lại có cơ địa đặc biệt, chịu cơn bão cytokine thì họ sẽ chuyển biến nặng hơn. Do đó, với Covid-19, tốt nhất bạn không nên trở thành nguồn lây cho người khác", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.