Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), cho biết mỗi ngày, khoa thường tiếp nhận 4-5 bệnh nhân có chỉ định nhổ răng khôn.
Đây được gọi là răng số 8, thường mọc ở vị trí trong cùng của hàm và thường mọc ngầm, lệch kẹp ngang, sát ống dây thần kinh thậm chí đâm, xô đẩy các răng xung quanh.
Răng khôn mọc lệch có thể ảnh hưởng nhiều răng khác. Ảnh: Medicaldental. |
Răng khôn tiềm ẩn nguy cơ gì?
Một số dấu hiệu nhận biết thời điểm mọc răng khôn gồm đau ở vị trí trong cùng của khoang miệng, răng nhú đầu ra khỏi lợi, phần lợi bị sưng nề đỏ nhạy cảm, dễ chảy máu. Bệnh nhân có thể đau, hôi miệng hay khó mở miệng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện gì.
Khi phát hiện răng khôn mọc lệch nếu chúng ta chủ quan không xử lý kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những biến chứng có thể gặp phải đó là sâu răng, viêm tủy.
Bên cạnh đó, răng khôn ở trong cùng khiến cho việc vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Các mảng bám sau khi ăn sẽ còn sót lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra sâu răng, sưng lợi, nhiễm trùng.
"Chúng còn có thể gây tổn thương cho răng bên cạnh, gây ảnh hưởng đến cung hàm và xuất hiện tình trạng đau nhức. Nghiêm trọng hơn, răng khôn mọc ngầm còn gây ra những khối nang xương hàm. Nếu không điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ lan ra các khu vực mang tai, má, mắt, cổ gây ảnh hưởng trên diện rộng", bác sĩ Nghĩa cho hay.
Nếu răng khôn chưa mọc lên hoàn toàn, các bác sĩ sẽ móc tách lợi để đưa ra ngoài. Một số trường hợp răng mọc ngầm có thể mở xương.
"Kỹ thuật nhổ răng khôn gần như không có gì khác biệt với việc nhổ các răng vĩnh viễn khác, bác sĩ dùng các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng tách răng ra khỏi lợi, sau đó dùng kìm và bẩy đưa ra ngoài. Kỹ thuật nhổ răng diễn ra trong 15-20 phút hoặc có thể lâu hơn tùy vào độ khó của ca bệnh", bác sĩ Nghĩa nói.
Nhổ 4 chiếc răng khôn cùng lúc có nên không?
Về việc có nên nhổ 4 chiếc răng khôn cùng lúc hay không, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng người bệnh nên đến trực tiếp nha khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn kỹ lưỡng.
Khi nhổ răng khôn, việc bệnh nhân bị đau nhức hay sưng tấy là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, người bệnh nhổ 4 răng khôn cùng lúc cần chuẩn bị tâm lý tốt và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh: "Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ cho đến khi mô lành và ổn định. Nếu tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ khi chăm sóc vết thương và ăn uống hợp lý, việc nhổ răng khôn sẽ không có ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh".
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhổ răng khôn cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Lưu ý sau khi nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng, người bệnh sẽ xuất hiện nước bọt lẫn máu màu hồng nhạt trong 1-2 ngày đầu. Vì vậy, bệnh nhân cần cắn chặt gạc trong huyệt ổ răng và giữ từ 20-30 phút đến 3-4 giờ đợi máu ngừng chảy.
Nếu máu đỏ tươi vẫn tiếp tục chảy, hãy liên hệ bác sĩ để có biện pháp giải quyết. Lưu ý, không mút chíp, khạc nhổ, động chạm hay thăm dò vào huyệt ổ răng tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể chườm lạnh mỗi lần 10 phút (cho đá vào túi và đặt ngoài má). Tuy nhiên, chườm lâu hơn có thể gây ảnh hưởng đến mô. Việc chườm lạnh không chỉ giúp co mạch cầm máu mà nó còn giúp giảm sưng sau nhổ răng.
Bệnh nhân chỉ chườm đá ngày đầu, đến ngày thứ 2 nên chườm nóng lên vùng sưng ít nhất 4 lần 1 ngày giúp tăng tuần hoàn đến, kích thích loại bỏ những sản phẩm của quá trình viêm.
Người bệnh cần nghỉ ngơi trong 24-48 giờ đầu, không hút thuốc lá. Họ cần ăn các loại thực phẩm mềm, không uống rượu, bia, cà phê, sử dụng các chất kích thích, nước có ga.
Đặc biệt, bệnh nhân cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp sưng sau 48 giờ kèm đau nhiều và sốt kéo dài sau ngày thứ 2, sốt cao có thể biểu hiện của nhiễm trùng và cần gặp bác sĩ ngay.