Những người có thói quen tập thể dục đều đặn thường phân vân có nên dừng tập khi bị cảm lạnh không. Ảnh: Healthshot. |
Nếu bạn có thói quen chạy bộ hoặc tập thể dục đều đặn, không có gì khó chịu hơn là bị cảm lạnh hoặc cúm. Lúc này, bạn sẽ tự hỏi việc tiếp tục tập thể dục bình thường liệu có thể giúp hệ thống miễn dịch thoát khỏi bệnh tật hay sẽ gây áp lực lên cơ thể và khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn?
Theo Abc News, Giáo sư David Pyne, nhà khoa học và nghiên cứu thể thao tại Viện Nghiên cứu Thể thao và Thể dục tại Đại học Canberra (Australia), cho biết đó là vấn đề mà ngay cả các vận động viên ưu tú cũng phải đối mặt.
Tập thể dục giúp tăng cường khả năng miễn dịch của mọi người, nhưng cố gắng quá sức có thể tạm thời gây tác dụng ngược. Theo Giáo sư Pyne, nếu các triệu chứng cảm lạnh từ cổ trở lên và không quá nghiêm trọng, việc tập thể dục vừa phải sẽ không gây hại cho bạn và thậm chí có thể có lợi.
"Bạn có thể bị đau họng hoặc sổ mũi hay hơi nhức đầu. Nếu các triệu chứng khá nhẹ, bạn có thể ra ngoài và thực hiện một số bài tập cường độ thấp đến trung bình nếu cảm thấy phù hợp", chuyên gia này cho biết.
Thời điểm dừng tập
Nếu cảm thấy không khỏe và các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở vùng phía dưới cổ, bạn không nên tập luyện. Các triệu chứng bao gồm tình trạng tắc nghẽn ngực, đau nhức cơ bắp hoặc khớp, sốt... "Chúng tôi gọi là các triệu chứng toàn thân, chúng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Và lời khuyên thông minh là không nên tập thể dục", ông Pyne khuyến cáo.
Tập thể dục với các triệu chứng cảm lạnh nghiêm trọng, đặc biệt là sốt, mệt mỏi, đau cơ lan rộng, có thể khiến bệnh kéo dài và nguy hiểm. Điều này có thể khiến bạn ngất xỉu và trong một số trường hợp hiếm hoi, thậm chí gây tổn thương tim.
Tập thể dục sai cách có thể khiến triệu chứng cảm lạnh của bạn tồi tệ hơn. Ảnh: Abcnews. |
Theo Webmd, hoạt động thể chất làm tăng nhịp tim, nhưng một số loại thuốc cảm lạnh cũng vậy. Vì vậy, sự kết hợp giữa tập thể dục và thuốc thông mũi có thể khiến tim bạn đập rất mạnh. Điều này có thể gây hụt hơi và khó thở.
Nếu bạn bị hen suyễn và cảm lạnh, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi tập thể dục. Nó có thể khiến bạn bị ho, thở khò khè nhiều hơn và khó thở.
Ngoài ra, hãy cẩn thận về việc tập thể dục quá sức khi bạn bị cảm lạnh. Nó có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và làm chậm quá trình phục hồi. Việc tập quá sức có thể làm ức chế khả năng miễn dịch, bạn có nhiều khả năng bị cảm lạnh hoặc các loại vi trùng khác.
Giáo sư Pyne cho biết: "Một đợt tập thể dục cường độ cao và/hoặc kéo dài có thể dẫn đến suy giảm tạm thời hệ thống miễn dịch. Về cơ bản, trong vài giờ và vài ngày sau đó, bạn cần lưu tâm đến điều đó".
Bên cạnh đó, nếu bạn đang tập luyện để đạt mục tiêu nhất định, chẳng hạn chuẩn bị cho một cuộc chạy đua, chất lượng tập luyện cũng quan trọng như số lượng. Trong khi đó, tập luyện khi bạn bị ốm sẽ không phải là tập luyện chất lượng.
Theo Mayo Clinic, điều quan trọng là bạn không nên tập thể dục cùng với người khác nếu mắc Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Thời điểm tập lại
Hầu hết bệnh cảm lạnh thông thường đều tự giới hạn, với các triệu chứng hết sau vài ngày hoặc một tuần. Khi đã vượt qua giai đoạn đó, mọi cơn đau, nhức, ho hoặc sốt đã khỏi, bạn có thể bắt đầu tập thể dục trở lại nhưng phải thực hiện từ từ.
Giáo sư Pyne cho biết ông thường khuyên các vận động viên nên quay trở lại với bài tập nhẹ vào ngày đầu tiên, sau đó dần dần tập luyện như bình thường. "Nếu họ chỉ bị ốm nhẹ, thông thường chỉ mất 1-2 ngày để trở lại với thói quen bình thường của họ. Nhưng nếu bị ốm khoảng một tuần, họ nên đợi 2-3 ngày sau khi khỏi để bắt đầu tập lại", ông Pyne nói.
Điều quan trọng là phải theo dõi cảm giác của bạn và đừng cố gắng quá sức để bù đắp thời gian đã mất. Nếu cảm thấy mình là người dễ bị ốm, bạn nên thận trọng hơn một chút.
Nghiên cứu của Viện Thể thao Australia chỉ ra khoảng 1/7 (15%) người năng động dễ bị nhiễm trùng hơn những người khác. Tương tự, khoảng 10% người dường như không bao giờ hoặc rất hiếm khi bị bệnh. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác điều gì khiến họ may mắn như vậy. Nhưng có khả năng là các gene ảnh hưởng sinh lý cá nhân và yếu tố lối sống như chế độ ăn uống, giấc ngủ và căng thẳng có liên quan.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.