Mất ngủ là tình trạng nhiều người gặp. Cách chữa tốt nhất là tìm ra lý do gây nên tình trạng này.
Nguyên nhân gây mất ngủ
Một số người mất ngủ vì các bệnh như ngưng thở khi ngủ, mộng du, gặp vấn đề về tim, phổi... Cách hiệu quả để chữa mất ngủ là điều trị tận gốc các bệnh này.
Tác dụng phụ của thuốc là lý do gây mất ngủ ít được chú ý đến. Các thuốc có thể gây mất ngủ bao gồm steroid, thuốc tuyến giáp, lợi tiểu và tăng huyết áp. Các loại đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu và trà cũng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
Khi không thể tìm ra lý do gây mất ngủ và đã thử nhiều cách, bạn sẽ cần đến thuốc ngủ. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi dùng loại thuốc này. Chúng có tác dụng phụ rất nguy hiểm, thậm chí gây chết người.
Cách chữa mất ngủ tốt nhất là tìm ra lý do gây nên tình trạng này. Ảnh: Lifehack. |
Thuốc ngủ rất nguy hiểm nếu không dùng đúng cách
Giấc ngủ của chúng ta được chia làm nhiều chu kỳ với những điện não đồ riêng biệt. Trong đó, ngủ nông là chu kỳ I, II. Ở chu kỳ III, IV, bạn ngủ chậm và sâu. Chu kỳ cuối là ngủ rất sâu (ngủ chuyển động mắt nhanh - REM). Mỗi đêm, chúng ta lặp lại 4-5 chu kỳ như trên.
Các loại thuốc ngủ sẽ làm bạn dễ vào giấc ngủ nông hay giữ trong chu kỳ III và IV. Trước khi uống thuốc, bạn cần có đủ thời gian để ngủ. Chúng ta nên chuẩn bị ít nhất 7-8 giờ để ngủ sau khi uống thuốc. Một số người chỉ có khoảng 3-4 giờ để ngủ nhưng lại uống thuốc. Việc này khiến họ phải thức dậy trong lúc ngủ, khiến tình trạng bệnh càng tệ hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên có kế hoạch giảm thuốc sau khi đã ngủ được. Sau đó, chúng ta từ từ chuyển qua trạng thái không cần thuốc ngủ. Người đang mang bầu hoặc cho con bú cần cẩn trọng khi dùng loại thuốc này vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Người cao tuổi cũng là đối tượng nên lưu ý khi dùng thuốc ngủ. Với người ở độ tuổi này, độ lọc của thận giảm, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn, có thể tăng rủi to té ngã.
Mỗi loại thuốc ngủ sẽ có những tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ thường gặp nhất là chóng mặt, nhức đầu sau khi tỉnh dậy. Vì vậy, bạn nên cẩn thận khi dùng, đặc biệt ở người cao tuổi. Người lái xe thường xuyên không nên dùng thuốc ngủ vì gây hoa mắt, nhức đầu, dễ xảy ra tai nạn.
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của thuốc ngủ là phụ thuộc vào chúng. Sử dụng lâu dài, bệnh nhân cần phải uống liều cao hơn. Nhiều trường hợp bị bệnh đau nhức, dùng thuốc giảm đau á phiện, kết hợp thêm thuốc ngủ sẽ dẫn đến "nghiện" kinh niên.
Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tử vong liên quan uống thuốc ngủ quá liều. Ảnh: Medium. |
Ngoài ra, thuốc này còn có tác dụng phụ khác như khô miệng, buồn nôn, nôn, tăng cân, nhịp tim không đều, giảm trí nhớ và khả năng làm việc.
Một nghiên cứu từ Đại học California, San Diego, Mỹ, cho thấy mỗi năm có hàng trăm nghìn người tử vong liên quan uống thuốc ngủ quá liều (cố tình và vô tình). Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra uống thuốc ngủ tăng tỷ lệ tử vong lên 3,5 lần so với không sử dụng chúng.
Vì vậy, người dân cần thận trọng khi dùng thuốc ngủ. Bạn không được cho người khác dùng thuốc ngủ của mình. Hãy cất chúng trong hộp riêng, không để trẻ nhỏ lấy được.
Sử dụng thuốc ngủ chỉ là giải pháp tạm thời. Bạn nên có kế hoạch giảm và ngừng hẳn thuốc sau khi tình trạng này được chữa khỏi.