Ngày 24/3, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Đề cập đến Luật Căn cước công dân (sửa đổi), một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được lấy ý kiến đóng góp, thiếu tá Trần Duy Hiển (Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia thuộc Cục C06) đã nêu nhiều lý do của việc đề xuất thay đổi những thông tin trên CCCD.
Theo dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất sửa đổi một số thông tin ở mặt trước thẻ căn cước, gồm: Đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh"; đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú".
Tại mặt sau của CCCD, cơ quan chức năng kiến nghị đổi thông tin về chữ ký và danh tính của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thành dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”. Còn dữ liệu sinh trắc học vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải) cũng cần lược bỏ.
Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia. Ảnh: N.H. |
Theo ông Hiển, việc thay đổi những thông tin nêu trên là để phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân trên thẻ gắn chip.
Ông Hiển dẫn chứng giấy tờ tùy thân mẫu cũ ghi nguyên quán của công dân và xác định theo quê quán của ông bà. Sau đó, dữ liệu này đổi thành quê quán (xác định theo thông tin của cha mẹ). Quá trình nghiên cứu sửa đổi, Bộ Công an nhận thấy nhiều quốc gia yêu cầu phải có thông tin về nơi đăng ký khai sinh trên giấy tờ. Trong khi đó, CCCD phải đạt chuẩn ICAO và sẽ sử dụng thông hành tại nhiều quốc gia, nên việc sửa đổi như trên là phù hợp.
Về việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú, Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia giải thích nơi cư trú gồm cả nơi tạm trú và thường trú, nên có phạm vi rộng hơn thường trú. Bên cạnh đó, các luật Hộ tịch và Cư trú đều có một số quy định về nhóm công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Do đó, Bộ Công an đề xuất theo hướng để cho người không đủ điều kiện đăng ký thường trú vẫn được cấp CCCD.
Mẫu thẻ gắn chip đang lưu hành. Ảnh: N.H. |
Đáng chú ý, theo thiếu tá Trần Duy Hiển, đề xuất lược bỏ mẫu vân tay trên CCCD gắn chip là nhằm bảo đảm thông tin cá nhân không bị lộ lọt. Ông Hiển lý giải chip trên CCCD mẫu mới đã lưu trữ các thông tin này, người dân hoặc cơ quan chức năng có thể khai thác thông qua các thiết bị chuyên dụng. Trong khi đó, các mẫu chứng minh nhân dân và CCCD cũ đều hiển thị trực quan thông tin sinh trắc học của người dân trên mặt thẻ, nên dễ bị lộ lọt.
Cũng theo đại diện Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Bộ Công an đã cấp khoảng 80 triệu CCCD gắn chip trên toàn quốc. Con số này dự kiến tăng thêm 8 triệu thẻ trong năm 2023. Nếu đề xuất về mẫu thẻ gắn chip mới được thông qua, người dân sẽ có thêm một mẫu CCCD để sử dụng.
Còn những ai đã được cấp thời gian qua vẫn được lưu hành, sử dụng cho đến thời hạn ghi trên thẻ. Điều 19 Luật căn cước công dân 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD. Điều 21 luật này nêu thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…