Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Cơ phó Xuân Trường và hành trình ‘vượt bão’ hiện thực hóa ước mơ bay

Với cơ phó Xuân Trường, chặng đường theo đuổi công việc trong mơ không hề bằng phẳng. Nhưng sau tất cả, sự bền bỉ, kiên định và nỗ lực hết mình đã giúp anh chạm tay đến bầu trời.

Dù mới chạm mốc tuổi 30, cơ phó Xuân Trường đã có hơn 20 năm nuôi dưỡng ước mơ và tình yêu với nghề phi công. Chặng đường theo đuổi công việc trong mơ không hề bằng phẳng, nhưng sau tất cả, sự bền bỉ, kiên định và nỗ lực hết mình đã giúp anh chạm tay đến bầu trời.

Chiếc máy bay to thế làm sao người ta có thể khiến nó cất cánh với độ cao hàng nghìn mét? Ngồi trong buồng lái nhìn ra bầu trời bao la là cảm giác thế nào? Hàng trăm câu hỏi xung quanh chiếc máy bay cứ thế theo chàng trai Trần Xuân Trường lớn lên. Để rồi một ngày, khi đủ chín chắn, với mong muốn nối nghiệp ông ngoại, chàng trai trẻ đã quyết tâm đi học để trở thành phi công thuộc đoàn bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines.

Sinh năm 1994, gia đình có ông ngoại, mẹ, dì ruột đều làm trong ngành hàng không nên từ bé, chàng trai Trần Xuân Trường đã ước mơ trở thành phi công. Tuy nhiên khi Trường học xong cấp 3, chính sách đào tạo phi công thay đổi, Nhà nước không còn tài trợ hoàn toàn nên nếu đi học, anh phải bỏ ra một khoản tiền lớn đến vài tỷ đồng. Gia đình công chức không đủ điều kiện, chàng trai trẻ tạm gác giấc mơ từ thuở nhỏ để bước chân vào học ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học trong nước.

Tốt nghiệp đại học rồi đi làm thêm gần 2 năm, giấc mơ bay vẫn luôn hiện hữu trong đầu chàng trai trẻ. Đến khi tích cóp được chút vốn, chàng trai trẻ quyết tâm thưa chuyện cùng gia đình mong muốn được thi tuyển đi học nghề phi công. “Thời điểm đó, nghề phi công bắt đầu có dấu hiệu bão hoà, nhiều người khuyên từ bỏ nhưng tôi vẫn quyết học”, Trường nói.

Vượt khó đến với nghề, thế nhưng “trắc trở” vẫn bám đuổi chàng trai. Khi anh vừa bước chân đến trung tâm đào tạo phi công ở New Zealand thì Covid-19 bắt đầu bùng phát ở toàn cầu. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khóa học kéo dài hơn 2 năm thay vì thời gian đào tạo 1,5 năm, mọi chi phí theo đó cũng tăng lên.

Những ngày đầu tham gia khóa học, sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp, văn hoá là rào cản lớn đối với Trường. Dù đã trang bị vốn tiếng Anh từ trước, anh vẫn gặp khó khăn vì từ mới và những từ ngữ địa phương mà giảng viên sử dụng. Là người không muốn khuất phục trước khó khăn, mỗi ngày trước khi đi học, Trường đều chuẩn bị trước bài vở. Thời gian rảnh, anh lại nhờ bạn bè chỉ thêm kinh nghiệm học ngoại ngữ để sớm hòa nhập với môi trường học.

Theo Xuân Trường, nghề phi công không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ: “Luôn phải tuân thủ loạt quy tắc nghiêm ngặt, chỉ những người trong ngành mới hiểu rõ. Học lái máy bay cũng nhiều rủi ro hơn ngành khác. Trong quá trình huấn luyện, nếu không cẩn trọng, các tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, đây là ngành nghề nhiều thách thức, thường xuyên phải đối mặt thời tiết xấu như sấm sét, mưa bão… khi bay. Việc thay đổi giờ giấc và thời tiết liên tục cũng là những khó khăn mà học viên phi công gặp phải”.

Nói thêm về quá trình học ở xứ người, cơ phó Vietnam Airlines bộc bạch: “Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui nhất là những chuyến bay lấy giờ kinh nghiệm. Vừa lo, vừa sợ nhưng xen lẫn bồi hồi. Cảm giác được điều khiển ‘con chim sắt’ trên bầu trời rất tự do”.

Năm 2022, Trường quay lại TP. HCM để học khóa cuối cùng trong 4 tháng. Với anh, quãng thời gian này thực sự quan trọng, quyết định thành bại của cả một khóa học. Trong 4 tháng, Trường ứng dụng tất cả điều đã học - nhất là kiến thức đã tích lũy được khi học ở Trung tâm huấn luyện bay FTC - vào việc điều khiển một chuyến bay thật với các hành khách và thành viên phi hành đoàn khác. Với chàng trai trẻ, đây là khoảng thời gian khó khăn vì lượng kiến thức thực tế lớn và đầy áp lực. Song nhờ kinh nghiệm tích lũy qua 2 năm học, sự chỉ dẫn tận tâm của giảng viên - giờ đã trở thành đồng nghiệp của anh, chàng phi công 9X đã hoàn thành chuyến bay một cách suôn sẻ.

Tính đến nay, cơ phó Xuân Trường đã có hơn 500 giờ bay. Dù vậy, cảm giác bay lần đầu vẫn luôn để lại ấn tượng sâu đậm. Đó là ngày 9/7/2023, khi Trường chính thức được tham gia chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM đến Thanh Hoá trên tàu Airbus A321 với cương vị cơ phó. “Cảm xúc khi đó rất lạ lẫm, bồi hồi xen lẫn lo lắng. Tuy nhiên, với sự động viên của giáo viên hướng dẫn, tôi đã hoàn thành chuyến bay an toàn”, Xuân Trường tâm sự.

Vietnam Airlines anh 1

Áp lực của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Trong hành trình, trí óc phải luôn tỉnh táo để nhìn nhận, phán đoán và xử lý tình huống. Không như lái ôtô trong không gian 2 chiều, lái máy bay là trải nghiệm trong không gian 3 chiều, không thể dừng lại giữa bầu trời nên mọi hành động đều cần kiên quyết và chuẩn xác. Đơn cử, khi máy bay đi vào vùng có mây lớn, hay gặp nhiễu động, để tránh sự rung lắc mạnh, phi công phải biết quan sát phán đoán, đánh giá đám mây đó cách hàng trăm km để tính toán việc máy bay có thể xuyên qua hay không. Nếu không thể an toàn xuyên qua, phi công có thể gọi về trung tâm xin ý kiến chuyển hướng.

Một trong các kỷ niệm đáng nhớ của Xuân Trường trong quá trình làm nghề là ở thời điểm mới bay, anh được phân công làm nhiệm vụ trên chặng TP. HCM - Hàn Quốc đúng hôm thời tiết trở lạnh. Nhiệt độ tại Hàn Quốc giảm liên tục. Máy bay sau khi trả khách tại Hàn Quốc, chuẩn bị bay trở lại Việt Nam thi gặp sự cố một số bộ phận tàu bay bị tuyết phủ, ảnh hưởng việc cất cánh.

Thay vì mất bình tĩnh, Trường cùng đội phi công đã yêu cầu tiếp viên thông báo sơ bộ tình hình chuyến bay tới hành khách. Những tưởng chỉ ít phút là chuyến bay có thể khởi hành, song hơn 1 tiếng sau, sự cố mới được khắc phục, hành khách liên tục thắc mắc. Sau khi cất cánh, đoàn bay đã gửi lời xin lỗi chân thành và nhận được sự thông cảm từ hành khách.

Khó khăn không chỉ đến với chàng phi công trẻ trong công tác hàng ngày. Thực tế, Trường gặp không ít khó khăn sau khi hoàn thành khóa học bởi anh tốt nghiệp đúng thời điểm ngành hàng không bị khủng hoảng. Trong suy nghĩ của nhiều người, phi công là một nghề lương cao, được đi nhiều nơi, nhưng trong thời kỳ ngành gặp khủng hoảng, công việc này cần nỗ lực rất nhiều. Chứng kiến nhiều bạn bè cùng lứa thất nghiệp tạm thời, không thể thực hiện giấc mơ bay, Xuân Trường không khỏi bất ngờ.

“Tôi may mắn được vào đội bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, ký hợp đồng trước khi đi học nên đến nay không lo thiếu việc làm. Ngay cả thời điểm cắt giảm chuyến bay, anh em trong đoàn bay vẫn luôn san sẻ hỗ trợ nhau. Môi trường làm việc tại đây thân thiện, tương thân tương ái như người nhà”, Xuân Trường chia sẻ.

Mỗi lần gặp khó khăn, Trường lại nghĩ đến ông ngoại - cựu phi công với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại đoàn bay 919. Mang theo những câu chuyện ông kể từ thuở nhỏ về trải nghiệm lái máy bay, cuộc sống của phi công trên trời, về những khó khăn khi điều khiển máy bay chiến đấu… Trường luôn dặn lòng dù khó thế nào cũng phải vượt qua. “Ngày xưa khó thế, khổ thế mà các thế hệ trước vẫn kiên nhẫn vượt qua. Hà cớ gì giờ mình có điều kiện hơn mà không chăm chú học hỏi để vượt khó?”, Trường tự nhủ.

Tâm niệm vậy, cơ phó 9X từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn trong công việc để nuôi dưỡng ước mơ bay. “Tôi sẽ tiếp tục học hỏi để khi tích lũy đủ giờ bay và thi lên vị trí cơ trưởng - người chịu trách nhiệm cao nhất của mỗi chuyến bay”, chàng phi công chia sẻ.

Giang Tú

Đồ họa: Tấn Lợi

Bạn có thể quan tâm