Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ tích về một cô giáo tí hon

Kiều Thị Ánh Thuyết - “cô giáo tí hon” ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã viết lên câu chuyện cổ tích khi tổ chức một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo trên quê hương mình.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ ba gian, cũng là nơi dạy học hơn 10 năm nay của chị Kiều Thị Ánh Thuyết vào một trưa muộn. Chị Thuyết đón khách bằng giọng nói trầm ấm và nụ cười như thể chúng tôi là cố nhân lâu ngày gặp lại.

Rót bát nước chè xanh vừa om, cùng đĩa sắn đang bốc khói mời chúng tôi, chị nói: “Nhà quê không có gì ngoài ngô, khoai, sắn. Chị về đúng mùa thu hoạch mời chị ăn sắn đầu mùa”.

Bên chiếc bàn học nhỏ, chị Thuyết tranh thủ soạn giáo án để cuối tuần giảng cho các cháu.
Bên chiếc bàn học nhỏ, chị Thuyết tranh thủ soạn giáo án để cuối tuần giảng cho các cháu. 

Nữ thạc sĩ 9X trên bục giảng trường học nổi tiếng Hải Dương

Thạc sĩ Lưu Thu Liên được học trò hâm mộ vì xinh đẹp, năng động và nhiệt tình trong công việc. Cô giáo sinh năm 1991, ngoài dạy học, còn là Phó bí thư Đoàn trường.

“Cô giáo tí hon” Kiều Thị Ánh Thuyết sinh năm 1981. Chào đời, chị cũng bình thường, hoạt bát như bao đứa trẻ khác. Đến tuổi đi học, chị Thuyết cùng bạn bè trang lứa đến trường với biết bao niềm vui của tuổi học trò.

Tuy nhiên theo thời gian, trong khi chúng bạn cứ cao lớn, ra mã thanh niên, thiếu nữ thì chị Thuyết mãi vẫn dừng lại ở chiều cao 1,1 m, dù đã gần qua cái tuổi trăng tròn. Thấy sự phát triển không bình thường của con, bố mẹ chị hết sức lo lắng. Bà Oanh - mẹ ruột cùng bố đẻ là ông Nho bàn nhau đưa chị đi bệnh viện khám chữa bệnh. “Sinh nó ra cũng bình thường như 7 đứa trong nhà. Các anh chị nó có đứa hồi bé ốm vặt suốt, nhưng em nó không phải mất đồng tiền thuốc nào. Nhưng không ngờ, em nó lại mắc chứng bệnh lùn bẩm sinh lạ kỳ này” - bà Oanh ngậm ngùi.

Từng nghĩ mình là đồ bỏ đi, song mỗi lần nghĩ đến cảnh đời bất hạnh khác, chị nỗ lực sống tốt và cố gắng trở thành người có ích.

“Mình còn may mắn hơn nhiều người, tạo hóa cho hình hài không toàn diện như bình thường, nhưng lại cho mình được một mái ấm hạnh phúc” - chị Thuyết trải lòng. Quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng con đường học hành, chị luôn nằm trong tốp những học sinh có thành tích tốt của lớp.

Chị nói: “Đã đi đến trường phải cố gắng học thật tốt, không để những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình học tập”. Ba năm cấp ba học xa nhà, ngày nắng cũng như mưa, trên con đường sỏi dẫn chị đến trường luôn in hình bóng của cô gái nhỏ này. Chặng đường đi bộ gần chục cây số, mang theo bao đam mê, khát khao thay đổi cuộc đời chị và ước mơ bước vào giảng đường đại học.

Nhưng ước mơ của chị đã không thành hiện thực khi thiếu nửa điểm mà chị bỏ qua mơ ước học tập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Bà Oanh nhớ lại: “Những ngày biết kết quả em nó không ăn, không ngủ, buồn bã. Lúc đó, nhìn con còn tiều tụy hơn khi biết mình bị mắc bệnh”.

Những tưởng chị sẽ không vượt qua cú sốc trượt đại học nhưng ý chí của chị đã tiếp cho chị động lực. Chị Thuyết quyết định nộp hồ sơ nguyện vọng hai vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc - khoa Thư viện.

Hai năm học ở trường chị luôn nỗ lực hết sức mình, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá, chị phấn khởi về nhà làm hồ sơ xin việc. Chị đã nộp hồ sơ vào làm việc ở nhiều trường học nhưng dường như đi đến đâu cũng bị từ chối bởi thân hình đặc biệt. Khát khao cống hiến công sức nhỏ bé của mình, xóa đi mặc cảm tự ti về bản thân của chị nhưng tất cả đều rơi vào bế tắc.

Chị thở dài: “Dường như hồ sơ của mình đi đến đâu cũng bị từ chối, cũng có nơi nhận nhưng họ không phản hồi, có nơi họ nói mình không đủ điều kiện để đi làm… Ba năm sau khi ra trường biết bao nhiêu hồ sơ đã đi nhưng vẫn không có chút hy vọng khiến mình chán không thèm làm hồ sơ đi nộp”.

Bén duyên với nghề dạy học

Thân hình nhỏ bé như học sinh tiểu học, chị tự ti và mặc cảm nên lúc nào cũng giam mình trong nhà, xa lánh chúng bạn. Nhận thấy Thuyết buông xuôi mọi thứ, nên các anh chị trong nhà cố tìm kiếm niềm vui cho em gái. Vốn học rất giỏi và say mê toán nên mọi người đã đề nghị chị kèm cặp cho các cháu môn toán.

Anh Kiều Quang Sỹ, anh trai chị Thuyết kể: “Khi chúng tôi đề nghị Thuyết dạy học cho các cháu trong nhà, lúc đầu nó lưỡng lự, nhưng tôi động viên rằng biết đến đâu dạy đến đấy, nói riết rồi em nó cũng đồng ý. 

Trong khi dạy các cháu thấy em Thuyết hăng say nghiên cứu bài vở hằng ngày”.

Chị Thuyết cười tiếp lời: “Là bởi tôi tự thấy mình không học chuyên ngành sư phạm, không có kỹ năng giảng dạy nên phải bù lại bằng cách ngày đêm nghiên cứu, góp nhặt kinh nghiệm. Đọc thấy cái gì hay là tôi ghi chép, song song với việc xem các bài giảng trên mạng cũng như rút kinh nghiệm chính từ những buổi giảng bài trực tiếp cho các em nhỏ”.

Thân hình tí hon nhưng chị Thuyết vẫn nhanh nhẹn làm được mọi công việc.
Thân hình tí hon nhưng chị Thuyết vẫn nhanh nhẹn làm được mọi công việc.

Sau một thời gian học, cháu của chị Thuyết đủ trình độ được chọn tham gia vào các cuộc thi cấp huyện, tỉnh dù chưa có giải thưởng cao. Tiếng lành đồn xa bà con trong xóm nghèo đưa con đến xin học. Lớp học của chị trở nên đông đúc, có thời điểm lên đến ba - bốn chục học sinh.

Hiện nay, lớp học của “cô giáo tí hon” này có 19 cháu với độ tuổi từ 8-12 tuổi. Chị luôn tạo không khí học tập thoải mái, phương pháp dạy lôi cuốn. 

Chị chia sẻ: “Mình cũng đã qua thời học sinh, mong nhất hai ngày cuối tuần để nghỉ ngơi. Thế nên khi hai ngày cuối tuần các cháu đến học với mình có tâm lý thoải mái nhất, không còn cảm giác nặng nề, căng thẳng của học hành. Nhưng khi các cháu về vẫn có thứ gì đó mang về mà không phí hoài hai ngày nghỉ”.

Chị Lan, một trong những phụ huynh có con đang theo học với chị Thuyết tâm sự: “Tôi để ý thấy chị Thuyết có phương pháp giảng dạy độc đáo nên những tiết học của chị cuốn hút lạ thường. Dù là cuối tuần, nghỉ hè mưa gió hay nắng chói chang, không những con tôi mà các cháu khác vẫn đến lớp đầy đủ, yêu thích và rất chăm chú nghe giảng chứ không phải “bị” đi học như thường thấy”.

Lạ nhất là tất cả học sinh đến học ở đây đều được chị Thuyết miễn học phí dù chị không có việc làm và đang sống nhờ bố mẹ già. Nhiều phụ huynh ái ngại, thi thoảng “gửi học phí” cho “cô Thuyết” khi bằng tiền, khi bằng rổ sắn, con cá, mớ rau… Nhưng dù bằng hình thức nào, họ cũng bị “cô Thuyết” từ chối thẳng thừng. Nếu ai không nghe và “tái phạm” thì “cô Thuyết” dọa “lần sau không được đưa con tới đây nữa!”. 

Chúng tôi thắc mắc thì chị cười: “Phụ huynh các cháu nghèo lắm, bữa ăn hằng ngày còn thiếu lên thiếu xuống nên tôi không nỡ ngửa tay lấy của họ cái gì dù biết là chính đáng. Với lại, tôi chỉ lấy việc dạy học làm niềm vui để thỏa mãn một phần ước mơ còn dang dở của mình…”.

Trăn trở với những cháu bị tàn tật

Không chỉ có những đứa trẻ bình thường đến học, mà lớp học của chị Thuyết cũng đã từng có những cháu tàn tật. Chị hiểu được những thiệt thòi khi các cháu không được đến trường, được vui chơi cùng bạn bè. Bởi vậy, nhiều đứa trẻ tàn tật đến đây chị luôn giang rộng vòng tay đón nhận. Bản thân chị là người thấu hiểu và cảm thông sâu sắc tâm tư, nỗi lòng của mỗi em nhỏ khuyết tật.

Chị luôn dạy cho các cháu trong lớp học phải biết yêu thương nhau, đùm bọc những bạn thiệt thòi hơn. Từ đây, tạo cho những cháu khuyết tật đến lớp được học tập và hưởng trọn niềm vui cùng bạn bè.

Để hiệu quả cao chị phân loại học sinh theo lực học và nghiên cứu phương pháp dạy cho từng đối tượng. Trẻ khuyết tật luôn được chị ưu tiên, quan tâm hơn và có một phương pháp dạy phù hợp để các cháu có thể tiếp thu.

Chị chia sẻ: “Dạy cho các cháu khuyết tật khó lắm, tôi phải kiên trì và bỏ nhiều thời gian hơn so với những đứa bình thường. Khi dạy chữ cái phải liên hệ những đồ vật gần gũi với các em để dễ nhớ. Ví dụ chữ “O” thì phải liên hệ là quả trứng gà cho các em dễ dàng hình dung…”.

Và không ít lần, chị Thuyết không nén được bật khóc vì bất lực không thể giúp cho những cháu khuyết tật được tiếp xúc với con chữ. Bởi khi hỏi đến chữ “o” vẫn trả lời là quả trứng gà.

“Thực sự chỉ những cháu không có một chút nào hy vọng và dạy hằng năm trời vẫn không thể nhớ một chữ cái thì mình mới bó tay. Những lần như thế mình cũng mất ngủ mấy ngày. Bởi bố mẹ các cháu cũng hy vọng vào mình rất nhiều” - chị trải lòng.

Nhìn cách chị Thuyết đeo đuổi thực hiện ước mơ dạy học của mình, chúng tôi từ chỗ có chút thương hại chị chuyển sang xấu hổ với bản thân mình. Chúng tôi và các bạn, đã mấy ai có ước mơ lớn và theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình chưa?

Cô giáo dạy toán bằng thơ!

Những con số, phép tính khô khan trong toán học bỗng trở nên mềm mại, thú vị khi được chuyển hóa thành thơ.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/co-tich-ve-mot-co-giao-ti-hon-399219.bld

Theo Ngô Nguyên - Hoa Lê/Lao Động

Bạn có thể quan tâm