Học sinh ở Institut auf dem Rosenberg được dạy nhiều kiến thức về quản lý kế thừa, doanh nghiệp gia đình... Ảnh: Institut auf dem Rosenberg. |
Với mức học phí hơn 160.000 USD/năm, Institut auf dem Rosenberg ở St. Gallen (Thụy Sĩ) có thể là một trong những nội trú đắt đỏ nhất thế giới.
Tại đây, ngoài kiến thức về khoa học, nghệ thuật, ngôn ngữ..., học sinh được dạy thêm về tiền bạc và tài chính - một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi học sinh và gia đình các em.
Cách con nhà giàu học về tiền
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thay vì tập trung vào việc học về quản lý tín dụng và ngân sách cơ bản, những lớp học về tài chính tại Institut auf dem Rosenberg lại tập trung về việc tạo ra của cải, hoạt động từ thiện, doanh nghiệp gia đình và quản lý kế thừa.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được dạy về lãi suất, lạm phát, danh mục đầu tư cổ phiếu - những điều mà Hiệu trưởng Bernhard Gademann tin rằng không phải học sinh phổ thông nào cũng được học.
Ví dụ, trong lớp học về việc tạo ra của cải và tài chính, học sinh được giao quản lý danh mục đầu tư trị giá một triệu USD và phải trình bày các lựa chọn đầu tư của mình trước hội đồng quản trị của công ty tư nhân do những gia đình giàu có thành lập.
Những cuộc thảo luận giả định này dành cho học sinh 12-18 tuổi. Trẻ cũng được học về các loại tài sản, rủi ro khi đầu tư và cả sức mạnh của lãi kép.
Hiệu trưởng Gademann nói thêm rằng những nội dung này thường bị loại khỏi chương trình giảng dạy truyền thống vì chúng được cho là "phi học thuật". Tuy nhiên, ông cho rằng những nội dung này vẫn có mối liên quan với kiến thức có trong toán học, sinh học và những môn khác.
"Những kiến thức liên quan tài sản và tiền bạc không nên bị bỏ qua. Nếu không cung cấp cho trẻ những kiến thức đó, có thể chúng ta đang đánh cắp cơ hội thành công của các em", thầy giáo nói với CNBC.
Hiệu trưởng Institut auf dem Rosenberg tin rằng những kiến thức về tài chính rất quan trọng với học sinh. Ảnh: Institut auf dem Rosenberg. |
Lợi ích của việc học về tiền từ sớm
Không riêng ở Institut auf dem Rosenberg, tại Mỹ, nhiều trường trung học cũng đã tính đến chuyện đưa kiến thức tài chính vào chương trình học.
Tính đến năm 2024, hơn một nửa số bang ở nước này đã hoặc đang yêu cầu học sinh trung học tham gia khóa học tài chính cá nhân trước khi tốt nghiệp, theo Next Gen Personal Finance.
Việc học về tài chính ở độ tuổi trung học được chứng minh là có lợi.
Cụ thể, theo báo cáo năm 2018 của giáo sư Christiana Stoddard và giáo sư Carly Urban cho Quỹ Giáo dục Tài chính Quốc gia, những sinh viên đại học được yêu cầu tham gia các khóa học tài chính cá nhân ngay từ khi còn nhỏ có nhiều khả năng tiếp cận được những khoản vay lãi suất thấp hơn, hoặc ít có nguy cơ phụ thuộc vào những khoản vay tư nhân hoặc thẻ tín dụng lãi suất cao.
Một nghiên cứu của Viện Brookings vào năm 2018 phát hiện ra rằng sự hiểu biết về tài chính ở tuổi vị thành niên có mối tương quan tích cực với việc tích lũy tài sản và giá trị tài sản ròng ở độ tuổi 25.
Trong số những người trưởng thành, người có hiểu biết về tài chính cao hơn sẽ dễ trang trải cuộc sống, có nhiều khả năng trả hết các khoản vay đúng hạn và đầy đủ, đồng thời ít có khả năng bị ràng buộc bởi nợ nần hoặc bị coi là "mong manh" về mặt tài chính.
Cũng theo báo cáo của công ty tư vấn Tyton Partners và Next Gen, học sinh sẽ được hưởng lợi ích trọn đời với giá trị khoảng 100.000 USD khi hoàn thành một học kỳ về tài chính cá nhân.
Ông Tim Ranzetta, giám đốc điều hành của Next Gen, nói rằng phần lớn những lợi ích nêu trên đến từ việc trẻ học được cách tránh nợ tín dụng lãi suất cao và biết tận dụng điểm tín dụng để giành được những suất vay ưu đãi để mua bảo hiểm, mua ôtô hoặc thế chấp nhà.
Tuy nhiên, thông thường học sinh quan tâm đến đầu tư nhiều hơn. Giám đốc phụ trách giáo dục của Next Gen, bà Yanely Espinal, cho biết học sinh "hồi hộp đến nghẹt thở" khi được hỏi về việc gây dựng sự nghiệp và trở thành triệu phú.
Do đó, giáo viên và các nhà trường đang ưu tiên cho những bài học đó vì học sinh sẽ quan tâm và hứng thú nhiều hơn.
Một điều mà bà Espinal nhấn mạnh là khi dạy về đầu tư, các nhà giáo dục cần tập trung vào sự dài hạn. Bên cạnh đó, những kiến thức về ngân hàng, học phí đại học, thuế, quản lý tín dụng và tâm lý sử dụng tiền bạc cũng quan trọng không kém.
"Đừng để trẻ phải học về tài chính trên TikTok, chúng ta cần nghiêm túc hơn trong việc tạo ra nền giáo dục chính quy để dạy trẻ những điều này", bà Espinal nhấn mạnh.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.