Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Cơn đau đầu' chung của Trung - Nhật - Hàn

Chia sẻ với Zing, chuyên gia cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang đối mặt với “cơn đau đầu” vì tỷ lệ sinh thấp xuất phát từ nhiều vấn đề chung.

"Có con là rủi ro lớn. Nếu muốn giảm thiểu rủi ro hay đảm bảo sự nghiệp thăng tiến, họ (phụ nữ) phải xem xét tới lựa chọn không có con, hoặc chỉ sinh một con”.

Đó là nhận định của ông Stuart Gietel-Basten - giáo sư Khoa học Xã hội, Đại học Khalifa (UAE) - khi nói về nguyên nhân chung dẫn đến tỷ lệ sinh thấp của 3 nước Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nói cách khác, phụ nữ ở những nước này ngần ngại sinh con là vì các chi phí trực tiếp và gián tiếp. “Đó là vấn đề về tiền lương hay cơ hội nghề nghiệp...", ông trả lời Zing.

ty le sinh anh 1

Ông Stuart Gietel-Basten là giáo sư Khoa học Xã hội tại Đại học Khalifa (UAE). Ông từng là phó giáo sư về chính sách xã hội tại Đại học Oxford. Nghiên cứu của ông Gietel-Basten tập trung đề cập đến mối liên hệ giữa dân số và chính sách, đặc biệt tại khu vực châu Á. Ảnh: HKUST.

Đồng nhận định, Leonard Schoppa - giáo sư khoa chính trị tại Đại học Virginia (Mỹ) - cho rằng vấn đề tỷ lệ sinh thấp tại 3 nước Đông Á có điểm tương đồng.

“Câu chuyện tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc rất giống với Nhật Bản. Nhưng Hàn Quốc còn có vấn đề đau đầu hơn, đó là giá nhà đất ở nước này thậm chí còn cao hơn ở Nhật Bản, khiến các cặp vợ chồng trẻ khó có thể mua căn hộ đủ lớn để nuôi từ hai con trở lên. Tôi cho rằng Trung Quốc cũng chứng kiến một số vấn đề tương tự”, ông nhận định.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang “đau đầu” với bài toán nhân khẩu học, khi tỷ lệ sinh giảm và thế hệ trẻ có tâm lý nhìn nhận lại hôn nhân, con cái bất chấp sự hối thúc từ gia đình và chính phủ. Xu hướng này đặt ra thách thức lớn cho chính phủ 3 nước Đông Á, kéo theo nguy cơ thu hẹp lực lượng lao động và gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Không đơn thuần nằm ở vấn đề kinh tế

Theo Japan Times, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm mạnh. Năm 2022 chứng kiến số trẻ được sinh ra trong một năm lần đầu giảm xuống dưới 800.000. Dân số Nhật Bản tính đến ngày 1/1 là khoảng 124 triệu người, giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ sinh giảm cùng với cơn đau đầu khác: Dân số già hóa. Năm 2022, Nhật Bản có khoảng 36,21 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% tổng dân số.

Trong khi đó, theo AP, dân số Hàn Quốc lần đầu tiên giảm vào năm 2021. Nước này cũng ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong hai năm liên tiếp. Số liệu công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy tỷ lệ sinh chung - tức là số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - giảm xuống chỉ còn 0,79.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 tiêu chuẩn để duy trì dân số ổn định, và đứng dưới cả các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ sinh giảm, chẳng hạn Mỹ (1,6) và Nhật Bản (1,3).

Còn với Trung Quốc, dữ liệu do chính phủ công bố cho thấy dân số Trung Quốc đại lục, không bao gồm Đài Loan, Hong Kong và Macau, đã giảm lần đầu sau 61 năm. "Vào cuối năm 2022, dân số cả nước là 1,41 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc ghi nhận 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2022, giảm 9,98% so với con số 10,62 triệu năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ sinh trên toàn quốc chạm mức 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ 7,52 vào năm 2021. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1949, South China Morning Post đưa tin.

ty le sinh anh 2

Biểu đồ tỷ suất sinh, số lần sinh trên một phụ nữ năm 2020 và 1990. Đồ họa: Economist.

Theo chuyên gia, bức tranh này tại Đông Á bắt nguồn từ những nguyên nhân chung. Ông Stuart Gietel-Basten nhận thấy tại Đông Á, để có con, các cặp đôi cần có kinh tế mạnh, mua nhà, mua xe, chi phí giáo dục, học thêm ngoài giờ, chơi các môn thể thao và nhạc cụ...

Tờ Economist nhận định trên khắp Đông Á, đặc biệt là ở đô thị Trung Quốc, mua nhà là “cuộc chiến” với người trẻ tuổi.

Năm 2020, Hàn Quốc có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập (số năm thu nhập cần thiết để mua nhà) là 16,6, thuộc hàng cao bậc nhất trong OECD và chỉ sau New Zealand. Dẫu vậy, Nhật Bản dường như là ngoại lệ khi tỷ lệ của nước này là 7,5, thuộc hàng thấp nhất. Nước này có các quy tắc quy hoạch giúp việc xây thêm nhà tương đối dễ dàng.

Việc học thêm đắt đỏ và các hình thức “giáo dục ngoài luồng” khác cũng phổ biến khắp Đông Á.

Tiếp theo, nhiều người cũng gặp khó khăn khi tìm công việc tốt, đặc biệt là phụ nữ, nhằm đảm bảo họ sẽ có đủ phúc lợi khi có thai và sinh con.

“Không chỉ vậy, đôi khi có con còn ảnh hưởng tới sự nghiệp người phụ nữ. ‘Hậu phương’ là người chồng, và gia đình nhà chồng, cũng không hiểu ra trách nhiệm của mình. Do đó, phụ nữ gặp rào cản ở cả nhà lẫn ở chỗ làm”, ông chỉ ra.

Ngoài ra, vị giáo sư cho rằng tỷ lệ sinh thấp ở các nước này còn vì vấn đề liên quan tới danh dự.

“Hãy tưởng tượng bạn học hành và làm việc chăm chỉ để có được bằng cấp cao và công việc tốt, nhưng cái giá phải trả khi có con quá cao, mọi thứ dường như không ủng hộ và hỗ trợ các bậc cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ”, ông nói.

Ông cũng nhận thấy vấn đề còn nằm ở tỷ lệ chính trị gia, nhà hoạch định chính sách, quản lý công ty là nam giới rất cao. Nhiều người đàn ông trong số này khi về nhà lại được vợ chăm sóc. Từ đó, họ không có sự thấu hiểu khi thiết kế các chính sách và hệ thống hỗ trợ phụ nữ đi làm.

“Phụ nữ phải làm mọi thứ. Họ đi làm và muốn đi làm, sinh con, chăm sóc con cái, thậm chí phải chăm chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Ở Nhật Bản nói riêng và một số nước Đông Á khác, nhiều đàn ông không làm việc nhà hay chia sẻ trách nhiệm với vợ. Vì vậy, toàn bộ trách nhiệm nặng nề đặt lên vai người phụ nữ”, vị giáo sư nhận định.

ty le sinh anh 3

Ông Leonard Schoppa là giáo sư khoa chính trị tại Đại học Virginia (Mỹ). Tại đây, ông giảng dạy và nghiên cứu về chính trị Nhật Bản, chính trị học so sánh và chính sách công, quan hệ quốc tế ở châu Á.

Ông cũng chú trọng tới lĩnh vực kinh tế chính trị liên quan tới tỷ lệ sinh thấp ở Nhật Bản. Ảnh: Linkedin.

Không chỉ vậy, nếu so sánh Đông Á với khu vực châu Âu, ông Gietel-Basten nhận thấy quan điểm về kết hôn và sinh đẻ khiến nhiều người dè dặt hơn khi bước vào hôn nhân.

Theo ông Gietel-Basten, ở Đông Á, việc có con khi chưa kết hôn hay sinh con mà không có hôn nhân rất hiếm khi đây không phải điều được xã hội thực sự chấp nhận. Trong khi đó, ở châu Âu, nhiều ca sinh con đầu lòng là khi chưa kết hôn. Do đó, vị chuyên gia nhận định điều này ảnh hưởng tới suy nghĩ về bạn đời.

“Ở Đông Á, nếu cưới nhầm người, bạn sẽ gặp rắc rối lớn, giống như đánh cược tất cả vào người bạn đời này, phải chuyển đến sống chung, kết hôn, sinh con, đối đáp với bố mẹ vợ/chồng và những người anh em, họ hàng của họ”, ông nói.

“Ở châu Âu, mọi thứ linh hoạt hơn. Khi bắt đầu mối quan hệ với ai đó, bạn có thể chuyển đến sống thử. Nếu không hòa hợp, bạn chuyển đi, tiếp tục tìm kiếm cho đến khi chọn được người bản thân mong muốn”, ông dẫn ví dụ.

Do đó, vị giáo sư kết luận “rõ ràng ở Đông Á, mọi người phải chịu áp lực lớn hơn về việc chọn đúng người, gắn bó với người mình đã kết hôn và không có con trước khi cưới”.

Theo Economist, năm 2020, chỉ có khoảng 2% số ca sinh ở Nhật Bản và Hàn Quốc là của phụ nữ chưa lập gia đình, mức thấp nhất trong OECD. Ở phương Tây, con số này là khoảng 30-60%. Ở Trung Quốc, một số ít người mang thai mà không kết hôn thường bị từ chối trợ cấp.

“Đó là lý do chỉ hỗ trợ tiền là chưa đủ. Những nguyên nhân cơ bản nhất vẫn chưa được giải quyết”, ông Gietel-Basten nói.

Thách thức riêng

Tuy có những điểm chung, 3 nước này cũng có những nét riêng biệt. Ông Gietel-Basten cho rằng điểm khác nhau là chính sách một con ở Trung Quốc.

Theo đó, Hàn Quốc hay các quốc gia khác cũng có chính sách kế hoạch hóa gia đình lớn, nhưng rõ ràng dư âm của chính sách một con tại Trung Quốc là “không thể phủ nhận”, dù chính sách này đã được bãi bỏ.

ty le sinh anh 4

Ba quốc gia Đông Á chứng kiến tỷ lệ sinh giảm trong những năm gần đây. Ảnh: David Mareuil/AA.

Vị giáo sư dẫn chứng thêm một số yếu tố khác, chẳng hạn nhiều khu vực nông thôn Trung Quốc có điều kiện khó khăn hơn Hàn Quốc cũng có thể là trở ngại trong việc cải thiện tỷ lệ sinh.

“Song sự khác biệt lớn nhất vẫn là dư âm từ chính sách một con”, ông Gietel-Basten nói.

Vị giáo sư từ Đại học Kalifa cũng cho rằng Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có những vấn đề riêng, do đó họ cần thích ứng với tình hình theo những phương án khác nhau. Về cơ bản, mỗi quốc gia có những lợi thế và bất lợi, và ông nghĩ không nước nào có cơ hội tốt nhất.

Với Nhật Bản, sau khi chứng kiến vấn đề này trong thời gian dài, nước này phần nào đã tìm ra hướng đi mới. Họ tận dụng công nghệ, tăng hiệu suất đồng thời tạo ra hệ thống bảo hiểm y tế cũng như chăm sóc sức khỏe tổng quát cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, họ cũng gánh tỷ lệ nợ công rất cao.

Mặt khác, ở Trung Quốc, quá trình già hóa này mới bắt đầu. Vì vậy, họ có nhiều thời gian thích nghi hơn và sau đó phát triển các hệ thống bền vững hơn như hệ thống y tế, lương hưu.

“Tôi nghĩ Trung Quốc đang ở vị thế tốt và linh hoạt hơn một chút. Họ có thể thích ứng được với điều đó”, ông nói.

Tiếp đến là Hàn Quốc. “Quốc gia này có vấn đề riêng vì phần lớn nền kinh tế được kiểm soát bởi một số ít tập đoàn. Họ không quá linh hoạt và không dễ đáp ứng những thay đổi kiểu này”, ông nhận xét.

Chính phủ mỗi nước đang nỗ lực để “giải” bài toán khó này với các chính sách hỗ trợ kinh tế và phúc lợi. Dẫu vậy, chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh thấp không còn đơn thuần nằm ở lĩnh vực kinh tế, khi các định kiến xã hội ăn sâu cũng ngăn cản nhiều người có con và đây là vấn đề gốc rễ cần giải quyết.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản

Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Văn hóa tuyển dụng 'trói chân' Nhật Bản trong bài toán nhân khẩu học

Chia sẻ với Zing, chuyên gia đánh giá Nhật Bản áp dụng “tương đối tốt các chính sách” thúc đẩy tỷ lệ sinh, song vấn đề cốt lõi liên quan tới nhận thức vẫn chưa được giải quyết.

'Sóng thần màu bạc' tại quốc gia suy giảm dân số nhanh nhất phương Tây

Dân số Italy đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất ở phương Tây, khi đất nước này vừa phải đối mặt với sự bùng nổ dân số già, cũng như việc tỷ lệ sinh thấp và liên tục giảm.

World Expo se la cu hich danh thuc toan cau hoa hinh anh

World Expo sẽ là cú hích đánh thức toàn cầu hóa

0

Được xem như một "Thế vận hội Kinh tế" của toàn cầu, World Expo vẫn là một sự kiến đáng thèm muốn. Các sự kiện sắp tới được cho là có thể giúp toàn cầu hóa lấy lại động lực.

Phương Linh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm