Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn đau đầu ở hàng loạt quốc gia

Theo Liên Hợp Quốc, vào đầu những năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ có 4,5 con. Đến năm 2015, tổng mức sinh của thế giới đã giảm xuống dưới 2,5 con/phụ nữ.

Một số quốc gia chứng kiến tỷ suất sinh đang giảm. Ảnh: iStock.

Ông John Wilmoth, giám đốc Ban Dân số của Liên Hợp Quốc cho biết nhiều chính phủ lo ngại tỷ suất sinh quá thấp nên đã thử một số biện pháp nhưng đạt được kết quả khác nhau.

“Chúng tôi nhận thấy rằng đôi khi các biện pháp này có hiệu quả trong thời gian ngắn. Nó có thể khuyến khích người dân có con sớm hơn. Nhưng biện pháp đó có thực sự làm thay đổi số con mà họ có không? Điều đó không rõ ràng”, CNA dẫn lời ông hôm 11/7.

Theo chuyên gia, để tăng tỷ suất sinh đang giảm ở một số quốc gia, các nhà hoạch định chính sách nên nhìn xa hơn những biện pháp tạm thời và đầu tư để hỗ trợ dài hạn cho người dân.

Vì sao các chính sách tăng tỷ suất sinh không hiệu quả?

Ông Wilmoth kêu gọi các chính phủ chú ý đến “những thách thức về thời gian trong cuộc sống của người dân, khi họ đang cố gắng vừa làm việc và vừa chăm con”.

“Sự hỗ trợ của cộng đồng đối với việc chăm sóc trẻ em là rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, chính phủ đã triển khai một số cách tiếp cận khác, như trả cho người dân một khoản tiền thưởng lớn để khuyến khích họ sinh con.

“Nhưng điều thực sự quan trọng là họ có được hỗ trợ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm khi họ nuôi con hay không?”, ông nói.

ty suat sinh giam anh 1

Trẻ em chơi tại sân chơi bên trong khu mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một số chuyên gia cho biết đầu tư vào các gia đình - những người sẽ nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo rất quan trọng.

“Nếu họ có thể được hỗ trợ giải quyết những thách thức khi sinh con và nuôi nấng gia đình, thì có thể tỷ suất sinh sẽ tăng trở lại”, ông Wilmoth nhận định.

Ông cũng kêu gọi bình đẳng giới nhiều hơn, không chỉ ở nơi làm việc mà còn ở nhà.

“Phụ nữ không muốn phải làm một công việc toàn thời gian ở cơ quan và sau đó lại làm một công việc toàn thời gian ở nhà. Tôi nghĩ điều đó khá dễ hiểu”, ông nói.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng có rất ít quốc gia có thể hành động để tác động đến tỷ suất sinh.

Vậy nên, “thay vì cảm thấy chúng ta có thể quay trở lại cảnh tỷ suất sinh cao, cách tốt nhất là đảm bảo việc có đủ khả năng xây dựng một gia đình (và) người lớn tuổi được hỗ trợ”, tiến sĩ Gretchen Donehower, chuyên gia tại Đại học California, Trung tâm Kinh tế và Nhân khẩu học về lão hóa của Berkeley, cho hay.

Thách thức khi già hóa dân số

Dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ vào tháng 11/2022. Theo Liên Hợp Quốc, con số này dự kiến tăng lên khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030.

Liên Hợp Quốc cũng cho biết tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019, nhờ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh và thuốc men tốt hơn.

Tuy nhiên, tuổi thọ ngày càng tăng làm nổi bật nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh nhóm dân số này ngày càng mở rộng.

Tiến sĩ Donahower chỉ ra hầu hết quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh là ở châu Á, lấy ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, những quốc gia đó “dường như có các nguồn lực và nhận thức được điều gì sắp xảy ra trong tương lai”, bà nói thêm.

ty suat sinh giam anh 2

Trẻ em ngủ trưa tại trường mẫu giáo Hinagiku ở Moriyama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Chẳng hạn ở Nhật Bản, nhiều người qua tuổi nghỉ hưu vẫn đang đi làm.

“(Dù vậy), đây là vấn đề nếu nó xảy ra trong bối cảnh sức khỏe kém hoặc khuyết tật”, bà nói. “Chúng tôi không muốn mọi người phải tiếp tục làm việc nếu đó là gánh nặng đối với họ. Vì vậy, có rất nhiều thử nghiệm với điều này”.

Bà nói thêm cho đến nay, các quốc gia thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề dân số già là những nước loại bỏ chính sách hưu trí dựa trên tuổi tác và xây dựng thị trường linh hoạt hơn cho người lao động lớn tuổi.

Tiến sĩ Donehower cho biết các chính phủ cũng có thể đóng vai trò lớn hơn để giảm bớt áp lực cho những người có cả con nhỏ và cha mẹ già phải chăm sóc.

“Cân bằng nghĩa vụ nhà nước và nghĩa vụ gia đình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thích ứng với những thay đổi này”, bà nhận định.

Các chuyên gia cũng chia sẻ cần chú ý hơn đến lĩnh vực chăm sóc phòng ngừa sớm, như dinh dưỡng, giấc ngủ và tập thể dục.

Lấy ví dụ về chứng sa sút trí tuệ, bà Diane Ty, giám đốc cấp cao của Trung tâm Tương lai Người cao tuổi thuộc Viện Milken, cho biết việc cải thiện khả năng phát hiện sớm rất quan trọng.

Bà chỉ ra rằng vào giữa thế kỷ này, hơn một nửa số người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới sẽ sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tác động của biến đổi khí hậu

Chuyên gia cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét biến đổi khí hậu - điều có thể ảnh hưởng mạnh đến sự gia tăng dân số.

“Điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà biến đổi khí hậu đang mang lại sẽ khiến tỷ lệ tử vong cao hơn, ít nhất là theo từng giai đoạn. Những thời kỳ nắng nóng cực độ có thể gây ra cái chết”, ông Wilmoth cho biết.

“Những điều này sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong kế hoạch lớn hơn? Chúng tôi thực sự không biết”, ông nói. “Nó có đảo ngược xu hướng về tuổi thọ không? Tôi không chắc chắn”.

Ông đề cập đến vấn đề di cư như mối quan tâm lớn và cuộc khủng hoảng khí hậu có thể khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa, chẳng hạn ở các vùng trũng thấp thường xảy ra lũ lụt.

Thế giới đang chứng kiến ​​quá trình đô thị hóa và di cư ngày càng tăng. Liên Hợp Quốc cho biết đến năm 2050, khoảng 66% tổng dân số sẽ sống ở các thành phố.

“Tôi nghĩ vấn đề lớn hơn là liệu biến đổi khí hậu ở một số khu vực có thể dẫn đến thay đổi cơ bản trong nền kinh tế hay không”, ông nhấn mạnh. “Nó có thể tàn phá một số ngành nhất định, đặc biệt là nông nghiệp ở một số nơi, và điều đó sẽ khiến mọi người muốn chuyển đi”.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Lời cảnh báo tới toàn cầu

Sau khi nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục ngày nóng nhất trong hai ngày 3-4/7, phân tích sơ bộ cho thấy thế giới có thể đã trải qua 7 ngày nóng nhất liên tiếp.


Chuyện gì sẽ xảy ra với một quốc gia khi đất đai bị nhấn chìm

Mực nước biển dâng cao thúc đẩy các cuộc thảo luận pháp lý về việc liệu một quốc gia có còn là quốc gia hay không, nếu đất đai biến mất dưới đại dương.

Minh An

Bạn có thể quan tâm