Trong những ngày cách ly xã hội, trẻ em phải tự học tại nhà hoặc tham gia các buổi online mà nhà trường tổ chức. Đó là lúc nhiều cha mẹ nhận ra những khác biệt giữa việc con mình có anh chị em hay là con một.
Thời gian này, mỗi ngày lũ trẻ có thể chơi cùng nhau trong khi bố mẹ làm việc tại nhà. Có ít nhất hai con sẽ làm cha mẹ có phần rảnh hơn, không nhất thiết phải cùng con trong mọi hoạt động từ học tập đến vui chơi.
Tuy nhiên, việc có con một cũng không phải là không có lợi ích. Phụ huynh có thể tập trung và dễ dàng hơn khi chỉ kèm một đứa trẻ học bài.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít hoang mang nhưng cũng phần nào mở ra hướng trả lời cho câu hỏi mà những người đang, hoặc sẽ trở thành phụ huynh luôn băn khoăn: Số lượng con cái thích hợp nhất trong một gia đình là bao nhiêu?
Trong những ngày cách ly xã hội, trẻ em phải tự học tại nhà hoặc tham gia các buổi học online. Ảnh: ParentingNH. |
Những giả thuyết chủ quan
Dù đang trong giai đoạn cách ly hay không, việc có anh chị em ruột cũng góp phần hình thành nên những trải nghiệm thú vị và sự phát triển của mỗi người.
Từ trước tới nay, các chuyên gia luôn chia ra thành hai luồng quan điểm về giá trị của anh chị em ruột trong cuộc đời mỗi người. Một phần tập trung chứng minh rằng gia đình đông con sẽ có ít nguồn lực để đầu tư cho mỗi đứa trẻ. Trong đó bao gồm quỹ thời gian, tiền bạc dành cho sinh hoạt, giáo dục hoặc các loại đào tạo khác.
Đó là góc nhìn của các nhà kinh tế khi nuôi dạy con cái.
Nhóm thứ hai, nêu lên quan điểm riêng từ khoảng 100 năm trước, rằng việc là con một trong gia đình có thể cản trở sự phát triển về mặt xã hội của trẻ.
Theo giả thuyết này, một đứa con một có thể có tư tưởng hoặc hành vi chống đối xã hội, vụng về, kỳ quặc. Điều đó nghĩa là, nếu con bạn không có anh chị em ruột, nó rất dễ bị cô lập về mặt xã hội.
Gia đình đông con sẽ có ít thời gian dành cho mỗi đứa trẻ, theo một số chuyên gia. Ảnh: Today's Parent. |
Nhưng đây chỉ là những nhận định ban đầu mang tính giả thuyết. Thời nay, các dữ liệu khảo sát tăng cường sự chính xác cho mỗi ý kiến được đưa ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn bị giới hạn trong công tác đo lường.
Chẳng hạn, người ta có thể đo lường những thứ như chỉ số IQ, điểm kiểm tra, thành tích học tập và trình độ học vấn. Nhưng ta không thể đo được niềm vui và cả nỗi buồn phiền mà ai đó có được từ anh chị em ruột của họ.
Ngay cả khi tập trung vào những điều đó, ta cũng không có đủ dữ liệu để so sánh gia đình một con và nhiều con. Họ khác nhau theo nhiều tiêu chí.
Chúng ta cần tập trung vào những thay đổi ngẫu nhiên hoặc đột ngột đối với quy mô gia đình. Ví dụ như trường hợp gia đình có một cặp sinh đôi. Thông thường, bố mẹ thường không chuẩn bị trước tinh thần là sẽ đón một cặp song sinh chào đời, gia đình của họ lớn thêm một cách bất ngờ.
Một công cụ so sánh khác là kỳ vọng của phụ huynh về giới tính của các con. Nếu cha mẹ có hai bé trai hoặc hai bé gái trước, chúng có nhiều khả năng sẽ có thêm em vì bố mẹ mong muốn một đứa con ở giới tính còn lại.
Khoa học đã chứng minh điều khác biệt
Nguồn dữ liệu uy tín của Na Uy cho thấy số lượng trẻ em của một gia đình đóng vai trò tương đối ít trong việc xác định trình độ học vấn hoặc chỉ số IQ của chúng. Tuy vậy, việc có anh em sinh đôi có thể tác động tiêu cực đến IQ của các bé trai.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trẻ em không có anh chị em ruột khó có khả năng được nhiều nơi tuyển dụng hoặc làm những công việc có mức lương cao.
Thêm nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con một có nhiều nguy cơ trở thành cha mẹ tuổi teen hơn, mặc dù các chuyên gia phân loại đây là một kết quả không mong muốn của cuộc khảo sát.
Một bài báo đánh giá năm 1987, trong đó tóm tắt 140 nghiên cứu, đã tìm thấy một số bằng chứng về động lực học tập cao hơn ở nhiều trẻ em là con một trong gia đình.
Nhiều nghiên cứu khác đã được thực hiện ở Trung Quốc, nơi chính sách một con có hiệu quả đã tạo ra một thế hệ trẻ em không có anh chị em ruột.
So sánh những người là con một với nhóm có anh chị em (trong gia đình hai con), các nhà khoa học gần như không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt tính cách mang tính hệ thống nào giữa họ. Việc một người hướng ngoại hay hướng nội cũng không có liên quan đến số anh chị em họ có.
Việc một người hướng ngoại hay hướng nội cũng không có liên quan đến số anh chị em họ có. Ảnh: Newsweek. |
Điều mà tài liệu này chứng minh được chính là vấn đề thực sự nằm ở thứ tự sinh của trẻ. Con đầu lòng – bất kể có anh chị em ruột hay không – đều sở hữu chỉ số IQ tốt hơn, học tập chăm chỉ hơn và có xu hướng đạt mức thu nhập cao hơn trong sự nghiệp.
Họ cũng có động lực tự học cao hơn so với các em của mình. Tuy chưa thể lý giải được chính xác lý do, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể do cha mẹ đã dành nhiều thời gian hơn cho đứa con đầu lòng.
Chẳng hạn, họ thường xuyên đọc sách hoặc nói chuyện với con cả nhiều hơn những đứa con sau nên đã khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
Nhìn chung, dường như việc có anh chị em hay không không có tác động lớn đến hầu hết đặc điểm phát triển mà con người có thể đo lường.
Tranh luận trên Internet, nhiều cha mẹ bảo vệ quan điểm rằng có hoặc thiếu anh chị em là chìa khóa để con bạn trưởng thành theo hướng tốt nhất có thể.
Thế nhưng, bằng chứng khoa học không đồng tình với cả hai luồng ý kiến. Quyết định có bao nhiêu con đều là sự lựa chọn tốt nhất mà bạn làm cho gia đình mình.