Mắt trái của mực mắt lác lớn hơn nhiều so với bên phải, giúp chúng phát hiện con mồi hoặc kẻ thù phía trên. Ảnh: MBARI. |
"Mực mắt lác" là một sinh vật bí ẩn của đại dương. Chúng sống lơ lửng giữa hai thế giới: Phía trên là bề mặt biển le lói ánh Mặt Trời chiếu xuyên làn nước xanh; bên dưới là vùng nước sâu thẳm, hoàn toàn khuất ánh sáng.
Đôi mắt phát triển "lệch" đã cho phép chúng nhìn vào cả hai thế giới ấy, cùng một lúc.
Loài mực này sinh ra với hai con mắt giống hệt nhau, nhưng nhãn cầu bên trái thường phát triển nhanh hơn, tạo nên một cái ống dài, có thấu kính màu vàng sáng. Con mắt trái khổng lồ này rất nhạy bén trong việc nhìn lên trên, tìm kiếm thức ăn hay cảnh giác với kẻ thù bơi trên đầu. Sắc vàng của mắt có tác dụng lọc ánh sáng để phát hiện lớp nguỵ trang của những con vật phát sáng, đang cố gắng ẩn mình trong sắc xanh biển xung quanh chúng.
Trong khi đó, nhãn cầu phải có kích thước nhỏ hơn một nửa so với mắt bên trái. Con mắt này thường hướng xuống dưới nhằm quét ánh sáng của những sinh vật phát sáng trong vùng nước tối thăm thẳm.
Jon Ablett, quản lý cấp cao về động vật thân mềm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, nói rằng: “Đó là minh chứng thú vị về cách chúng tồn tại giữa hai môi trường sống rất khác nhau".
Các chấm đỏ trên thân mực là cơ quan phát sáng, được gọi là tế bào phát quang. Ảnh: Kate Thomas/Đại học Duke. |
Loài mực mắt lác (Histioteuthis heteropsis) không còn lạ lẫm gì trong giới khoa học, và được một đoàn nghiên cứu bắt gặp gần đây trong chuyến thám hiểm quanh các đảo Ascension và Saint Helena ở Đại Tây Dương. Chúng còn có tên khác là mực đá quý khi toàn thân lấp lánh những đóm đỏ màu hồng ngọc khi được soi đèn UV.
James Maclaine, người phụ trách cấp cao về loài cá tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết chưa có nhà khoa học nào thử chiếu tia UV lên động vật dưới biển sâu. Ông Maclaine phát hiện rằng một số loài khác có đốm phát sáng màu đỏ như cả mực đá quý và cá rắn viper; còn một số loài, chẳng hạn cá đèn lồng thì không.
Các chấm đỏ là cơ quan phát sáng, được gọi là tế bào phát quang, phát ra ánh sáng xanh khi con mực đang bơi ở độ sâu hàng trăm mét dưới nước. Vì không có tia UV dưới biển sâu, nên các tế bào phát quang không phát sáng màu đỏ trong môi trường tự nhiên.
"Mực mắc lác" có thể sử dụng các tế bào phát quang để phát sáng che đi cái bóng của chính nó. Việc các tế bào nhấp nháy cũng có thể là một hình thức giao tiếp của mực và thu hút bạn tình hoặc để dụ con mồi.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.