Theo khảo sát của dịch vụ phân tích ứng dụng WiseApp, người dùng YouTube tại Hàn Quốc đã dành tổng cộng 1,8 tỷ giờ trên nền tảng này vào tháng 9/2023, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tổng lượng sử dụng các ứng dụng phổ biến như KakaoTalk và Naver chỉ bằng chưa đến một nửa tổng lượng sử dụng của YouTube.
Lượng sử dụng Instagram cũng tăng mạnh 42,1%, với người dùng dành 379 triệu giờ vào tháng 9.
Theo Korea Times, điều này phản ánh sự phổ biến ngày càng tăng của nội dung video dạng ngắn như YouTube Shorts, Instagram Reels và TikTok.
Một vấn đề quan trọng với nội dung dạng ngắn là có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng nghiện điện thoại, đặc biệt là ở những người dùng trẻ tuổi. Những người chỉ trích cho rằng các thuật toán đề xuất, được các công ty coi là bí mật thương mại, đang góp phần gây nghiện điện thoại thông minh.
Tiêu thụ quá mức video ngắn có thể làm trầm trọng hơn chứng nghiện điện thoại. Ảnh: Pexels. |
Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin về tình trạng nghiện điện thoại thông minh, 40,1% thanh thiếu niên ở Hàn Quốc được xếp vào nhóm có nguy cơ.
Việc tiêu thụ nội dung dạng ngắn cao hơn đáng kể trong các nhóm có nguy cơ này. Hơn nữa, 34,7% trẻ em trong độ tuổi 3-9 và 36,7% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát mức tiêu thụ video dạng ngắn.
Các chuyên gia chỉ ra rằng thuật toán tinh vi là lý do chính đằng sau sự gia tăng của cơn nghiện nội dung ngắn.
Các nền tảng đã phân tích lịch sử xem, thời gian xem và thậm chí cả các hành động như tua nhanh hoặc tua lại của người dùng để cung cấp nội dung được cá nhân hóa cao.
Luồng video được cá nhân hóa liên tục này giúp người dùng tương tác trong thời gian dài hơn, khiến họ khó có thể rời mắt.
Một người trong ngành cho biết: "Trước đây, các mạng xã hội tập trung vào nội dung được bạn bè của bạn thích, nhưng hiện nay các nền tảng video ngắn sử dụng thuật toán siêu cá nhân hóa, càng chính xác hơn khi bạn xem lâu hơn".
Khi chứng nghiện video ngắn trở thành mối quan tâm của xã hội, nhiều quốc gia bắt đầu ngăn chặn tác hại tiềm ẩn của thuật toán nền tảng.
Đầu tháng 10, Liên minh Châu Âu (EU) đã gửi yêu cầu tới TikTok và YouTube, yêu cầu thông tin chi tiết về cách thiết kế thuật toán đề xuất của họ. Động thái này cho thấy ý định của EU trong việc xem xét kỹ lưỡng các cơ chế không minh bạch đằng sau các khuyến nghị về nội dung.
Tại Mỹ, một số tiểu bang đã đệ đơn kiện Meta, cáo buộc Instagram cố tình gây nghiện cho người dùng tuổi teen. Trong khi đó, Australia đang xem xét luật sẽ đặt ra độ tuổi tối thiểu được phép sử dụng mạng xã hội.
Ngược lại, các cuộc thảo luận về quản lý nền tảng video ngắn ở Hàn Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Cho đến nay, chính phủ vẫn nhấn mạnh vào việc quản lý tự nguyện và hợp tác với các công ty nền tảng.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đã đề xuất các biện pháp mới.
Đại biểu Cho Jung-hun của đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đã đưa ra một dự luật, trong đó đặt ra giới hạn sử dụng mạng xã hội hàng ngày với thanh thiếu niên dưới 16 tuổi. Đại biểu Youn Gun-young của Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc cũng đã đề xuất các sửa đổi nhắm ngăn chặn trẻ em dưới 14 tuổi đăng ký tài khoản mạng xã hội.
Một quan chức của Ủy ban Khoa học, Công nghệ thông tin, Phát thanh và Truyền thông của Quốc hội cho biết: "Khi các nước tiên tiến tăng cường trách nhiệm giải trình công khai đối với các nền tảng, rất có thể luật pháp trong nước cũng sẽ thay đổi theo hướng đó".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.