Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công an cảnh báo chiêu lừa đưa người sang Australia, Hàn Quốc làm việc

Công an TP.HCM đưa ra khuyến cáo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng bằng chiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Khuyến cáo này đưa ra khi thời gian gần đây, chiêu lừa này trở nên phổ biến khiến nhiều người dân "sập bẫy".

Theo đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản, hội nhóm có hình ảnh hoạt động của cán bộ, lãnh đạo, biểu tượng quốc huy, logo cơ quan, tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị trực thuộc. Các tài khoản này quảng bá hoạt động đưa người lao động, học sinh, sinh viên... sang học tập, làm việc tại nước ngoài.

Cụ thể, các đối tượng lập các Fanpage mang tên "Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "Tư vấn XKLĐ - Asian"…, đăng tải thông tin tuyển chọn lao động đi làm việc tại Australia, Hàn Quốc.

Dua nguoi sang Australia,  Han Quoc lam viec anh 1

Các đối tượng mạo danh các văn bản có chữ ký của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước kèm theo hình ảnh lãnh đạo bộ làm việc với các đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin với người lao động.

Khi người dân tìm kiếm thông tin trên mạng thì dễ bị điều hướng truy cập đến các trang, tài khoản mạng xã hội giả mạo nói trên. Người dân liên hệ thì các đối tượng trao đổi xưng là cán bộ các cơ quan, đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi "Thông báo tuyển dụng" giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xét duyệt theo từng đợt….

Thời gian ngắn sau, các đối tượng gửi "Thông báo trúng tuyển" được đóng dấu, có chữ ký giả của lãnh đạo và các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tạo niềm tin. Từ đó, chúng dẫn dụ nạn nhân nộp các loại tiền phí, thuế, bảo hiểm... vào tài khoản ngân hàng sử dụng tên doanh nghiệp "ma" gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép. Có trường hợp, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân có tên trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép.

Sau khi chiếm đoạt được tiền, đối tượng chặn nạn nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi lao động, học tập tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các trung tâm, cơ quan được cấp phép; trực tiếp nộp tiền sau khi ký hợp đồng; yêu cầu cung cấp hóa đơn với đầy đủ thông tin theo quy định. Nếu không thể nộp tiền trực tiếp tại doanh nghiệp thì khi chuyển tiền qua tài khoản, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin.

Người dân tại TP.HCM khi có nhu cầu làm việc tại nước ngoài, thì nên tham khảo, tìm hiểu thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động tại trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo cơ quan công an, hiện có 64 doanh nghiệp, chi nhánh có trụ sở trên địa bàn TP.HCM có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Công an TP.HCM cũng đề nghị người dân cảnh giác trước các cá nhân, tổ chức và các trang mạng xã hội có những thông tin quảng cáo, tuyên truyền, chào mời sai sự thật; tuyệt đối không tin, không làm theo những chỉ dẫn, thao tác, thủ tục trực tuyến dẫn dụ truy cập vào các đường link lừa đảo có chứa mã độc từ các tài khoản mạng không rõ nguồn gốc, lai lịch; liên hệ các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép tại địa phương nơi cư trú để có những hướng dẫn, thủ tục trực tiếp.

Sách về Pháp luật

Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

https://vietnamnet.vn/cong-an-canh-bao-chieu-lua-dao-dua-nguoi-sang-uc-han-quoc-lam-viec-2366106.html

Đàm Đệ/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm