Công an TP.HCM cho biết hiện nay số tội phạm hoạt động chiếm đoạt tài khoản Facebook thông qua dịch vụ cho thuê SIM trực tuyến diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, gây mất an ninh trật tự.
Theo Công an TP.HCM, những băng nhóm này thường tạo lập trang web cho phép người dùng mở tài khoản, nạp tiền thuê SIM có thời hạn. Trang web này được kết nối với các thiết bị GSM để nhận tin nhắn, cuộc gọi và gửi mã xác nhận cho người dùng qua giao diện web khi đặt yêu cầu. Các SIM dùng cho thuê là số điện thoại mới hoặc từng được sử dụng nhưng đã bị thu hồi.
Hạn chế dùng SIM thuê kết nối Facebook
Công an TP.HCM cho biết khi người dân dùng SIM thuê để kết nối với tài khoản Facebook sẽ bị bên cho thuê chiếm quyền quản trị. Sau đó, những kẻ này thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản như: Nhắn tin trong danh sách bạn bè của nạn nhân để lừa chuyển tiền; nhắn tin cho nạn nhân đòi tiền chuộc lại quyền quản trị tài khoản Facebook; gửi đường dẫn trang web giả mạo cho bạn bè nạn nhân để tiếp tục lừa lấy thông tin đăng nhập; chiếm quyền quản trị trang (Fanpage), nhóm (group), tài khoản quảng cáo (có thể liên kết với thẻ tín dụng) mà nạn nhân quản lý.
Để tránh trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm trên, người dân cần thay đổi, cập nhật số điện thoại đang sử dụng làm ID đăng nhập Facebook; sử dụng chế độ bảo mật 2 lớp để hạn chế tình trạng bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội.
Bên cạnh đó, người dùng cần nâng cao ý thức về bảo vệ thông tin cá nhân, cẩn trọng trong việc đưa thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng lên các ứng dụng trên mạng xã hội.
Trường hợp bị xâm nhập, người dùng cần phải bình tĩnh làm theo các bước hướng dẫn của ứng dụng để lấy lại quyền quản trị, đồng thời thông báo ngay với ngân hàng để được hỗ trợ tạm khóa tài khoản; thông báo ngay với người thân để cảnh giác, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Tín dụng đen” trực tuyến
Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng cảnh báo về tình trạng hoạt động "tín dụng đen" bằng hình thức cho vay trực tuyến.
Với loại tội phạm này, Công an TP.HCM cho biết các nhóm "tín dụng đen" thường tiếp cận người có nhu cầu vay tiền, dụ dỗ nạn nhân tải ứng dụng cho vay, tạo tài khoản cá nhân, đồng ý với mọi điều khoản và cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, hình ảnh của điện thoại. Qua đó, kẻ gian dễ dàng nắm danh sách thông tin liên lạc, lưu trữ hình ảnh của nạn nhân.
Yuan Dang Hui cầm đầu nhóm cho vay nặng lãi qua ứng dụng điện thoại bị Công an TP.HCM bắt năm 2020. Ảnh: Công an cung cấp. |
Sau đó, bên cho vay yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ nhà, nơi làm việc, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh), gia đình, bạn bè để duyệt hồ sơ cho vay.
Theo Công an TP.HCM, nhóm "tín dụng đen" buộc con nợ trả lãi suất rất cao (70-80%/năm). Trường hợp người vay không muốn vay nữa thì chúng vẫn tự ý chuyển tiền vào tài khoản rồi buộc người vay chuyển ngược lại gấp đôi khoản tiền đó với lý do trả gốc, lãi và phí vay.
Nếu người vay không trả tiền, những nhóm này sẽ gây sức ép để đòi nợ bằng nhiều hình thức như: Nhắn tin, gọi điện thoại liên tục để khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng của người vay, gia đình và quấy rối bạn bè, đồng nghiệp; bôi nhọ, tung tin đồn, cắt ghép hình ảnh của người vay để đăng lên mạng xã hội gây sức ép; gửi email nặc danh đến nơi làm việc của người vay.
Trước tình hình trên, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân có nhu cầu vay tiền nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể. Đối với người dân bị đòi nợ “không chính chủ” cần giải thích ngắn gọn việc không liên quan, không có trách nhiệm với khoản nợ, ngoài ra có thể hỏi tên công ty đòi nợ, ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn cung cấp cho công an để xử lý theo quy định pháp luật.