Liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự; thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/3.
Có ghi âm, ghi hình mới được hỏi cung
Theo Thông tư liên tịch, trước khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai phải đăng ký với cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan liên quan để cơ quan đó bố trí phòng phục vụ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan liên quan, cán bộ hỏi cung hay ghi lời khai làm thủ tục trích xuất hoặc triệu tập người tại ngoại, người liên quan.
Tiếp đó, cán bộ phải thông báo với người đối diện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trước buổi hỏi cung hay ghi lời khai.
Thông tư nêu rõ, thời gian ghi âm, ghi hình bắt đầu từ lúc cán bộ hỏi cung ấn nút và kết thúc với cùng thao tác này. Cán bộ tham gia hỏi cung, ghi lời khai phải thông báo các diễn biến cho bị can, người liên quan trong suốt quá trình làm việc.
Văn bản liên ngành quy định, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Nếu đang làm việc mà thiết bị kỹ thuật xảy ra sự cố thì phải dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai.
Từ 18/3/2018, việc hỏi cung và ghi lời khai phải có ghi âm, ghi hình . Ảnh minh họa: H.L. |
Ghi âm, ghi hình để phát hiện oan sai, ép cung
Trong điều tra, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được sử dụng trong trường hợp bị can hay người liên quan thay đổi lời khai. Kết quả này cũng được dùng để đánh giá chứng cứ nhằm làm rõ hành vi phạm tội của bị can, người liên quan.
Giai đoạn truy tố, bản ghi âm hay ghi hình được sử dụng làm căn cứ đánh giá tính khách quan của lời khai và xem xét chứng cứ nhằm làm rõ hành vi của bị can hay người liên quan.
Theo Thông tư, kết quả ghi âm hay ghi hình giúp cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử, chủ tọa phiên tòa phải chủ động xem xét, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bao gồm cả dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Khi diễn ra phiên tòa, nếu bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai thì HĐXX quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên tòa.
Thông tư liên tịch quy định: Nghiêm cấm tự ý chỉnh sửa, cắt, ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, làm hư hỏng, làm thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sao chép, phát tán, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ngoài các mục đích.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, nghiêm cấm làm lộ, lọt thông tin vụ án hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phá hủy cơ sở vật chất, cố ý làm hư hỏng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.