Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Công nghệ 'chặn Mặt Trời' khiến giới tình báo lo ngại

Biện pháp địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời hứa hẹn sẽ giảm nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra xung đột khi thiếu sự kiểm soát quốc tế.

Giai phap khi hau anh 1

Một quốc gia bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, lũ lụt hoặc mất mùa quyết định tự điều đội máy bay để phun lớp sương mù mịn, ngăn chặn một phần bức xạ Mặt Trời tới bầu khí quyển Trái Đất, giúp làm giảm nhiệt độ.

Tuy nhiên, các quốc gia khác coi đó là mối đe dọa và sẵn sàng đáp trả bằng động thái quân sự.

Thoạt đầu, kịch bản này nghe có vẻ giống một câu chuyện khoa học viễn tưởng.

Thế nhưng, cộng đồng tình báo Mỹ và các quan chức an ninh quốc gia khác lo ngại về điều này đến mức vào năm ngoái, họ đã vạch ra cách ngăn chặn một cuộc chiến do loại kỹ thuật khí hậu trên gây ra, theo Washington Post.

Kỹ thuật trên, được gọi là địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời, về mặt lý thuyết có thể xảy ra.

Khi các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới phải chịu đựng nhiều hơn do nhiệt độ tăng cao, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có thể sẽ chịu áp lực nặng nề trong việc triển khai công nghệ này, theo một số nhà khoa học.

So với các phương pháp khác để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, biện pháp này dường như rẻ hơn và có ảnh hưởng nhanh hơn.

Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể làm suy yếu năng lượng Mặt Trời trên toàn cầu, không chỉ ở quốc gia quyết định triển khai nó. Do đó, các quan chức an ninh lo ngại về khả năng gây ra xung đột khi một nước có thể đưa ra quyết định định hình số phận của toàn thế giới.

“Một quốc gia có thể triển khai kỹ thuật đó để cải thiện khí hậu và giảm nhiệt độ ở khu vực địa phương, hoặc vũ khí hóa nó để chống lại kẻ thù”, Sherri Goodman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Wilson, nhận định.

“Nó có thể trở thành mối đe dọa theo cách gây sợ hãi hoặc hoảng loạn trong dân chúng”, bà nhấn mạnh.

Giai phap khi hau anh 2

Địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời nhằm mục đích hạ nhiệt độ trên Trái Đất, bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại để giảm ánh sáng Mặt Trời. Ảnh: Reuters.

Vấn đề địa chính trị

Cho đến nay, Mỹ đang dẫn đầu về nghiên cứu, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác cũng đang tìm hiểu về kỹ thuật này.

Việc thiếu sự phối hợp toàn cầu về địa kỹ thuật dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về rủi ro đến từ bất đồng.

Đánh giá Tình báo Quốc gia Mỹ từ năm 2021 cảnh báo việc thiếu quy định đồng nghĩa “các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước sẽ độc lập phát triển hoặc triển khai công nghệ, có thể ngấm ngầm,… dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột nếu những quốc gia khác đổ lỗi cho họ về thảm họa thời tiết được cho là do địa kỹ thuật gây ra”.

“Đó là một thùng thuốc súng”, Janos Pasztor, quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc, nhận định.

Địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể dẫn đến “các vấn đề đạo đức cùng xã hội tiềm ẩn xoay quanh sự chấp thuận của công chúng và có khả năng gây ra xung đột quốc tế”, Ajay K. Sood, cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ, phát biểu tại hội nghị tập trung vào khí hậu ở New Delhi trong tháng 2.

Theo ông, công nghệ này có thể sẽ tập trung quyền lực vào các nước giàu hoặc các chủ thể phi nhà nước ở phía bắc toàn cầu.

Ông cũng nhận định ở phía nam toàn cầu, địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời “có vẻ hấp dẫn trong bối cảnh hậu quả khí hậu thảm khốc mà chúng ta phải đối mặt”.

Dù vậy, một số người cho rằng ngay cả những nghiên cứu cơ bản như thử nghiệm quy mô nhỏ ngoài trời cũng có thể gây tranh cãi ở một số khu vực, chưa nói đến việc triển khai toàn diện.

“Ở những khu vực nhiều vấn đề như của chúng tôi, các quy định thử nghiệm sẽ cần phải được phối hợp và giám sát chung. Điều này trở thành bất khả thi trong điều kiện hoàn cảnh bị chia rẽ và phân cực cao như môi trường giữa Pakistan và Ấn Độ”, Malik Amin Aslam, cựu bộ trưởng Pakistan về biến đổi khí hậu, cho biết.

Giai phap khi hau anh 3

Các vết nứt được nhìn thấy trên con đập thành phố khô cạn ở Graaff-Reinet, Nam Phi, vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Cách thức hoạt động

Các nhà khoa học cho biết công nghệ cần thiết để xâm nhập bầu khí quyển không phức tạp. Máy bay sẽ phun sulfur lên bầu trời ở độ cao lớn.

Nếu thực hiện đúng, nó sẽ ngưng tụ lại, phản xạ một phần tia Mặt Trời và che chắn Trái Đất.

Kế hoạch này bắt chước hiệu ứng làm mát xảy ra sau vụ phun trào núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991.

Khi bay tới tầng bình lưu của khí quyển, tro bụi có thể gây nên tác động ngắn hạn đối với khí hậu Trái Đất vì nó chặn một phần ánh sáng Mặt Trời khiến nhiệt độ trên mặt đất giảm. Theo BBC, hoạt động của núi lửa Pinatubo khiến nhiệt độ trung bình Trái Đất giảm từ 0,4 tới 0,5 độ C.

“Ngày càng thấy rõ việc đưa nhiều sol khí (aerosols) vào tầng bình lưu có thể làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu”, Chris Field, Giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods, cho biết.

“Chúng ta cần cởi mở để nhận ra rằng một số phương pháp tiếp cận đầy nhược điểm vẫn có thể đáng được xem xét”, ông nói.

Trong trường hợp không có sự đồng thuận toàn cầu, một số nhóm tư nhân đang tự giải quyết vấn đề.

Công ty Making Sunsets tuyên bố vào cuối năm ngoái, họ đã thả một số quả bóng bay chứa đầy hợp chất có thể phản chiếu ánh sáng Mặt Trời vào bầu khí quyển.

Hành động này được thực hiện ở Mexico, gây ra phản ứng dữ dội và chính phủ Mexico đã cấm thử nghiệm vào tháng trước.

Hầu hết hoạt động địa kỹ thuật cho đến nay vẫn chỉ diễn ra bên trong các mô hình máy tính hoặc phòng thí nghiệm.

Trung Quốc đã phát triển một chương trình địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh trong phần lớn thập kỷ qua, nhưng dường như chương trình này chưa được thử nghiệm ngoài trời.

Rủi ro

Một số nhà khoa học nhận định việc triển khai địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể dẫn đến những rủi ro đáng kể.

Giai phap khi hau anh 4

Địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời hứa hẹn sẽ giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng nó có thể gây ra xung đột khi thiếu sự kiểm soát quốc tế. Ảnh: Reuters.

Sự thay đổi đối với bầu khí quyển sẽ làm thay đổi mô hình thời tiết và tạo ra hạn hán. Mặt Trời ít gay gắt hơn có thể làm giảm năng suất cây trồng và dẫn đến nạn đói.

Ngoài ra, một số người lo ngại nhiệt độ có thể tích tụ bên ngoài lớp sulfur dioxide. Do đó, nếu ngừng phun, nó có thể gây ra một đợt nắng nóng thảm khốc trên toàn thế giới.

Một số chuyên gia về khí hậu cũng lo lắng các quốc gia, tổ chức có thể sử dụng kỹ thuật này để trì hoãn việc cắt giảm lượng khí thải cần thiết nhằm khắc phục gốc rễ của vấn đề.

Đặc biệt, kỹ thuật này có thể trở nên phức tạp hơn về mặt ngoại giao bởi phạm vi không chỉ dừng trên một quốc gia. Thay vào đó, nó lan rộng trên toàn cầu. Chẳng hạn, các quyết định của Bắc Kinh có thể gây ra hậu quả về khí hậu ở Mỹ, và ngược lại.

“Tôi có thể thấy điều này sẽ dẫn đến sai lầm vào một thời điểm nào đó”, Elizabeth Chalecki, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nebraska Omaha, người đã nghiên cứu về sự giao thoa giữa các vấn đề khí hậu và an ninh, cho biết.

“Bạn thậm chí không thể quản lý lượng khí thải carbon. Làm thế nào bạn sẽ quản lý một công nghệ có thể thay đổi điều kiện sống của cả hành tinh?”, bà nói.

Các nhà nghiên cứu ở Nam Á cho hay có thể dễ dàng hình dung ra bất đồng xuyên biên giới về địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời, đặc biệt là khi sự hợp tác về một số vấn đề rất mong manh.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có chung hệ thống sông nhưng không phải lúc nào họ cũng cung cấp cho nhau dữ liệu về lượng mưa và mực nước sông cần thiết để dự đoán, chuẩn bị cho lũ lụt.

Vì địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể thay đổi các kiểu thời tiết, nó có thể khiến việc dự đoán lượng mưa trở nên khó khăn hơn, Mohammed Abu Syed, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp Bangladesh, cho biết.

Theo ông, có rất ít sự tin tưởng xuyên biên giới.

Ông cho hay việc một quốc gia triển khai chương trình địa kỹ thuật “sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chế độ thủy văn của Nam Á”, các vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn của Bangladesh có thể phải chịu ảnh hưởng của thời tiết mới và khó lường.

Nếu địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời để lại những hậu quả tiêu cực, “chúng tôi sẽ là người phải chịu đựng điều này nhiều nhất”, ông nói.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

'Vũ khí' bí mật giúp chống lại biến đổi khí hậu

Voi, rái cá và cá voi có một điểm chung. Đó là tất cả đều làm tăng lượng carbon có thể được lưu trữ trong hệ sinh thái của chúng. 

Bộ đồ nhím Sonic cháy lột tả nắng nóng như lò lửa ở Tây Ban Nha

Những người làm việc ngoài trời ở Madrid phải vật lộn khi Tây Ban Nha ghi nhận tháng 4 nóng nhất và khô hạn nhất.

Minh An

Bạn có thể quan tâm