Để tìm hiểu thêm về mức độ lan rộng của hiện tượng này, công ty tư vấn Shikigaku tiến hành cuộc khảo sát với 300 người từng làm việc tại các doanh nghiệp có hơn 300 nhân sự và hỏi liệu ở đó tồn tại một “đồng nghiệp già không làm gì hay không”, theo Japan Today.
Đối tượng được thăm dò là người lao động trong độ tuổi 20-39. Họ đưa ra ý kiến về các “ojisan” (từ tiếng Nhật để gọi người lớn hơn nhiều tuổi) từ 40 tuổi trở lên.
Khi được hỏi “Có nhân viên lớn tuổi nào mà không làm gì ở công ty bạn không?”, 49,2% trả lời có.
Trong số này, câu hỏi tiếp theo là “Nếu không làm việc thì họ làm gì?”.
“Thường xuyên giải lao để hút thuốc và ăn vặt” là ý kiến phổ biến nhất (49,7%). “Nhìn chằm chằm vào khoảng không” đứng thứ 2 (47,7%), tiếp theo là “tán gẫu” với đồng nghiệp rảnh rỗi (47,3%). “Lướt Internet” đứng thứ 4 với 35,3%.
Nhiều công ty ở Nhật vẫn tăng lương dựa trên thâm niên hơn là năng suất làm việc nên một số nhân viên lớn tuổi chọn lười biếng. Ảnh: Pakutaso. |
Shikigaku cố gắng tìm hiểu lý do những nhân viên lâu năm lại chọn cuộc sống lười biếng.
Giả thuyết phổ biến nhất, từ 45% đối tượng khảo sát, là những người này chỉ đơn giản là không muốn làm việc. Phỏng đoán phổ biến thứ 2 (41%) là công ty tăng lương dựa trên thâm niên hơn là năng suất làm việc. Tiếp theo, 26,3% cho rằng không ai đủ tin tưởng để giao việc cho nhân viên lớn tuổi.
Các câu trả lời khác chủ yếu phàn nàn về việc công ty không có hình thức phạt và răn đe đủ mạnh để thúc đẩy nhóm nhân viên “già và không làm gì” cố gắng hơn. Họ đề xuất thang đánh giá nhân viên và chính sách rõ ràng hơn về cơ sở cho việc sa thải.
Những người được hỏi chắc chắn muốn các đồng nghiệp nhàn rỗi chăm chỉ hơn. Bởi lẽ, 90% nói rằng họ có ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc. Trong đó, sự suy giảm về tinh thần được báo cáo là 59,7%, gia tăng khối lượng công việc cho người khác (47,3%) và gánh nặng đối với công ty về chi phí lao động (35,3%).