Một người dùng mạng xã hội Trung Quốc có tên Rongrong đã vạch trần hoạt động team building nguy hiểm của công ty.
Cụ thể, doanh nghiệp của cô yêu cầu nhân sự đưa que lửa vào miệng, cho rằng thử thách này góp phần gia tăng sự tự tin, giúp người lao động vượt qua nỗi sợ hãi, sẵn sàng đương đầu với thử thách.
Sau khi Rong Rong đăng tải bài viết này lên mạng xã hội, công ty trên ngay lập tức nhận về sự chỉ trích trực tuyến, thậm chí có nguy cơ vi phạm pháp luật, theo SCMP.
‘Chỉ người chuyên nghiệp mới có thể nuốt lửa’
Đây là trò biểu diễn thường thấy trong các chương trình xiếc, ảo thuật, hoạt động dựa trên nguyên lý cắt đứt nguồn oxy nhanh chóng để dập tắt ngọn lửa.
“Người trình diễn phải kiểm soát hơi thở, giữ ẩm miệng và tính toán thời gian ngậm miệng lại một cách chính xác. Chỉ những người chuyên nghiệp, được đào tạo mới có thể thực hiện một cách an toàn”, một người dùng mạng xã hội bình luận.
Rong Rong cho biết không muốn tham gia, nhưng bị buộc phải thử vì sợ mất việc.
Theo hãng truyền thông Xiaoxiang Morning News, công ty của Rong Rong là một tổ chức giáo dục có trụ sở ở Liêu Ninh (Trung Quốc). Đây cũng là nơi cô gắn bó chưa đầy một năm.
Nhân sự công ty bị yêu cầu thực hiện màn nuốt lửa trong chuyến team building. Ảnh: Weibo. |
Rong Rong chia sẻ rằng chuyến team building của công ty kéo dài 2 ngày 1 đêm, bao gồm 60 nhân sự, được chia thành 6 nhóm để tham gia các hoạt động.
“Mục đích chính của những trò chơi, hoạt động này là thể hiện quyết tâm chiến thắng và mong muốn kiếm tiền của nhân sự với ban lãnh đạo công ty”, cô nói.
Tuy nhiên, công ty của Rong Rong không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc sử dụng trò nuốt lửa trong hoạt động team building.
Renzhong, một công ty tổ chức team building ở miền đông Trung Quốc, tuyên bố trên website rằng các huấn luyện viên sẽ đào tạo nhân viên kỹ năng cần thiết để thực hiện màn nuốt lửa, đồng thời cung cấp thiết bị phòng chống cháy nổ tại chỗ.
Từ phía nhân sự, Rong Rong cảm thấy sợ hãi và bị xúc phạm. “Tôi thấy hoạt động này hạ thấp nhân phẩm mình”, cô viết trên mạng xã hội.
Nhân sự này cho biết sự kiện trên đã vi phạm luật lao động, dự định nộp đơn khiếu nại lên chính quyền. Công ty của Rong Rong vẫn chưa phản hồi cáo buộc này.
Sự việc tương tự
Theo luật Trung Quốc, các công ty xâm phạm quyền của nhân viên một cách vô lý có thể bị cảnh cáo và nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chen Pingfan, một luật sư của Công ty luật Hunan Furong, đã kêu gọi nhân sự này sử dụng sự hỗ trợ pháp lý, đồng thời đưa tin trên các phương tiện truyền thông, tố cáo hành vi thiếu tôn trọng tại nơi làm việc.
Sự kiện trên nhanh chóng trở thành chủ đề được quan tâm, bàn luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Các bài đăng liên quan đến vụ việc thu hút 7,2 triệu lượt xem.
Hoạt động team building ở một số doanh nghiệp Trung Quốc bị chỉ trích là vi phạm quyền của người lao động. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels. |
Phần lớn người dùng cho rằng đây là hoạt động kiểm tra sự vâng lời một cách trá hình, đồng thời thúc giục Rong Rong nhanh chóng nghỉ việc.
“Ở công việc trước, tôi và đồng nghiệp phải đứng ở vị trí cao hơn 2 m, nhắm mắt lại và ngã ngửa ra sau, tin tưởng rằng đồng nghiệp sẽ đỡ mình. Một cô gái không được đỡ và rơi tự do xuống đất. Tôi sợ hãi đến mức phát khóc”, một người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân tương tự.
Ngay sau đó, hàng loạt hành vi đối xử khắc nghiệt với nhân sự trong hoạt động team building trên khắp Trung Quốc được nhắc lại.
Vào tháng 1, một công ty ở Quý Châu (Trung Quốc) cũng bắt những nhân sự thua cuộc trong một trò chơi phải bò dọc theo đường phố vào đêm khuya.
Năm 2016, một doanh nghiệp có trụ sở tại Nam Kinh (Trung Quốc) cũng yêu cầu nhân viên hôn thùng rác và ôm người lạ ở nơi công cộng, coi đây là hoạt động rèn luyện sự dũng cảm.
AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.