Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Công ty Việt muốn đào tạo AI 'ngon bổ rẻ' nhưng kỳ vọng cao

Nhiều doanh nghiệp Việt muốn đào tạo AI với ngân sách thấp nhưng kỳ vọng cao, yêu cầu giáo trình phức tạp như bậc cao đẳng chỉ trong thời gian ngắn, khiến chuyên gia khó đáp ứng.

Lê Dũng, cố vấn cấp cao của công ty công nghệ ZTO Labs, nhận thấy nhu cầu học, tìm hiểu về GenAI (viết tắt của Generative AI - “AI tạo sinh”) của các doanh nghiệp tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong 2 năm gần đây.

Năm 2022, thời điểm ChatGPT ra đời, trở thành một cột mốc đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ. Từ đó, nhiều công ty bắt đầu tổ chức các chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo cho cán bộ, nhân viên. Anh nhận được nhiều lời mời đứng lớp, giảng dạy, thiết kế và tư vấn khóa học trong những năm gần đây.

Tương tự, Trung Nguyễn, nhà sáng lập Snapcut.ai, cũng đứng lớp và đào tạo AI cho hơn 1.000 cá nhân và khoảng 15 công ty ở các quy mô khác nhau. Những con số này phần nào chứng minh sự đổ bộ của “làn sóng” trí tuệ nhân tạo, dẫn đến nỗi lo bị bỏ lại phía sau của người lao động và doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù có nhiều cơ hội tổ chức khóa học AI cho các công ty, một số chuyên gia cũng nhận thấy khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu lớn với chi phí tiết kiệm của doanh nghiệp.

Từ phía công ty, chi phí tổ chức chương trình đào tạo được xem như một khoản đầu tư, cần tạo ra kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, một số lãnh đạo cũng hiểu rằng cần giảm mức độ kỳ vọng và làm việc chặt chẽ hơn với đội ngũ giảng dạy để tối ưu hoá số tiền bỏ ra.

dao tao AI doanh nghiep, khoa hoc AI cong ty, ung dung AI doanh nghiep, chuyen gia AI Viet Nam, chi phi dao tao AI,  AI tao sinh, khoa hoc ChatGPT doanh nghiep,  toi uu hoa AI anh 1

Các chuyên gia giảng dạy AI cho doanh nghiệp gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu lớn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Không dễ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Trung Nguyễn cho biết gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng, phát triển khóa học AI cho các công ty. Phần lớn khó khăn đến từ sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế của các chương trình đào tạo.

Thứ nhất, để ứng dụng AI vào các tác vụ bình thường như làm slide, sáng tạo hình ảnh, viết concept hay xây dựng ý tưởng, nhân sự cần tham gia nhiều khóa học, bao gồm AI cơ bản, tạo prompt, viết nội dung, thiết kế hình ảnh và tự động hoá để tăng năng suất.

Người lao động không thể thành thạo tất cả kỹ năng trên chỉ sau một chương trình bồi dưỡng ngắn.

“Tôi từng nhận yêu cầu đào tạo phức tạp đến mức có thể soạn thành một chương trình cao đẳng”, Trung Nguyễn chia sẻ.

dao tao AI doanh nghiep, khoa hoc AI cong ty, ung dung AI doanh nghiep, chuyen gia AI Viet Nam, chi phi dao tao AI,  AI tao sinh, khoa hoc ChatGPT doanh nghiep,  toi uu hoa AI anh 2

Trung Nguyễn chỉ ra những khó khăn của việc đào tạo, giảng dạy AI cho doanh nghiệp.

Thứ hai, những chuyên gia như anh chỉ có kiến thức về AI, không thể hiểu về doanh nghiệp, công việc như đội ngũ lãnh đạo và nhân sự. Anh cho biết từng tư vấn cho một công ty kế toán, nhưng không nắm rõ về lĩnh vực này, vì thế tốn nhiều ngày để trao đổi.

Hơn nữa, sau khi trao đổi, chuyên gia có thể tư vấn ứng dụng AI vào giải quyết khoảng 3/10 đầu việc. Tuy nhiên, trên thực tế, cả người giảng dạy và doanh nghiệp phải thử nghiệm các mô hình, vừa triển khai vừa sửa chữa mới có thể hoàn thiện. Như vậy, đây là một quá trình dài hơi, tốn nhiều thời gian thực hiện, không phải chuyện “ngày một, ngày hai”.

Thứ ba, các chuyên gia không thể giỏi về tất cả khía cạnh trong AI. Ví dụ, Trung Nguyễn tự nhận có thế mạnh trong nội dung, nhưng không giỏi về hình ảnh. Vì thế, anh khó đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra ở dạng hình ảnh, không dám truyền tải kiến thức về lĩnh vực này.

Cuối cùng, anh cho biết một số lãnh đạo cấp cao ở các công ty không nắm rõ các đầu việc, tác vụ thực tế của nhân sự, dẫn đến cung cấp thông tin thiếu. Các quản lý và nhân viên mới là những người trực tiếp thực hiện công việc, có khả năng trao đổi một cách đầy đủ hơn.

Đồng tình với Trung Nguyễn, Lê Dũng cũng nhận thấy những thách thức khi giảng dạy về AI cho các công ty. Trong khi học viên cá nhân nhân thường tham gia khóa học để “cho vui, cho biết”, khách hàng doanh nghiệp lại mong đợi nhân sự học xong ứng dụng ngay, sớm tạo ra tiền.

Đối với các công ty lớn, có nhiều phòng ban, bộ phận, bức tranh công việc và nghiệp vụ trở nên đa dạng. Nhân sự nào cũng cho rằng phần việc của mình quan trọng, cần chú trọng.

Song, doanh nghiệp thường tiết kiệm chi phí bằng cách tổ chức chương trình đào tạo ngắn ngày, khó đáp ứng nhu cầu của tất cả học viên.

Hơn nữa, Lê Dũng cũng nhận thấy trình độ học vấn, chuyên môn và hiểu biết về AI của mỗi người tương đối khác nhau. Vì thế, nội dung đơn giản với người này có thể được xem là “khó nhằm” đối với người khác. Việc xây dựng giáo trình do đó không dễ dàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có xu hướng tổ chức lớp học quy mô lớn, với số lượng học viên lên đến hàng trăm, hàng nghìn người, dẫn đến tình trạng người học ít có cơ hội tương tác với giảng viên. Chuyên gia cũng không thể theo dõi sát sao quá trình học tập.

Các công ty có nhiều chi nhánh, cơ sở ở các tỉnh thành khác nhau cũng phải thực hiện chương trình đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Hình thức học tập kết hợp này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giảng dạy của chuyên gia và khả năng tiếp nhận kiến thức của học viên. Sự hạn chế đối với những người học ở xa là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục khó khăn, Lê Dũng cho biết sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đội ngũ giảng dạy đặc biệt cần thiết. Các công ty cần cung cấp tài liệu, trao đổi trực tiếp với giảng viên để đánh giá về sự thiết yếu của việc trang bị kiến thức AI cho nhân sự ở các bộ phận khác nhau.

Ví dụ, đối với doanh nghiệp sản xuất có phần lớn người lao động là công nhân đứng máy, việc đào tạo cho toàn bộ nhân sự là điều không cần thiết, gây lãng phí.

dao tao AI doanh nghiep, khoa hoc AI cong ty, ung dung AI doanh nghiep, chuyen gia AI Viet Nam, chi phi dao tao AI,  AI tao sinh, khoa hoc ChatGPT doanh nghiep,  toi uu hoa AI anh 3

Lê Dũng đưa ra phương án khắc phục khó khăn trong quá trình đào tạo AI cho các công ty. Ảnh: Việt Linh.

Tiếp theo, ban lãnh đạo công ty, dựa trên sự tư vấn, cần đưa ra lựa chọn về những nghiệp vụ có khả năng thay đổi, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi ứng dụng AI. Từ đó, việc lựa chọn đối tượng và xây dựng chương trình đào tạo sẽ trở nên dễ dàng hơn.

“Các công ty cũng cần có mức độ kỳ vọng tương ứng với thời lượng và nhân sự của khóa học”, Lê Dũng khẳng định.

Mặc dù việc tiếp cận AI không khó, khả năng sử dụng thành thạo và ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào quy trình tự động hóa lại đòi hỏi thời gian dài. Theo Lê Dũng, mục tiêu của các chương đào tạo nên là xây dựng thói quen sử dụng AI, giúp người lao động không còn ái ngại khi ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công việc.

Vì thế, chương trình đào tạo hiệu quả nên tập trung truyền đạt kiến thức cơ bản như viết prompt, tạo agent, tránh sa đà vào kỹ thuật chi tiết, giúp học viên dễ dàng tiếp cận, hướng đến thay đổi tư duy.

Trong khi đó, Trung Nguyễn lại khẳng định tầm quan trọng của việc tìm đúng chuyên gia đối với doanh nghiệp. Những giảng viên có hiểu biết trong khía cạnh, kỹ năng mà nhân sự của công ty cần mới có thể cung cấp kiến thức phù hợp.

Ngoài ra, bên cạnh lãnh đạo cấp cao, quản lý và nhân viên nên làm việc trực tiếp với chuyên gia, tham gia tổ chức triển khai. Họ mới là những đối tượng nắm rõ công việc, tác vụ hàng ngày.

Quá trình làm việc với chuyên gia cũng phải kéo dài, giúp người đào tạo hiểu hơn về doanh nghiệp, lĩnh vực, từ đó mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Doanh nghiệp tìm cách tối ưu hóa chi phí

Từ phía doanh nghiệp, phó giám đốc Minh Tuấn (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết công ty truyền thông quy mô nhỏ của anh nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc đào tạo AI trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, từng chi trả 100 triệu đồng cho 35 nhân sự tham gia một khóa học.

Đối với một đơn vị kinh doanh, chi phí dành cho các chương trình bồi dưỡng được xem như khoản đầu tư, cần đem lại hiệu quả rõ ràng, có thể đo lường. Nếu nhân sự không thể ứng dụng AI vào quy trình xử lý các đầu việc hàng ngày, gia tăng năng suất làm việc sau khóa học, cả ban lãnh đạo và đội ngũ giảng dạy đều thất bại.

dao tao AI doanh nghiep, khoa hoc AI cong ty, ung dung AI doanh nghiep, chuyen gia AI Viet Nam, chi phi dao tao AI,  AI tao sinh, khoa hoc ChatGPT doanh nghiep,  toi uu hoa AI anh 4

Lãnh đạo, nhân sự của doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với đội ngũ cung cấp chương trình đào tạo để đạt hiệu quả tối đa. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Trên thực tế, doanh nghiệp của Tuấn đã thất bại khi tổ chức khóa học đầu tiên. Ban đầu, phó giám đốc này ủy quyền hoàn toàn cho đơn vị cung cấp khóa học quyết định chương trình, kế hoạch giảng dạy. Kết quả cuối cùng không như mong đợi khiến Minh Tuấn nhận ra lỗ hổng của phương án trên.

“Tôi và nhân sự mới là những người hiểu rõ về lĩnh vực, tác vụ hàng ngày. Muốn tối ưu hoá chi phí bỏ ra, cả lãnh đạo và nhân viên phải tham gia vào quá trình xây dựng chương trình học. Mọi sự lơ là đều phải trả giá bằng tiền”, Tuấn nhận định.

Bên cạnh việc trực tiếp đánh giá, chỉnh sửa giáo trình trước khi khóa học tiếp theo diễn ra, anh dự định lấy ý kiến từ phía nhân sự, xem xét nhu cầu của người lao động. Thậm chí, Minh Tuấn sẽ yêu cầu một số nhân viên ở các bộ phận, phòng ban khác nhau góp ý về chương trình đào tạo, nhằm đưa ra hướng triển khai phù hợp, thực tế nhất.

Ngoài ra, Tuấn cũng chủ động hạ thấp mức độ kỳ vọng của cấp dưới vào khóa học. Anh thẳng thắn cho biết nguồn lực của doanh nghiệp có hạn, chỉ có thể cung cấp chương trình đào tạo cơ bản, ngắn ngày.

Nhân sự muốn tìm hiểu sâu, ứng dụng thành thạo cần chủ động hơn, xem sự hỗ trợ ban đầu của công ty là bước đệm, tránh kỳ vọng rồi thất vọng.

Sai lầm trị giá 100 triệu đồng của công ty TP.HCM khi học AI

Khi AI thành xu hướng, một doanh nghiệp TP.HCM chi 100 triệu đồng đào tạo nhân sự, nhưng lãng phí nguồn lực do thiếu định hướng. Song, một số khác tăng hiệu suất rõ rệt.

AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.

Vo mong nhay viec hinh anh

Vỡ mộng nhảy việc

0

Nhảy việc giờ không còn là con đường tắt giúp tăng lương nhanh cho Gen Z. Thị trường lao động hạ nhiệt khiến khoảng cách thu nhập giữa người ở lại và chuyển việc thu hẹp.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm