Nghề chăm sóc gấu trúc tại Trung Quốc đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn. Ảnh minh họa: China Daily. |
Chia sẻ với Modern Express, đại diện khu du lịch sinh thái cho biết việc tuyển chọn nhân viên luôn gây khó khăn bởi không tìm được đội ngũ đủ kiến thức và kỹ năng.
Theo vị quản lý, nhiều người tin rằng chăm sóc gấu trúc chỉ đơn giản là cho ăn và chơi cùng chúng. Thực tế, công việc này có tiêu chuẩn cao về độ chuyên nghiệp, tính cách và kỹ năng quan sát.
“Chẳng hạn, bạn phải cân phân mỗi ngày hay quan sát diễn biến tâm trạng của chúng. Bên cạnh đó, nhân viên phải biết cách phát tre cho gấu, cụ thể là rải xung quanh khu vực chính và phải để cây đứng thẳng.
Chưa kể, đòi hỏi chuyên môn cho vị trí trên quá khắt khe. Chúng tôi chưa tìm được ứng cử viên sáng giá nào, dù đã đăng tin từ khá lâu”, ông nói, đồng thời khẳng định người chăm sóc đàn gấu phải có bằng cấp về chăn nuôi và thú y theo quy định.
Sau khi được công bố rộng rãi, thông tin này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên nhiều mạng xã hội tại xứ tỷ dân. Nhiều người cho rằng ban quản lý khu bảo tồn chỉ đang “làm quá vấn đề”.
Người trông coi gấu trúc phải luôn chú ý đến trạng thái cảm xúc của chúng. Ảnh minh họa: National Geographic Kids. |
“Tôi nghĩ sở thú nên coi trọng tình yêu và sự kiên nhẫn của người chăm sóc gấu trúc, hơn là bằng cấp học thuật của anh ta”, một tài khoản bình luận.
“Dường như đây là công việc khó khăn nhất trên đời. Những yêu cầu đó khiến không ít ứng viên sáng giá phải đắn đo”, người khác bày tỏ ý kiến.
Ma Tao, người đã có hơn 30 năm chăm sóc gấu trúc khổng lồ sở thú Bắc Kinh, cho biết công việc mình theo đuổi quả thực có nhiều đòi hỏi khắt khe.
“Động vật không biết nói. Để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt cho đàn gấu, nhân sự vườn thú phải liên tục giữ tập trung. Tương tác thường xuyên là điều kiện bắt buộc. Chỉ có như vậy, chúng mới tin tưởng và cho phép bạn đến gần hơn. Từ tiếng kêu và hành động, tôi cảm nhận rõ trạng thái của gấu: sợ hãi, cảnh giác hay thoải mái”, Ma nói với tờ Shanghai Morning Post.
Song, Ma cho biết có nhiều rủi ro khi ở gần loài động vật mang vẻ ngoài đáng yêu này. Cụ thể, bức ảnh chú gấu ôm chân một người quản lý động vật khiến nhiều cư dân mạng thích thú. Vấn đề nằm ở chỗ, động vật hoang dã có thể cắn và khiến bất kỳ ai bị thương.
Theo Cục quản lý đồng cỏ và lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, 673 con gấu trúc hiện sống trong điều kiện nuôi nhốt trên khắp thế giới. Hầu hết đều có nguồn gốc từ xứ tỷ dân.. Các chuyên gia nước này ước tính số lượng gấu trúc khổng lồ sống trong tự nhiên đang rơi vào khoảng 1.800 con.
Trong khi đó, khu cảnh quan tre núi Nam Sơn đã phân bổ một khu vực rộng 1.000 m2 cho cơ sở nuôi gấu trúc. Tuy nhiên, họ không công bố số lượng cá thể đang nuôi nhốt tại đây.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.