Theo báo cáo của tổ chức Oxfam, đến tháng 3/2021, lợi nhuận từ dược phẩm, thiết bị y tế và dịch vụ cần thiết để phản ứng với dịch Covid-19 đã biến 20 người trở thành tỷ phú mới.
Trong khi đó, tình trạng phong tỏa và kinh tế trì trệ đã phá hủy kế sinh nhai của hàng trăm triệu người khác, Guardian đưa tin.
Ông Li Jianquan, một trong những tỷ phú mới nổi trong đại dịch. Ảnh: EY. |
Khoảng cách giàu nghèo gia tăng
Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Nhật Bản, các tỷ phú mới xuất hiện, bao gồm Li Jianquan, chủ tịch công ty Winner Medical chuyên cung cấp trang phục bảo hộ PPE cho nhân viên y tế, và Dai Lizhong, chủ tịch công ty Sansure Biotech chuyên sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.
Tổng số tỷ phú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gần 33%, từ 803 người (tháng 3/2020) lên 1.087 người (tháng 11/2021). Đồng thời, tổng tài sản của họ tăng 74%.
“Thật tức giận và không thể chấp nhận được khi những người nghèo châu Á bị bỏ mặc trong đại dịch, phải đối mặt với vô số nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, làn sóng thất nghiệp, nạn đói và bị đẩy đến cảnh túng thiếu.
Thực trạng này đã xóa bỏ những thành quả đạt được trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo suốt nhiều thập kỷ qua”, Mustafa Talpur, lãnh đạo các chiến dịch tại Oxfam châu Á, cho biết.
“Trong khi những người giàu có và có đặc quyền tiếp tục gia tăng khối tài sản và bảo vệ sức khỏe của mình, nhóm người nghèo châu Á, phụ nữ, người lao động trình độ thấp, người di cư và các nhóm yếu thế khác đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông nói thêm.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ước tính khoảng 81 triệu việc làm biến mất vào năm 2020. Thời gian làm việc bị giảm đã đẩy thêm 22-25 triệu người lao động vào cảnh nghèo đói.
Trong khi đó, các tỷ phú khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến khối tài sản của họ tăng thêm 1,46 nghìn tỷ USD, đủ để trả mức lương gần 10.000 USD cho tất cả người bị thất nghiệp.
Cư dân khu ổ chuột ở Tondo (Manila, Philippines) trong thời điểm phong tỏa hồi đầu tháng 5/2020. Ảnh: Eloisa Lopez/Reuters. |
Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người ở châu Á, và sẽ còn nhiều trường hợp tử vong nữa do hậu quả của nghèo đói gia tăng và gián đoạn dịch vụ y tế.
Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với nhiều nguy cơ bị mất việc làm hoặc thu nhập hơn. Phụ nữ cũng có khả năng phải làm việc ở các vị trí tuyến đầu chống dịch, khiến họ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phụ nữ chiếm hơn 70% nhân viên y tế và 80% y tá.
Tại Nam Á, những người xuất thân từ các tầng lớp xã hội thấp hơn thường làm công việc vệ sinh mà không có thiết bị bảo hộ. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và phân biệt đối xử, khiến họ không thể tiếp cận các dịch vụ y tế. Oxfam cho biết đại dịch thậm chí càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Credit Suisse dự báo đến năm 2025, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thêm 42.000 người sở hữu khối tài sản hơn 50 triệu USD và 99.000 tỷ phú. Dự kiến, số lượng triệu phú đến năm 2025 là 15,3 triệu người, tăng 58% so với năm 2020.
Cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều cho rằng đại dịch sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể trong bất bình đẳng kinh tế toàn cầu.
“Hệ thống chính trị đang bảo vệ lợi ích của giới tinh hoa nhỏ bé. Nhiều chính phủ liên tục thất bại trong việc phục vụ cho nhóm đa số trong đại dịch. Đây là thời điểm cần sự đoàn kết toàn cầu, nhưng các nước giàu có và những tập đoàn dược phẩm lớn đã ngoảnh mặt làm ngơ”, ông Talpur cho biết.
Người dân ở Jarkata bịt kín khẩu trang khi ra đường hồi tháng 6/2020. Ảnh: Ajeng Dinar Ulfiana/Reuters. |