Ngày 9/1, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, chia sẻ bài đăng chúc mừng một cặp vợ chồng trẻ đăng ký kết hôn trên Weibo cùng với thông điệp: “Vậy là thế hệ sinh sau năm 2000 đã đủ tuổi hợp pháp để cưới rồi”.
Tuy nhiên, người dùng mạng tỏ ra không hào hứng với bài đăng của hãng thông tấn.
Nhiều người coi đó chỉ như phương tiện gây áp lực cho Gen Z Trung Quốc, buộc họ phải sớm tổ chức đám cưới trong bối cảnh tỷ lệ sinh đẻ và kết hôn của quốc gia này giảm đáng kể, theo Sixth Tone.
“Là một sinh viên 19 tuổi, tôi vẫn còn đang lo lắng liệu mình có trượt kỳ kiểm tra nào không”, một tài khoản để lại bình luận dưới bài đăng của Tân Hoa Xã.
"Có phải hãng thông tấn đang gián tiếp thúc giục những bạn trẻ sinh sau năm 2000 kết hôn? Hãy để họ yên. Họ vẫn chỉ là những đứa trẻ thôi. Hơn nữa, tỷ lệ kết hôn của thế hệ mới sẽ chỉ đi xuống", người khác bình luận.
Các cặp vợ chồng trong một đám cưới tập thể được tổ chức ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang vào ngày 22/9/2019. Ảnh: Zhu Jun/People Visual. |
Luật pháp Trung Quốc quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp đối với nam và nữ tương ứng là 22 và 20. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ tập trung vào sự nghiệp, có suy nghĩ tự do và không sẵn sàng lập gia đình.
Một cuộc khảo sát quốc gia với 2.905 thanh niên thành thị từ 18 đến 26 tuổi chưa lập gia đình vào năm ngoái chỉ ra rằng khoảng 44% phụ nữ cho biết họ không có kế hoạch kết hôn, so với 25% nam giới ủng hộ việc yêu đương.
Năm 2020, chỉ 8,1 triệu cặp vợ chồng ở Trung Quốc kết hôn, ước tính giảm 40% so với mức cao điểm vào năm 2013. Số lượng cặp đăng ký kết hôn đạt mức thấp nhất trong 17 năm, theo số liệu chính thức.
Giới chức cũng đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1978, trong khi dân số già tiếp tục tăng.
Các cặp tham dự đám cưới tập thể truyền thống ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào ngày 24/10/2021. Ảnh: People Visual. |
“Tôi luôn giữ tư tưởng cởi mở trong việc kết hôn. Tuy nhiên, giới trẻ không nên chịu áp lực tìm bạn đời ngay khi đủ tuổi kết hôn hợp pháp”, Su Ling, sinh viên 22 tuổi ở Thượng Hải, chia sẻ.
“Hôn nhân giống như điều hành một cơ sở kinh doanh vậy. Thật khó để bạn tìm được người phù hợp cùng bước vào lễ đường”, cô nói.
Nói với Sixth Tone, một cô gái 21 tuổi họ Tang cho biết cô đã bỏ trốn khỏi quê nhà tại tỉnh Vân Nam để không phải lấy chồng và sinh con ở tuổi 17.
Ở một số vùng sâu, vùng xa, các bậc phụ huynh vẫn thúc giục con cái đính hôn sớm. Đến khi đủ tuổi hợp pháp, cặp trẻ mới đi đăng ký kết hôn.
“Nếu ở lại, tôi biết chắc rằng bố mẹ sẽ ép cưới người mà tôi không yêu. Đến giờ, tôi có lẽ đã trở thành một bà mẹ hai con giống như nhiều bạn bè cùng quê”, cô cho biết.