Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

CSGT được dùng vũ lực trong trường hợp nào?

Theo luật sư, CSGT chỉ được sử dụng vũ lực để trấn áp nếu người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ hoặc sử dụng vũ lực, hung khí tấn công người thi hành công vụ.

Thời gian qua, nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại Hà Nội, Đồng Nai, Lào Cai...

Vậy quá trình làm nhiệm vụ, trong trường hợp nào, CSGT được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm?

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp

Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT có các quyền hạn như dừng các phương tiện; kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.

Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong lúc làm nhiệm vụ, CSGT phải giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm pháp luật và có quyền cưỡng chế, yêu cầu họ chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Nếu có hành vi chống đối bằng vũ lực, CSGT được phép bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm và tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của họ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc có hành vi sử dụng vũ khí tấn công CSGT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người chống đối. Việc nổ súng được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ các căn cứ trên, có thể thấy CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, Thông tư 65 không quy định CSGT có quyền tấn công nếu người đi đường chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trường hợp người vi phạm không chấp hành, lực lượng chức năng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Chỉ khi rơi vào tình thế cấp bách, người vi phạm sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ hay các công cụ nguy hiểm để tấn công, chống lại lực lượng chức năng, người thi hành công vụ mới được sử dụng vũ lực, súng hoặc công cụ hỗ trợ khác để trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội. Việc dùng vũ lực phải đảm bảo không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thi hành công vụ cũng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

CSGT có được rút chìa khóa xe của người vi phạm?

Theo luật sư, việc công an rút chìa khóa xe được coi là phù hợp nếu người vi phạm có biểu hiện chống đối, không chấp hành hiệu lệnh hoặc có hành vi vi phạm khác.

Người dân có được quay phim, chụp hình khi CSGT kiểm tra hành chính?

Theo quy định, người dân được ghi âm, ghi hình khi làm việc với công an. Hoạt động giám sát phải không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của công an.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm