Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú lừa từ vụ diễn viên qua đời vì phẫu thuật 12 lần để giống Jimin

Phương tiện truyền thông khắp thế giới đưa tin một người đàn ông đã chết sau khi trải qua nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng thực tế đây có thể chỉ là tin giả được tạo ra bằng AI.

Thông tin nam diễn viên tử vong sau 12 ca phẫu thuật để giống Jimin nhiều khả năng là tin giả.

Thông tin Saint Von Colucci, nam diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ 22 tuổi người Canada gốc Bồ Đào Nha nổi tiếng trong làng giải trí Hàn Quốc, qua đời sau khi phẫu thuật để trông giống ngôi sao Kpop khiến giới truyền thông xôn xao.

Von Colucci được cho đã trải qua 12 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, tiêu tốn hơn 200.000 USD, để giống thành viên BTS Jimin và vượt qua sự phân biệt đối xử "vì ngoại hình quá Tây". Anh cũng được cho đã nhận vai trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc sắp tới.

Tuy nhiên, theo Al Jazeera, Von Colucci nhiều khả năng không phải là người thật.

Hàng loạt bằng chứng cho thấy Von Colucci chỉ là sản phẩm của trò lừa bịp phức tạp sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và hàng chục cơ quan truyền thông, trải dài từ Mỹ, Canada đến Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Philippines, đã bị đánh lừa.

Vụ việc một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của tin giả tinh vi do máy tính, AI tạo ra.

"Thông tin sai lệch được tạo ra với sự trợ giúp của các công cụ AI chắc chắn là điều đáng lo ngại vì chúng sẽ khiến cuộc sống của những fact-checker và nhà báo trở nên khó khăn hơn", Felix M Simon, nhà báo và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Internet Oxford, cho biết.

Rất nhiều điểm đáng nghi vấn

Câu chuyện bắt đầu vào đầu tuần này khi các nhà báo trên khắp thế giới nhận được thông cáo báo chí thông báo rằng Von Colucci đã qua đời tại một bệnh viện ở Seoul vào ngày 23/4.

Thông cáo báo chí, được viết bằng tiếng Anh với nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, được cho là của một cơ quan quan hệ công chúng có tên là HYPE Public Relations.

Nhiều liên kết web trong tài liệu không tải được, bao gồm liên kết đến tài khoản Instagram được cho là của Von Colucci và bệnh viện được đề cập trong thông cáo báo chí không tồn tại.

Trang web của HYPE Public Relations, liệt kê các văn phòng WeWork ở London và Toronto là trụ sở chính, dường như được đăng ký chỉ vài tuần trước khi Von Colucci qua đời.

Khi Al Jazeera cố gắng gọi HYPE Public Relations qua số điện thoại được liệt kê, không ai trả lời. Al Jazeera sau đó đã nhận được một tin nhắn văn bản từ số này với nội dung: "Bạn muốn cái quái gì vậy".

cu lua ai anh 1

Hình được cho là của Von Colucci có nhiều điểm bất thường.

Ngoài thông cáo báo chí, có rất ít bằng chứng cho thấy Von Colucci là người thật.

Mặc dù được mô tả là người viết nhạc cho một số ngôi sao Kpop, Von Colucci không có sự hiện diện đáng kể trên mạng và không ai đứng ra công khai thương tiếc cái chết của anh.

Dấu chân kỹ thuật số (online footprint) còn đặt ra nhiều nghi vấn hơn.

Những bức ảnh của Von Colucci trên mạng đều rất mờ và có những đặc điểm kỳ lạ, bao gồm cả bàn tay bị biến dạng - một dấu hiệu cơ bản nhận biết về việc sử dụng AI tạo hình ảnh.

Phần mềm phát hiện hình ảnh do AI tạo ra, mặc dù có những hạn chế, cho thấy rằng một số ảnh có khả năng cao được sản xuất hoặc chỉnh sửa bằng phần mềm AI.

Các sản phẩm âm nhạc được tuyên bố là của Von Colucci, bao gồm cả album "T1K T0K H1GH SCH00L", không khả dụng trên bất kỳ dịch vụ truyền phát nhạc chính thống nào.

Trong một thông cáo báo chí được phát hành vào năm ngoái, Von Colucci được mô tả là "con trai thứ hai của Geovani Lamas, Giám đốc điều hành của IBG Capital, công ty quỹ phòng hộ hàng đầu châu Âu".

Geovani Lamas không có bất kỳ sự hiện diện chính thức nào trên mạng, trong khi kết quả tìm kiếm hàng đầu cho IBG Capital là một công ty đầu tư ở bang Arizona của Mỹ.

Lan truyền nhanh trên quy mô lớn

Hàng loạt dấu hiệu đáng nghi vẫn không thể ngăn cản các phương tiện truyền thông đổ xô đưa tin về cái chết kỳ lạ của Von Colucci, bao gồm cả những bức ảnh giật gân trước và sau phẫu thuật dường như cho thấy sự biến đổi của anh từ một người đàn ông da trắng thành một người có nét Á Đông.

Sau khi Daily Mail Online đưa tin, câu chuyện đã nhanh chóng được các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới săn đón.

Daily Mail Online đã lặng lẽ gỡ bài báo của mình xuống vào hôm 26/4 mà không có bất kỳ lời giải thích hay thông báo gỡ bài nào.

Câu chuyện vẫn còn trên các trang web của hàng chục hãng khác, bao gồm The Independent ở Anh, Hindustan Times ở Ấn Độ, Malay Mail ở Malaysia và Newsis của Hàn Quốc.

Đại sứ quán Canada tại Seoul từ chối bình luận khi được Al Jazeera liên lạc.

cu lua ai anh 2

Tất cả hình ảnh của Von Colucci đều rất mờ.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, cảnh sát chưa nhận được trình báo vụ việc liên quan đến nam diễn viên người Canada qua đời do biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ.

Trò lừa bịp là lời nhắc nhở rõ ràng về mối nguy của AI, vốn vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, trong việc tạo dựng và lan truyền fake news.

Các nền tảng như ChatGPT, có thể viết toàn bộ bài báo bằng giọng văn giống như con người, đã cho phép bất kỳ ai tạo ra những câu chuyện tin tức thuyết phục có khả năng được sử dụng để thao túng chính trị và truyền bá thuyết âm mưu chỉ bằng vài cú nhấp chuột.

AI cũng có thể đã được sử dụng cho "những trò giả mạo sâu sắc" thao túng video và hình ảnh của người thật, tạo cơ hội cho những kẻ xấu phá rối cuộc bầu cử, gây tổn hại danh tiếng, tạo nội dung khiêu dâm trả thù và thậm chí kích động bạo lực.

Trước đây, nội dung do AI tạo ra đã bị cho là gây hiểu lầm cho nhiều người.

Những bức ảnh chỉnh sửa chụp Giáo hoàng Francis mặc áo khoác phao màu trắng và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội.

Nhưng trường hợp của Von Colucci có lẽ là ví dụ đầu tiên về việc các nhà báo bị lừa trên quy mô lớn, phơi bày những thiếu sót trong tiêu chuẩn xác minh và biên tập thông tin cơ bản.

Tuy nhiên, Simon, thuộc Viện Internet Oxford, bày tỏ sự lạc quan rằng tin giả do AI tạo ra sẽ không gây ra tác động thảm khốc.

"Vấn đề chính đối với thông tin sai lệch và xuyên tạc là nhu cầu về nó - vốn hạn chế - và khả năng tiếp cận mọi người bằng cách đưa nó trở thành xu hướng chủ đạo - rất khó. Khả năng tạo ra thông tin sai lệch có chất lượng tốt hơn khó có thể thay đổi được điều này", ông nói.

"Ngoài ra, chúng ta có các cơ chế cảnh giác nhận thức khá tốt – ví dụ như đánh giá bối cảnh, nguồn, kiểm tra thông tin so với thông tin trước đó – có khả năng sẽ thích ứng và hoạt động chống lại các hình thức đánh lừa, giả mạo mới".

Ngành kinh doanh tin đồn trong showbiz

Khi ngồi lê đôi mách trở thành ngành kinh doanh lớn, các trang, nhóm trên mạng xã hội đào bới, xâu xé, phát tán tin đồn về người nổi tiếng, bất chấp đúng, sai và quy tắc đạo đức.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm