Những năm gần đây, thị trường thời trang Việt “dậy sóng” với nhiều thương hiệu thời trang trong nước. Trong đó, không ít tên tuổi trẻ với tay nghề cao cùng sự am hiểu thị hiếu khách hàng dần khẳng định vị thế.
Để xây dựng một thương hiệu thời trang vững chãi, chiếm được tình cảm của khách hàng, người chủ không chỉ cần đến sự sáng tạo trong phong cách, mẫu mã, mà còn phải đảm bảo chất liệu, màu sắc phù hợp với người mặc. Đó là nguyên nhân khiến các công ty, thương hiệu thời trang cần trình độ chuyên môn, kết hợp với sự hiểu biết tinh tế về thời trang của các cử nhân ngành công nghệ dệt, may.
Nói về ngành học đầy triển vọng và thách thức cho bạn trẻ thích làm việc với máy móc, vải vóc và các công đoạn may mặc, chị Phạm Thị Khánh Giang - Giám đốc sáng tạo thương hiệu J-P Fashion, đồng thời là cựu sinh viên ngành công nghệ dệt, may ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) chia sẻ: “Ngành công nghệ dệt, may mang đến cho tôi một lượng kiến thức rộng lớn về các kỹ thuật, công đoạn sản xuất, ứng dụng giữa chất liệu và thành phẩm thời trang. Đó là những yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng và khẳng định thương hiệu, bản sắc thời trang riêng”.
Cử nhân công nghệ dệt, may nhận được nhiều cơ hội việc làm tại các công ty thời trang. |
Trước yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, không chỉ mẫu mã, phong cách mà chất liệu vải, mục đích sử dụng cũng là yếu tố được chú ý khi lựa chọn trang phục. Vì vậy, chuyên viên nghiên cứu chất liệu vải, ứng dụng vải, chuyên viên kiểm định chất lượng sản phẩm hay kỹ sư công nghệ, thiết kế trong các dây chuyền sản xuất… là những vị trí mà cả các cơ sở may mặc, công ty thời trang lẫn các nhà thiết kế thời trang, doanh nghiệp may mặc đều cần. Đây cũng là những đầu việc mà cử nhân ngành công nghệ dệt, may có thể đảm nhiệm sau khi tích lũy lượng kiến thức chuyên môn tại giảng đường.
Các cử nhân ngành này không chỉ tiếp thu lượng kiến thức chuyên ngành từ giảng viên và giáo trình học, mà còn phải chú trọng kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc với dây chuyền, công nghệ sản xuất của từng doanh nghiệp, cũng như trau dồi kỹ năng ứng dụng, thực hành và xử lý tình huống. Ngoài ra, gout thời trang và đôi mắt tinh tế để nhận biết chất liệu, điều phối hợp lý giữa thiết kế, mẫu mã và phụ liệu là những yếu tố giúp sinh viên hoạt động và thăng tiến với ngành này.
Sinh viên ngành công nghệ dệt, may Hutech học thực hành tại xưởng thời trang. |
Từ tất cả yếu tố trên, ngành công nghệ dệt, may tại các trường đại học, cao đẳng chủ động định hướng giảng dạy theo hướng ứng dụng. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp thu kiến thức toàn diện, nhiều trường còn kết nối với các doanh nghiệp dệt may, thời trang trong và ngoài nước để sinh viên tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kỹ năng thông qua các chương trình thực tập, hội thảo, tham quan.
ĐH Hutech là ví dụ điển hình cho mô hình đào tạo hiệu quả, có thể hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi ngành công nghệ dệt, may với một hành trang tri thức và kinh nghiệm vững chắc.
Cựu sinh viên ngành công nghệ dệt, may Hutech thành danh với thương hiệu J.P Fashion. |
Góp phần vào sự phát triển ấn tượng của các thương hiệu Việt, ngành công nghệ dệt, may dần khẳng định vị thế trong lĩnh vực sản xuất may mặc Việt, mở ra không ít triển vọng cho bạn trẻ Việt yêu thích các công đoạn sản xuất, điều phối và kiểm định chất lượng thành phẩm thời trang.