Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm sinh viên đi xin nước thải để nghiên cứu khoa học

Nhóm nghiên cứu của trường Hutech đã giành giải thưởng của Bộ GD&ĐT nhờ công trình ứng dụng than bùn làm chế phẩm sinh học xử lý nước thải an toàn, hiệu quả.

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những vấn đề môi trường đáng báo động hiện nay, đặc biệt với ngành chế biến thủy hải sản. Để góp phần giải bài toán khó này, mới đây một nhóm sinh viên ngành kỹ thuật môi trường (Đại học Công nghệ TP.HCM - Hutech) đã nghiên cứu ứng dụng than bùn làm chế phẩm sinh học xử lý nước thải an toàn, hiệu quả.

Đó là “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính xử lý nước thải thủy sản có độ mặn cao” của nhóm sinh viên Nguyễn Vũ Phong, Bùi Phú Sơn, Lâm Thành Đạt. Công trình được trao giải ba tại giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Bộ năm 2018.

Nước thải nhiễm mặn cao - bài toán nan giải của ngành thủy sản

Với đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, Việt Nam đã chú trọng phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản trong nhiều năm qua. Hiện tại, Việt Nam là một trong 10 nước có sản lượng xuất khẩu thủy sản cao nhất thế giới, giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 4% GDP cả nước. Tuy nhiên, nguồn nước thải với độ nhiễm mặn cao là một vấn đề đáng lo ngại, cho cả ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản nói riêng và môi trường nói chung.

Hutech anh 1
Nhóm sinh viên Nguyễn Vũ Phong, Bùi Phú Sơn, Lâm Thành Đạt.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, trưởng nhóm Nguyễn Vũ Phong (sinh viên năm 4 ngành kỹ thuật môi trường, Hutech) cho biết: “Nhóm em bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ năm thứ 2, vì nhận thấy nước thải từ quá trình chế biến thủy sản nhiễm mặn rất cao, chứa nhiều chất hữu cơ, chất thải rắn, dầu… Đó là chưa kể các nhà máy ở gần biển do thiếu nước ngọt nên sử dụng nước biển sục rửa hệ thống máy móc, càng làm tăng độ mặn của nước thải”.

Hutech anh 2
Nhóm trưởng Nguyễn Vũ Phong và giáo viên hướng dẫn - ThS. Lâm Vĩnh Sơn (giảng viên Viện khoa học ứng dụng Hutech).

Xử lý độ mặn nước thải bằng chế phẩm sinh học

Từ kết quả phân tích độ mặn của nước thải ở các nhà máy chế biến thủy sản, nhóm sinh viên Hutech đã tiến hành phương pháp dùng bùn hoạt tính có bổ sung chế phẩm sinh học để xử lý độ mặn của nước thải. Để thí nghiệm đảm bảo chính xác, các bạn đã trực tiếp lấy mẫu từ các nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM), mỗi tuần lấy chừng 30 lít.

Hệ thống thí nghiệm được lắp ráp ngay tại phòng thí nghiệm của trường, gồm chuỗi các bể bùn hoạt tính có bổ sung chế phẩm sinh học, thiết bị phân tích các chỉ số trong nước thải và đối chiếu liên tục với số liệu nhiễm mặn ban đầu. Đồng thời, các bạn cũng so sánh và đánh giá hiệu suất xử lý độ mặn của hai chế phẩm sinh học.

Hutech anh 3
Mô hình thí nghiệm xử lý nước thải tại trường của nhóm sinh viên Hutech.

Với số liệu thu được từ những ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đánh giá khả năng xử lý độ mặn của chế phẩm Microbe - Lift IND tốt hơn so với chế phẩm EM - WAT 1. Từ kết quả đánh giá này, có thể xác định được độ mặn của nước thải để chọn nồng độ chế phẩm sinh học tối ưu nhất cho quá trình xử lý.

Hy vọng mới cho bài toán môi trường

Tại vòng chung khảo giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2018, đề tài của nhóm sinh viên kỹ thuật môi trường Hutech được hội đồng khoa học đánh giá cao, vì ý nghĩa thực tiễn mang lại cho ngành chế biến thủy sản nói riêng và môi trường nói chung. Trên thế giới và Việt Nam đều đã có nhiều nghiên cứu về ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý nước thải, tuy nhiên đề tài trực tiếp sử dụng chế phẩm sinh học dạng lỏng còn mới mẻ.

Hutech anh 4
Trải nghiệm thực tế thường xuyên - điểm khởi đầu cho nhiều nghiên cứu khoa học của sinh viên Hutech.

Để công trình có được kết quả đó, các bạn sinh viên đã trải qua không ít khó khăn trong suốt quá trình thực hiện. Kể về quá trình đi xin nước thải, bạn Lâm Thành Đạt chia sẻ: “Mùi nước thải thủy sản tanh hôi nên cứ phải vừa làm vừa lau dọn phòng thí nghiệm, để đảm bảo nghiên cứu không làm ảnh hưởng đến các bạn sinh viên khác khi học ở đây. Mẫu nước thải cần rất nhiều, công ty thấy lấy nhiều quá thì không đồng ý, cứ phải năn nỉ mãi”.

Chấp nhận khó khăn để đóng góp một lời giải triển vọng cho “bài toán nước thải”, thành quả của nhóm sinh viên kỹ thuật môi trường Hutech bước đầu đã được ghi nhận tại giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ vừa qua. Mới đây nhất, đề tài tiếp tục lọt vào chung khảo giải thưởng Euréka 2018. Tuy nhiên, với họ, mong muốn lớn nhất chính là tiếp tục phát triển đề tài, nghiên cứu thêm các chỉ số ảnh hưởng để đưa ra được giải pháp môi trường toàn diện.

Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm