Nguyên liệu làm cơm chiên ốc giác kiểu Nagoya
Sau khi chế biến xong, bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn, dùng lò vi sóng hâm lại.
|
Gạo ngon: 200 gram
Ốc giác: 500 gram
Sốt miso: 1 muỗng canh
Dầu mè: 2 muỗng canh
Dầu hào: 1 muỗng cà phê
Tiêu: 1/6 muỗng cà phê
Tỏi bằm: 1 muỗng cà phê
Dấm Nhật: 1/2 muỗng cà phê
Sả cây: 5 nhánh
Gừng tươi: 50 gram
Cách làm cơm chiên ốc giác
Để tăng độ dẻo của cơm ,bạn có thể trộn ít gạo nếp.
|
Nấu chín cơm. Dùng sóng vá (môi) đảo đều cơm. Dàn cơm ra mâm hay đĩa lớn để cơm nguội. Sau khi cơm nguội, đặt cơm vào ngăn mát tủ lạnh ít nhất 30 phút cho hạt cơm săn lại.
Rửa sạch ốc giác. Hấp ốc từ 20-30 phút với gừng tươi xắt lát, sả đập dập.
Khi ốc chín, khều lấy thịt ốc, ngâm với nước đá lạnh.
Khi thịt ốc nguội, làm sạch phần ruột ốc, xắt mỏng.
Phi thơm tỏi với dầu mè, cho ốc vào xào. Nêm ốc với 1/2 muỗng canh sốt miso, tiêu, 1/2 muỗng canh dầu hào, nêm vừa ăn. Tắt bếp, để nguội.
Lấy cơm ra khỏi tủ lạnh. Phi thơm tỏi bằm với dầu hào, cho cơm vào đảo đều khoảng 5 phút. Nêm vào cơm 1/2 muỗng canh sốt miso, 1/2 muỗng canh dầu hào, nước tương Nhật, dấm Nhật, ít tiêu. Nêm vừa ăn.
Cho cơm chiên vào tô, cho ốc giác xào lên trên. Khi ăn, trộn đều hai thành phần này với nhau.
Lưu ý khi làm cơm chiên ốc giác
Bạn có thể thay thế ốc giác bằng thịt của các loại ốc khác. Cách xử lý tương tự. Với những loại ốc khi xào ra nước, bạn cần xào đến khi nước keo (khô) lại.
Để cơm có độ dẻo, thơm bạn có thể trộn vào gạo ít nếp theo tỷ lệ 1:5 (1 nếp, 5 gạo thường).
Người Nhật không dùng bột ngọt khi chế biến món ăn, nên nếu vị hơi đậm, bạn có thể điều chỉnh với đường hay giảm lượng sốt miso, dầu hào.