Chảy từ dãy núi Pindus ở Hy Lạp đến biển Adriatic ở Albania, sông Vjosa trải dài 300 km đầy hoang sơ và hoàn toàn không có rào chặn nhân tạo như đập thủy điện, theo Euro News.
Dòng sông còn là nơi sinh sống của hơn 1.100 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài động vật và hai loài thực vật mà IUCN xếp vào danh sách "đe dọa toàn cầu".
Trong suốt nhiều năm qua, hệ sinh thái mong manh của Vjosa đã bị đe dọa. Tuy nhiên, hôm 15/3 vừa qua, sau chiến dịch kéo dài gần một thập kỷ của các tổ chức môi trường phi chính phủ, chính phủ Albania tuyên bố Vjosa là công viên quốc gia - sông di sản đầu tiên ở châu Âu.
Các nhà môi trường mô tả đây là “quyết định lịch sử”, đưa quốc gia Balkan nhỏ bé này lên đầu cuộc chiến bảo vệ dòng sông, theo Guardian.
Quyết bảo vệ dòng sông
Trong gần một thập niên, Ulrich Eichelmann - người đứng đầu Riverwatch, tổ chức phi chính phủ bảo vệ sông có trụ sở tại Vienna - và các đồng minh từ liên minh Save the Blue Heart of Europe (STBHE) đã liên tục vận động.
Họ hành động chống lại “cơn sốt thủy điện” ở Balkan, nơi có những dòng sông nguyên sơ và đa dạng sinh học nhưng bị đe dọa bởi các đề xuất liên quan hơn 3.000 con đập.
Động thái mới từ chính phủ cùng sự hợp tác giữa cơ quan chức năng, chuyên gia quốc tế, STBHE, tổ chức phi chính phủ, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và công ty Patagonia sẽ giúp bảo vệ Vjosa và hệ sinh thái độc đáo rộng 12.727 ha.
Vjosa được xếp hạng II của IUCN - mức bảo vệ cao tương tự mức bảo vệ vùng hoang dã - nhằm bảo vệ dòng sông khỏi các con đập, khai thác sỏi và nhiều hoạt động gây hại khác.
Công viên sẽ bao gồm 190 km của sông Vjosa ở Albania, ba nhánh chính và một số vùng đất, gồm các khu vực có nguy cơ lũ lụt. Giai đoạn II sẽ thêm các chi lưu khác.
Không giống các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã của IUCN hạn chế số lượng du khách, mọi người vẫn được phép tổ chức du lịch giải trí và một số hoạt động khác như câu cá địa phương.
Có thời điểm, có 45 con đập được đề xuất xây dựng trên sông Vjosa, 8 con đập trên sông chính và 37 con đập trên các nhánh.
Cho đến nay, công trình lớn nhất là nhà máy thủy điện Kalivaç cao 50 m, cách làng Queserat vài km về phía hạ lưu. Hiện tại, du khách vẫn có thể nhìn thấy vách núi có hình ruộng bậc thang ở 2 bên bờ sông, trong khi những chiếc máy xúc đất bị bỏ không ở một bên bờ.
Trong khi Vjosa là môi trường sống lý tưởng cho vô số động vật hoang dã, chìa khóa cho sự đa dạng sinh học của dòng sông nằm dưới nước. Trong lớp sỏi, trai hoạt động, lọc nước sông, cho cá vào đẻ trứng và sinh sản.
Ông Eichelmann nói con đập “sẽ phá hủy toàn bộ hệ thống”. “Nước sẽ không còn sạch nữa, sỏi bị tắc. Con đập sẽ tích tụ trầm tích và toàn bộ (hệ thống sinh thái) sẽ sụp đổ. Một hồ chứa có thể trông đẹp đẽ, nhưng bên dưới nó thì không”, ông cho hay.
Sau khi dự án ban đầu của Italy thất bại, Albania nhượng kế hoạch xây dựng con đập cho một tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ - Albania vào năm 2017.
Có thời điểm, có 45 con đập được đề xuất xây dựng trên sông Vjosa. Ảnh: Guardian. |
Qemal Malaj - 61 tuổi, thị trưởng Brataj, người tham gia vào cuộc chiến ngăn chặn xây dựng một con đập trên Shushicë - cho biết ông rất vui khi các nhánh chính của Vjosa, bao gồm cả Drino và Bença, được đưa vào công viên.
“Cho đến nay, chúng tôi chiến đấu để Vjosa không bị phá hủy. Shushicë rất quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi phụ thuộc vào nước để tưới tiêu, nông nghiệp. Chúng tôi cực lực phản đối thủy điện”, ông chia sẻ.
Nếu con đập trên sông nhánh được xây dựng, nó sẽ cắt đi sinh kế của cộng đồng nơi đây, những người quan tâm tới phát triển du lịch trên sông.
Chiến dịch đưa Vjosa được công nhận là công viên quốc gia đã kéo dài nhiều năm, đối mặt với sự phản đối, kiện cáo và điều tra về các đánh giá tác động môi trường do các công ty thủy điện tiến hành.
Chiến dịch thu hút sự ủng hộ từ các nhà khoa học, nghị sĩ EU và người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên Leonardo DiCaprio.
Năm 2018, ông Eichelmann cùng các nhà khoa học quốc tế đến bờ Vjosa lấy mẫu. Họ tìm thấy 1.000 loài thực vật và động vật, 13 trong số đó đang bị đe dọa trên toàn cầu.
Năm 2019, một nghiên cứu dự đoán sau 45 năm, con đập sẽ bị bồi lắng, làm giảm sản lượng năng lượng. Vào năm 2020, chính phủ bác bỏ đánh giá tác động môi trường từ tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ - Albania, tuyên bố không xây dựng đập Kalivaç.
Niềm tin mong manh
Tuy nhiên, sau tám năm vận động, niềm tin giữa các tổ chức phi chính phủ và chính phủ gần như không có. Theo Olsi Nika - nhà thủy sinh học và người sáng lập EcoAlbania, sự tham gia của Patagonia đóng vai trò như bên “thay đổi cuộc chơi” và “vai trò hòa giải”.
Động thái mới nhất của chính phủ Albania chưa làm hài lòng tất cả. Các tổ chức phi chính phủ Hy Lạp cho biết đoạn sông dài 20 km - được gọi là Aoos ở Hy Lạp - vẫn không được bảo vệ cho đến khi công viên xuyên biên giới Aoos-Vjosa được thành lập.
Ngoài ra, công viên cũng không bao phủ vùng đồng bằng sông, hay khiến kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế trong khu bảo tồn Vjosë-Nartë - nơi ẩn náu của chim hồng hạc, bồ nông và hàng trăm loài chim di cư - dừng lại.
Địa điểm dự án đập Kalivaç bị bỏ hoang trên sông Vjosa. Ảnh: Guardian. |
Tại buổi lễ ra mắt công viên ở Tepelenë vào tuần trước, Thủ tướng Albania Edi Rama nói sân bay Vlora là không thể thương lượng. Ông cho biết đống hồ sơ “chất cao như núi” đánh giá về tác động môi trường của sân bay đã được chuẩn bị, khẳng định dự án “không hề là mối đe dọa với hệ sinh thái”.
Zydjon Vorpsi - nhà điểu học tại PPNEA, tổ chức vận động bảo vệ và gìn giữ môi trường tự nhiên ở Albania - cho biết vấn đề lớn nhất với dự án sân bay là việc chính phủ tạo tiền lệ xây dựng trong khu vực được bảo vệ.
Vài tháng sau khi công bố đấu thầu sân bay, giới chức đã dỡ bỏ chế độ bảo vệ với một phần khu bảo tồn thiên nhiên nơi có sân bay. Ủy ban châu Âu cho biết sự chấp thuận đã đi ngược lại luật pháp quốc tế và quốc gia.
Các tổ chức phi chính phủ cho biết họ sẽ tiếp tục vận động để bảo vệ “từng tấc đất” của đồng bằng, cho giai đoạn II của công viên quốc gia.
Ryan Gellert - Giám đốc điều hành Patagonia - cho biết dù dự án sân bay chưa phải là mối quan tâm chính với ông, nó luôn là một trong những lằn ranh đỏ của chính phủ Albania.
“Tôi muốn thấy càng nhiều vùng đồng bằng được bảo vệ càng tốt. Nhưng đó là trong giai đoạn II”, ông nói.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.