Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến giành sự sống của Kiều: Hành trình qua cửa tử

Đó là một buổi chiều, bé Kiều đạp xe trong hẻm rồi đâm sầm vào tường. Bé tự chẩn đoán mình bị cận thị. Nhưng bác sĩ kết luận khác, Kiều bị ung thư máu.

LTS: Trong khi phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây nhập thuốc điều trị ung thư giả của công ty VN Pharma diễn ra trong phòng xử án; ngoài kia, tại các bệnh viện, những bệnh nhân ung thư đang ngày đêm vật vã với những cơn đau thấu xương tủy và người thân của họ phải chạy vạy lo từng đồng tiền thuốc men.

Zing.vn xin chia sẻ đến quý bạn đọc câu chuyện về cuộc chiến giành giật sự sống từ tay thần chết của một bệnh nhi bị ung thư máu, cô bé 9 tuổi, tên Tăng Thị Thanh Kiều, quê Trà Vinh. Em chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp đang chịu đựng đau đớn mỗi ngày vì căn bệnh ung thư, cả về thể xác lẫn tinh thần, mà báo chí không thể nào kể hết từng số phận.

Cuộc chiến giành giật sự sống của một bệnh nhi ung thư máu

Bé Kiều từ Trà Vinh lên Sài Gòn, tay ôm chặt chú gấu Teddy, đầu óc lởn vởn mùi kháng sinh và kim tiêm. Mẹ của Kiều bước thấp bước cao với nỗi lo về đợt hoá trị đắt đỏ ngày mai.

M

ột chiều, bé Kiều đạp xe trong hẻm rồi đâm sầm vào tường. Hôm khác thì cả người và xe lao vào hàng rào. Bé Kiều nghĩ mắt mình bị cận thị. Còn chị Mai, mẹ của Kiều, nhẩm tính ráng làm thêm chút rồi về cắt cho Kiều đôi kính để đeo. Cả dì, cả anh chị của Kiều cũng tin như thế.

Đó là vào khoảng tháng 10 năm ngoái. Kiều đang học kỳ đầu của lớp 3, cô bé học rất giỏi và được làm lớp trưởng. Lúc đó, Kiều nặng 32 kg, da trắng và tóc đen dài mượt. Mẹ Kiều đi phụ hồ tận trên Sài Gòn, đâu biết những biến đổi lặng thầm báo hiệu một bi kịch đang ập tới.

Bây giờ, Kiều chỉ còn 26 kg, đầu trọc lóc, gân xanh nổi rõ dưới lớp da mỏng. Bé Kiều cũng không thể đạp xe đi học mỗi ngày được nữa. Ngày ngày, Kiều chỉ quẩn quanh với việc lấy ven, truyền thuốc và chơi Pikachu trên iPad. Pikachu giống bé Kiều, cũng không có tóc.

Lên Sài Gòn gấp

Cơn đau ập đến với bé Kiều vào một buổi chiều tháng 11. Sau buổi học, cô bé đột nhiên không thở nổi, người lịm dần đi. Lúc này, chị Mai vẫn còn đi phụ hồ trên Sài Gòn.

Các bác sĩ ở Trà Vinh chỉ đưa ra một lời khuyên ngắn gọn: Lên Sài Gòn gấp, chậm sẽ không kịp. Chị Mai nghe tiếng em gái mình hoảng hốt trong điện thoại. “Tui nghe mà tay chân bủn rủn, vội vàng bắt xe về ngay trong đêm để cùng đưa con lên thành phố”, chị Mai nhớ lại.

Đó là mùa mưa ở Sài Gòn, phía bên ngoài cửa xe loang loáng nước tấp nập người và xe. Trên chuyến xe đó, chỉ có bé Kiều vui vẻ. Được lên Sài Gòn giống như một món quà không mong mà tới. Bé Kiều cứ mải miết ngắm phố phường, còn chị Mai thì bấn loạn với bao nỗi lo.

Nơi đến đầu tiên là bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bệnh viện chuyển Kiều qua bệnh viện Ung bướu TP.HCM với dòng chữ chẩn đoán: Ung thư máu. Hoá ra, mấy lần đạp xe đâm sầm vào tường là hệ quả của thiếu máu nặng dẫn đến bị choáng.

Nó thấy người ta mất nó sợ lắm. Nó bảo mẹ đừng nói gì hết. Đi đâu gặp đám ma cũng không dám nhìn, che mặt lại.

chị Mai kể

Chị Mai không dám nói với con về căn bệnh ung thư. Chị bảo cũng không biết bé Kiều có biết ung thư là gì không. Vì vậy, chị chỉ nói nguyên nhân bị thiếu máu nặng, phải nhập viện điều trị. “Nó ngơ ngác có biết gì đâu”, chị Mai trầm ngâm.

Ở bệnh viện Ung bướu, chị Mai đứng nhìn trân trân tờ giấy cam kết mà bác sĩ đặt trên bàn. Nó viết đơn giản lắm, người nhà chấp nhận quá trình truyền thuốc, nếu cơ thể chấp nhận thì tạm thời sống, nếu không thì người bệnh sẽ ra đi rất nhanh.

“Tui chỉ có vài phút để suy nghĩ, trước nay con bé có bị bệnh gì đâu, sao giờ vậy”, chị Mai vừa hỏi vừa nói. Nhưng rồi chị cũng gật đầu ký. Mà chị đâu còn lựa chọn nào khác. Đó là cái cọc duy nhất mà chị có thể bấu víu để cứu bé Kiều, đứa con gái nhỏ của chị.

Tóc rụng rồi có mọc lại không?

Tháng 12/2016, những cơn mưa cuối mùa đổ nước ràn rạt ngoài hành lang bệnh viện. Bé Kiều truyền thuốc lần đầu tiên. Ba lần hóa trị là ba lần đau đớn vật vã, Kiều liên tục nôn ói. Mới 9 tuổi, bé Kiều chẳng biết mô tả nó đau bằng gì, chỉ biết là đau lắm.

“Thiệt tình tui cứ tưởng nó đi rồi. Ơn trời phù hộ, mong nó qua được”, chị Mai cười mà khoé mắt rưng rưng. Sau 2 tuần vào thuốc, tóc Kiều rụng dần. Ban đầu là vài sợi, rồi rụng từng chum cho đến khi trọc lốc.

“Nó sợ quá cứ liên tục hỏi tui là tóc con rụng sau này có mọc lại không mẹ? Vì con sợ đi học mấy bạn cười con”, giọng chị Mai nghẹn lại. Sau 4 tháng, cô bé đen sạm, chân khẳng khiu, đi bước thấp bước cao. Đôi mắt em vốn đã buồn nay càng buồn.

Khi gặp Kiều lần đầu, chúng tôi hỏi:

- “Con biết mình bị bệnh gì không?”
- “Dạ ung thư máu”
- “Bệnh này có nguy hiểm không con?”
- “Dạ không”.

Kiều đáp lời mà mắt nhìn sang chỗ khác. Ở góc phòng, chị Mai ngồi nhìn con gái với đôi mắt đẫm nước. Năm tháng đã đi trọn một vòng từ mùa mưa sang mùa khô rồi lại quay về mùa mưa, tính bằng thời gian hai mẹ con ở bệnh viện. Thế nhưng sức khoẻ bé Kiều chẳng có gì tiến triển.

Chúng tôi chỉ là người dân thường, đâu có phân biệt được thuốc thật hay thuốc giả. Bán loại nào thì uống loại đó thôi”,

chị Mai nói.

Đối với mẹ con Kiều, tránh né nói về bệnh tật giống như một cách để nuôi hy vọng. “Nó thấy người ta trong này mất nó sợ lắm. Nó bảo mẹ đừng nói gì hết. Đi đâu gặp đám cũng không dám nhìn, che mặt lại”, chị Mai kể.

Món quà quý giá nhất Kiều cất giữ là 11 lá thư của các bạn học ở quê gửi lên bệnh viện. Thi thoảng, cô bé giở ra đọc. Rồi những lá thư cũng không còn do lúc nhà bị ngập, nước cuốn đi mất.

“Lúc nó về nhà không tìm thấy thư, nó khóc quá trời, bỏ ăn. Nó giữ thư kỹ lắm, cũng tại tui bảo đem về nhà chứ trên bệnh viện sợ mất. Xa bạn, có mỗi mấy lá thư để tìm niềm vui mà cũng để mất của con”, chị Mai nói như trách mình.

Chỉ ước luôn nghe thấy tiếng thở của con

“Con sợ mỗi lần vô thuốc nhất”, bé Kiều nói. Sau khi thuốc đi vào người, cả cơ thể nóng lên như bị bỏng. Bé Kiều phải ngậm nước đá cho bớt nóng. Những ngày đó chỉ có ngồi một chỗ, không ăn uống gì.

Sau mỗi đợt truyền thuốc, bé Kiều trở nên trầm lặng hơn. Kiều cũng không than thở với mẹ, hiếm khi kêu than, chỉ ngồi lặng lẽ quan sát mọi thứ diễn ra trước mắt. Kể cả khi truyền máu hay hoá chất, Kiều thường ngồi. Khi Kiều ngồi thì chị Mai đứng quan sát, không bỏ sót một chi tiết gì.

Cứ thế, hành trình đó cứ lặp lại ngày này qua ngày khác. Chị Mai ra sức níu kéo dù tiền trong túi cứ cạn dần đi. Chồng mất từ sớm, một mình chị lăn lộn nuôi 7 đứa con trưởng thành. Đến cả một mảnh đất và căn nhà nhỏ cũng là ước mơ xa vời. Mỗi lần về quê, hai mẹ con lại ở nhờ nhà người em gái. Ngày chị đi làm phụ hồ xa, Kiều sống với dì.

Chị Mai không còn tính ngày tháng nữa, nhưng chị đếm từng lọ thuốc đưa vào người con gái mình. Kiều đã truyền được hơn 100 lọ thuốc. Một em bé bên cạnh mới chỉ truyền tới lọ thứ 36 đã mất một tháng trước. Vì thế, đến ngày truyền hoá chất, bé Kiều ốm mệt là tim chị cứ đập liên hồi.

Mỗi lần truyền thuốc lana, Kiều phải thử máu. Nếu thiếu máu thì sẽ phải truyền máu trước khi truyền thuốc. Nếu truyền hồng cầu (máu đỏ), 50 ml là 1,8 triệu. Tiểu cầu (máu vàng) thì túi nhỏ là 4,2 triệu, túi lớn 6 triệu. Còn tiêm bạch cầu thì mỗi một lần từ 5-7 triệu.

Chỉ biết cầu trời cho nó vui ngày nào tui mừng ngày đó, chứ không dám mong nó khoẻ như trước đây

Ở bệnh viện, có người thiếu tiền quá nên đánh liều ra hiệu thuốc bên ngoài hỏi, tên thuốc giống nhau nhưng giá rẻ hơn. Nhưng sợ thuốc giả, chị Mai cứ theo phác đồ của bệnh viện, dù giá tiền đắt gấp đôi. “Chúng tôi chỉ là người dân thường, đâu có phân biệt được thuốc thật hay thuốc giả. Bán loại nào thì uống loại đó thôi”, chị Mai giãi bày.

Chị Mai không còn đi làm thợ hồ nữa, gánh nặng chữa bệnh dồn lên vai ba đứa con lớn đang đi làm công nhân. Trước mỗi đợt điều trị, cả nhà lại đi vay tiền như chạy loạn. Mỗi chuyến Trà Vinh – Sài Gòn, số nợ lại tăng thêm.

Mấy hôm trước, bác sĩ báo bệnh của bé Kiều đã đỡ 50% vì cơ thể tiếp nhận thuốc tốt. Chị Mai vui vẻ thu xếp quần áo để về quê. “Chỉ biết cầu trời cho nó vui ngày nào tui mừng ngày đó chứ không dám mong nó khoẻ như trước đây”.

Nhưng về được ít ngày, da Kiều tự nhiên tróc ra từng lớp, mắt nhoè đi không nhìn thấy gì. Hai mẹ con lại chuẩn bị hành trình ngược lên Sài Gòn. Rồi Kiều sẽ tiếp nhận lọ thuốc thứ 101.

Truyền thuốc xong, đêm về, hai mẹ con sẽ lại trải chiếu nằm cạnh lối ra vào. Những đêm ấy, người mẹ chỉ ước nghe thấy tiếng thở khó nhọc khe khẽ bên cạnh và đứa con gái vẫn nhìn chị bằng đôi mắt buồn buồn khi trời sáng.

Hành trình chống chọi căn bệnh ung thư máu của Kiều Hành trình chống chọi căn bệnh ung thư của bé Tăng Thị Thanh Kiều (9 tuổi) là một trong hàng nghìn câu chuyện của những bệnh nhân đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác.

VN Pharma và những 'góc khuất' cần làm rõ

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc H-Capita có phải là thuốc giả; chi hàng tỷ đồng tiền hoa hồng cho ai, vai trò cơ quan quản lý cần làm rõ trong phiên phúc thẩm vụ VN Pharma.

Đại diện Bộ Y tế dự tòa xử vụ VN Pharma chỉ để nghe, không trả lời

Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Giang Hán Minh cho biết chỉ có mặt ở toà để ghi nhận và báo cáo lãnh đạo. Sau đó, Bộ Y tế sẽ trả lời bằng văn bản.

Hoài Thanh - Hà Hương

Bạn có thể quan tâm