Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến kim chi tái diễn

Sau nhiều năm tranh cãi, nguồn gốc, tên gọi xoay quanh món kim chi giữa Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết.

Ngày 11/4, Seo Kyung-duk, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Sungshin ở Seoul và là một nhà hoạt động về di sản văn hóa, đã lên tiếng chỉ trích một chuỗi cửa hàng bánh mì địa phương vì sử dụng từ tiếng Trung "pao cai" trong bản dịch tiếng Trung Quốc tên một loại bánh mì của cửa hàng.

Từ tháng 3, tiệm bánh đã sử dụng bản dịch tiếng Trung "pao cai croquet" cho món bánh "kim chi croquet", khiến nhiều người Hàn Quốc phẫn nộ. Một số khách hàng đã tố cáo tiệm bánh bóp méo xuất xứ của kim chi, theo Korea Herald.

"Sự việc đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Tôi không có ý phỉ báng một công ty cụ thể nào nhưng tôi cảm thấy rất tiếc về tình trạng sử dụng bản dịch không chính xác vẫn còn tồn tại ở đâu đó. Như mọi người đều biết, Trung Quốc đang tiếp tục 'dự án kim chi'", giáo sư Seo viết trên Facebook, ám chỉ Trung Quốc nỗ lực bóp méo nguồn gốc và lịch sử của kim chi.

cuoc chien gianh kim chi anh 1

Kim chi trở thành đề tài tranh cãi nhiều năm qua giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: The Straits Times.

Ông Seo lấy ví dụ việc trên cổng thông tin điện tử Baidu của Trung Quốc, kim chi được thông tin là có nguồn gốc từ quốc gia tỷ dân.

"Để phản đối Trung Quốc làm sai lệch nguồn gốc của kim chi, chúng ta nên ngừng sử dụng các bản dịch sai kim chi sang tiếng Trung".

Nhân viên chuỗi cửa hàng bánh mì cho biết nơi này đã ngừng bán sản phẩm gây tranh cãi về tên gọi vào tuần trước và đang có kế hoạch sử dụng thuật ngữ "sinchi" để thay thế.

Sinchi, nghĩa là cay và độc đáo trong tiếng Trung Quốc, là bản dịch chính thức kim chi sang tiếng Trung do Tổng cục Nông Thủy sản và Thực Phẩm Hàn Quốc đề xuất năm 2013.

"Theo hướng dẫn mới, ba Bộ - Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm, Nông thôn - đã áp dụng thuật ngữ sinchi, các công ty địa phương cũng được khuyến khích sử dụng cách gọi này", một quan chức từ Viện nghiên cứu Kim chi Thế giới do chính phủ Hàn Quốc điều hành cho biết.

cuoc chien gianh kim chi anh 2

Kim chi là món ăn quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là người dân Hàn Quốc. Ảnh: Sio ASMR.

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho biết cái tên sinchi không được ưa chuộng vì nó chỉ là đề xuất cho các công ty Hàn Quốc và truyền thông Trung Quốc.

"Nhiều công ty xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, trong đó có kim chi, sang Trung Quốc viết pao cai thay vì sinchi vì sợ bị phản ứng dữ dội và tẩy chay ở đó", một người trong ngành giấu tên cho biết.

Nhiều năm nay, món rau lên men nổi tiếng đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, thậm chí cả Nhật Bản.

Năm 2021, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc món đồ chua của nước này được chứng nhận ISO và nói rằng ISO “là tiêu chuẩn quốc tế cho ngành sản xuất kim chi mà Trung Quốc dẫn đầu”.

Người dùng mạng xã hội Hàn Quốc đáp trả rằng kim chi có nguồn gốc từ nước này, đưa ra các bằng chứng lịch sử và nói thêm rằng kim chi Hàn Quốc chính thức được Codex thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc chỉ định là tiêu chuẩn toàn cầu năm 2001. Họ cho đây là tổ chức có nhiều uy tín hơn so với ISO.

Một cuộc tranh chấp khác về món đồ chua giữa Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra thậm chí còn lâu đời hơn. Theo đó, sau khi món kim chi của Hàn Quốc được giới thiệu đến các vận động viên tham gia Thế vận hội Seoul 1988, Nhật Bản bắt đầu quảng bá món "kimuchi" của mình như món kim chi chính gốc.

Căng thẳng leo thang vào năm 1996, khi Nhật Bản đề xuất chỉ định kimuchi là một phần món ăn chính thức tại Thế vận hội Atlanta.

Ăn hàng ở Hàn Quốc ngày càng đắt

Do giá nguyên liệu, phí giao hàng tăng cũng như nhu cầu ăn uống của người dân phục hồi, chi phí cần thiết cho một bữa ăn ngoài ở xứ củ sâm ngày càng cao.

Mai An

Bạn có thể quan tâm