Thời đại mạng xã hội cùng nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những ngôi sao giàu lên nhờ làm streamer, vlogger khiến không ít người bị cuốn hút. Trước làn sóng đó, nhiều người trẻ ở Trung Quốc không cảm thấy thỏa mãn với bản thân cũng quyết định từ bỏ công việc ổn định để tìm kiếm cơ hội.
Năm 2020, khi thị trường việc làm có nhiều khó khăn do dịch bệnh, càng nhiều người trẻ chọn lao vào cuộc chơi đầy bất trắc, theo The Paper.
Bước ngoặt
Tháng 11/2019, vài ngày trước khi bước sang tuổi 36, Viken từ chức khỏi vị trí trưởng bộ phận phát triển ở công ty để trở thành vlogger toàn thời gian. Nhân viên cấp dưới và cả lãnh đạo của anh đều sốc và cảm thấy khó tin trước quyết định đột ngột.
Suốt nhiều năm qua, những người xung quanh đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Viken. Lớn lên ở Tây An, anh có một công việc ổn định, lương cao và gần nhà.
"Nếu tôi tiếp tục làm công việc ấy, mọi thứ hẳn sẽ vẫn thoải mái", anh có chung suy nghĩ với mọi người. Thế nhưng Viken đã nộp đơn từ chức.
Nhiều người trẻ chọn trở thành vlogger theo xu thế mới. |
Quyết định ấy không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào từ gia đình, kể cả vợ anh. Anh cảm thấy bản thân thật may mắn.
Từ thời trung học, Viken đã bắt đầu quan tâm đến sản xuất web. Cha anh khi đó sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương để mua cho con chiếc máy tính kết nối Internet.
Năm 20 tuổi, Viken và hai người bạn cùng chơi game online. Vào thời điểm đó, trào lưu phát sóng trực tiếp khi chơi trò chơi điện tử bắt đầu nổi lên. Viken và 2 người bạn đã cùng thực hiện video này, chỉnh sửa và đưa lên mạng.
Phản hồi vượt xa mong đợi. Các nhà tuyển dụng đã tìm đến và muốn hợp tác với họ để tiếp tục quay phần hai.
Nhóm liên hệ với nhiều hội nhóm trong game để hợp tác và ghi lại các cảnh quay hoành tráng. Cuối cùng họ nhận được giải thưởng trị giá 3.000 nhân dân tệ, một máy chơi game PS2, một máy nghe nhạc và một số quà lưu niệm.
Viken cũng nhận được lời đề nghị hợp tác và chuyển tới Hàng Châu. Nhưng vào thời điểm đó, vì chuyện gia đình, anh đã không đi.
Nhưng hiện tại, việc nhớ lại kỷ niệm ngày trước đã vô tình giúp anh có can đảm, bỏ công việc để cống hiến hết mình cho việc sáng tạo video sau 12 năm làm văn phòng.
Ngày 13/11/2019, Viken đăng video với tựa đề "Lời thú nhận của một lập trình viên đã từ chức" trên kênh vlog của mình, chia sẻ về dự định của bản thân khi quyết chuyển sang làm thứ mình yêu thích.
Vlog đầu tiên được Viken tải lên là về việc ghé thăm một cửa hàng kỹ thuật số, với chưa đến 1.000 lượt xem.
Trong một thời gian dài sau khi bắt đầu, anh thực sự không biết mình muốn tập trung vào hướng nào, làm thế nào để tạo ra đặc điểm nội dung của riêng mình và làm cho video của anh ấy trông khác biệt.
Điều anh chắc chắn duy nhất là ở tuổi này là bản thân chưa muốn dừng lại ở đó.
Mơ tưởng về sự nổi tiếng
Dai Xiaofei (21 tuổi, đến từ Côn Minh, Vân Nam) ấp ủ ý định rời khỏi công việc tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy để làm vlogger.
Trước khi tốt nghiệp đại học, anh đã xin tiền bố mẹ để đăng ký thêm một khóa học về robot do trường giới thiệu. Anh tin đây sẽ là ngành triển vọng và mang lại nhiều cơ hội việc làm.
Trái với mong đợi về công việc trong một công ty về robot, anh chỉ được gửi vào làm cho dây chuyền sản xuất. Trường cho biết chỉ cần làm việc trong dây chuyền lắp ráp trong 3 năm, anh sẽ được chuyển sang làm trợ lý kỹ sư.
Dai Xiaofei không chắc chắn về lời hứa đó. Anh chỉ muốn nhanh chóng kiếm được học phí rồi nghỉ. Cuối cùng, anh chỉ làm nửa năm. Sau Tết năm 2020, Xiaofei nghỉ việc về nhà và mang về gần 20.000 nhân dân tệ.
Nhiều người muốn thành vlogger với mộng đổi đời. |
Dai Xiaofei ấp ủ ý tưởng trở thành vlogger khi làm việc trong nhà máy. Anh từng xem một video blogger nổi tiếng nói về chuyện bỏ học sớm và bị lừa, cảm thấy người đó rất giống mình.
Xiaofei theo dõi những ngôi sao mạng có lượng truy cập cao, nhận thấy họ có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách chơi trò chơi hoặc giao lưu với bạn bè mỗi ngày.
Càng xem, anh càng muốn trở nên giống những người đó - làm cho mọi người vui vẻ và có thể kiếm tiền, giàu có nhờ làm vlog.
Trước ngày nghỉ việc ở nhà máy, Xiaofei mơ màng nghĩ về kế hoạch trở thành vlogger. Anh hình dung nếu một năm trôi qua mà thất bại sẽ phải cho mình một hình phạt: cả năm không được cắt tóc, tự "làm nhục" bằng cách nhuộm xanh cả người.
Sau khi trở về nhà, anh đã mua một chiếc máy ảnh đơn giản có giá 2.000 nhân dân tệ và lập kênh cá nhân.
Để kịp cập nhật những trào lưu mới nhất, anh lao vào sản xuất và chỉnh sửa video xuyên đêm. Số lượng phát sóng tăng từ 10.000 vào ngày đầu tiên, 50.000 sau 3 ngày và vượt 250.000 trong vòng một tuần. Anh thầm nghĩ "cơ hội của mình là ở đây".
Nhưng thực tế diễn ra không như Xiaofei mong đợi.
Số tiền lương từ nhà máy tiêu sắp hết, chủ yếu tiêu vào mua thiết bị. Xiaofei không dám xin tiền bố mẹ, anh sợ sẽ tiêu hết tiền và không còn thời gian để làm những điều mình thích. Anh cần một khoản tiền lớn.
Video của anh chỉ có vài chục người xem. Xiaofei thất vọng, mọi tưởng tượng về sự nổi tiếng đã không xảy ra. Anh không hiểu tại sao nhiều người chỉ đăng về cuộc sống thường ngày vẫn trở nên nổi tiếng. Điều anh biết rõ nhất là mình đã không thành công.