Hành trình lột xác
Sớm nhận biết về giới tính của mình, ước mơ trở thành một người con gái đúng nghĩa luôn thường trực trong cô. Năm nhất đại học, cô tình cờ quen một người đàn ông bên Mỹ. Hai người chỉ nói chuyện qua điện thoại, email nhưng đã mau chóng phải lòng nhau. Người đàn ông ấy vẫn chưa biết cô Trâm lúc bấy giờ là một người con trai tên Phạm Văn Hiệp.
Niềm hạnh phúc của tình yêu xa cách làm cô vui nhưng cũng không nguôi day dứt vì mình không phải là một người phụ nữ thực thụ. Quá dằn vặt, cô quyết định cắt đứt liên lạc với bạn trai.
Một thời gian sau, cô mở email ra xem và choáng váng trước những lời tha thiết của đối phương dành cho mình. Bấy lâu nay, chàng trai ấy luôn cố liên lạc và rất lo lắng cho cô. Cô nối lại tình cảm và quyết tâm sang Thái Lan phẫu thuật để đường đường chính chính đi gặp người cô yêu.
Cô Quỳnh Trâm trong một chuyến đi tới Đắk Lắk. |
Để có tiền thực hiện ước mơ đó, cô lao vào dạy thêm, dạy luyện thi tất cả ngày trong tuần. Đến tháng 6/2006, với số tiền đi làm kiếm được, cô một mình sang Thái Lan. Khi đến Bangkok (Thái Lan), lần đầu tiên gặp các bác sĩ, họ đã từ chối tiếp nhận cô với lý do bề ngoài cô không có bất cứ đặc điểm nào của phụ nữ. Tại thời điểm đó cô vẫn mặc áo phông, quần bò, cắt tóc ngắn. Vậy là cô trở về, quyết tâm nuôi tóc dài, ăn kiêng, giữ dáng. Sáu tháng sau, cô tự tin quay trở lại bệnh viện và bác sĩ đã đồng ý.
Chinh phục lòng người
Sau những ca phẫu thuật đau đớn, Phạm Văn Hiệp trở về Việt Nam với hình hài khác, tên gọi khác: Phạm Lê Quỳnh Trâm. Hai năm tiếp theo sống ở quê nhà (Bình Phước) là khoảng thời gian nhiều áp lực của cô. Cô phải vừa chinh phục lòng người, vừa phải lo hồ sơ mong luật pháp chấp nhận.
Khi cô mở lớp ôn luyện thi tại nhà dưới ngoại hình và danh phận Quỳnh Trâm, rất nhiều người đã phản đối. Nhiều lần, họ còn đứng bên ngoài ném đá vào, chửi xiên xỏ khi cô đang dạy. Con nít gặp cô thì trêu chọc bằng những lời khó nghe. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất đời cô. Nhưng lúc ấy, may mắn là vẫn có vài học trò đến học. Sau này, cô mới biết là vì các bạn học quá yếu nên không ai chịu dạy. Cô kiên nhẫn dạy lại từ đầu, luôn động viên an ủi chứ không chê bai, thất vọng khi học trò chậm tiếp thu. Cô cũng luôn giữ mình để tránh điều tiếng: không giao du với người lạ, 7 giờ tối là không ra đường, không rượu bia, thuốc lá… Mỗi lần thấy buồn vì cách nhìn của người khác, cô không làm gì ngoài việc chú tâm vào giáo án. Dạy hay là cách tốt nhất để cô chinh phục mọi người. Lượng học sinh đến học tăng dần.
Sau 4 tháng, những học sinh mà người khác bảo: “Các em đậu tốt nghiệp tui đi bằng đầu” đều tốt nghiệp trung học phổ thông và hơn 30 em trong lớp năm đó đậu vào cao đẳng, đại học. Cô nhớ lại: “Không biết các em vui đến mức nào, riêng hạnh phúc của cô thì không có lời nào tả hết”.
Cô Trâm đứng lớp năm 2012, tại Q.4, TP.HCM. |
Đến tháng 11/2009 chính quyền địa phương đã cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu và các giấy tờ khác cho cô với danh phận Phạm Lê Quỳnh Trâm. Cô Trâm là người chuyển giới duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ những giấy tờ đó.
Vẫn đi dạy và sẽ có hạnh phúc riêng
Cô Trâm vốn xuất thân trong gia đình khó khăn. Năm cô học lớp 10, để có 500.000 đồng đóng học phí, mẹ cô đã phải chạy mượn khắp nơi. Suốt những năm cấp 3 ấy, cô chỉ đi học bằng chiếc xe đạp cũ, hư rồi sửa, sửa lại hư…
Có được danh phận mới như mình từng ao ước là niềm vui quá lớn với cô. Để trả ơn đời, năm 2012 cô quyết định mở lớp dạy luyện thi miễn phí tại Trung tâm Dạy nghề Q.4, TP.HCM vào buổi tối cho các em học sinh khó khăn - đa phần là các em có học lực trung bình/yếu. Thật tuyệt vời, trong kì thi tuyển sinh 2013 vừa rồi, gần như 100% học trò của cô đều đậu vào các trường cao đẳng - đại học.
Những học trò của cô đều đậu đại học, cao đẳng. |
Hơn 10 năm yêu nhau giờ mới có cơ hội gặp mặt bạn trai nên cô từng có ý định ngưng dạy để tập trung chăm lo cho đối phương. Nhưng nhiều học sinh vẫn liên lạc và tha thiết mong được học. Vậy là cô Trâm lại tiếp tục đứng lớp luyện thi tại Trung tâm dạy nghề Q.1 (TP.HCM) từ tháng 9/2013 với 100 học sinh/2 lớp. Đã từng dạy được nhiều học sinh trung bình đậu đại học, ước mơ lần này của cô là sẽ có những thủ khoa từ lớp học của mình.
Hai việc chính của cô Trâm hiện tại là: dạy học và tranh thủ ngày nghỉ để ở bên cạnh bạn trai. Chị N.T.N - chị chồng tương lai của cô chia sẻ: “Nếu đám cưới diễn ra, gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ, vì cô Trâm là một người tốt, xứng đáng có một cuộc hôn nhân cho riêng mình”.
Nhắc về ngày 20/10, cô Trâm xúc động bày tỏ: “Từ hơn 20 năm trước mình đã mong được làm phụ nữ. Giờ đã danh chính ngôn thuận, không chỉ trong lòng mình, mà cả xã hội cũng chấp nhận mình là một người phụ nữ, nên Trâm càng thấy những ngày lễ dành cho phụ nữ như 20/10 thêm thiêng liêng, quý giá”.