“Ngôn ngữ yêu thương” là thuật ngữ do nhà tư vấn tình cảm nổi tiếng Gary Chapman tạo ra vào năm 1995. Theo đó, cử chỉ thân mật (physical touch) là một trong 5 ngôn ngữ yêu thương cơ bản. Sự thấu cảm trải rộng về tinh thần cần đi đôi với từng “điểm chạm” vật lý để chúng ta được gần, được hiểu và cảm thông lẫn nhau, từ đó giữ sợi dây gắn kết bền vững với bậc sinh thành. Thế nhưng cử chỉ thân mật dường như dần trở nên ít ỏi trong mối quan hệ gia đình.
Khi cảm giác “ít thân” với bố mẹ dần nảy sinh
Lớn lên trong thời đại số, lối suy nghĩ của người trẻ có phần cởi mở hơn, trong khi thế hệ bố mẹ được sinh ra trong nỗi ám ảnh sinh tồn, lo lắng về cơm áo gạo tiền chưa bao giờ nguôi ngoai. Điều này dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong quan niệm sống giữa người trẻ với bậc sinh thành, dù các thế hệ cách nhau không quá xa.
Với khao khát trải nghiệm, tự do khám phá thế giới và khẳng định bản thân, một số bạn trẻ lựa chọn rời xa vòng tay gia đình để đến nơi khác học tập, sinh sống và lập nghiệp. Khoảng cách địa lý ngăn cách những cái “chạm”, nới rộng tình thân bởi lời yêu thương chỉ có thể gửi trao qua cuộc gọi và dòng tin nhắn vội vàng.
Trái lại, một số bạn trẻ sống dưới mái nhà với bố mẹ, nhưng khoảng cách tình cảm vẫn xa vợi. Phải chăng vì ở quá gần, “ngày nào chẳng nhìn thấy nhau” nên lời yêu thương ngọt ngào, cái ôm vỗ về, bữa cơm tối quây quần bớt quan trọng?
Không chỉ con cái, nhiều bậc phụ huynh không giỏi thể hiện ngôn ngữ yêu thương. |
Vòng xoáy cuộc sống với thời gian eo hẹp cũng có thể khiến bạn cảm thấy không thể hòa hợp với cách sống “cũ” của bố mẹ. Trong khi họ có mốc thời gian cố định để nghỉ ngơi và hiếm khi làm thêm ngoài giờ, chúng ta sống - làm việc trong khung thời gian trễ nải. Đây là những lý do khiến mối liên hệ giữa các thế hệ dần nứt vỡ, sự lạc lõng không chỉ nảy sinh bên trong nội tâm người trẻ mà còn ở phụ huynh.
Những cử chỉ thân mật với bố mẹ ngày càng thưa thớt khi con lớn dần. |
Một lý do khiến chúng ta cảm thấy “ít thân” với bố mẹ là văn hóa sống. Khác với phương Tây - nơi trẻ em được học cách bộc lộ tình cảm thẳng thắn, văn hóa Á Đông thường e dè và ý nhị hơn trong việc biểu đạt tình thương. Bố mẹ hiếm khi nắm tay, khoác vai nhau thân mật hay tựa vai, gần gũi ông bà trước mặt con trẻ. Vô hình trung, sự dè dặt khi “chạm” vào người thân yêu của họ dần chuyển cho thế hệ tiếp theo, bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ.
Lúc nhỏ bạn không ngại ôm hôn bố mẹ, lúc nào cũng mong ngóng được ôm ấp, vỗ về. Nhưng khi lớn lên, những hành động thân thương lại trở nên sến sẩm và ngượng ngùng. Ngày nhỏ vui chơi bị ngã đau, bạn sẽ chạy về “mách” mẹ. Giờ đây, khi gánh bao bộn bề lo toan trên vai, bạn chọn khép mình trong muộn phiền thay vì ngồi lại và tâm sự với đấng sinh thành.
Trở thành bạn của bố mẹ và thay đổi cách quan tâm
Trong cuốn “5 ngôn ngữ tình yêu”, tác giả Gary Chapman đưa ra định nghĩa thú vị về “Acts of Service” - hành động thể hiện sự quan tâm hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Suy rộng hơn từ mối quan hệ đôi lứa và soi chiếu dưới lăng kính gia đình, giá trị của hành động quan tâm có thể kéo gần mọi khoảng cách thế hệ.
“Chạm” là giác quan nhạy cảm và tinh tế nhất của con người, có khả năng tạo nên sức mạnh cảm xúc, tinh thần và năng lượng. |
Theo các chuyên gia tâm lý, “vũ khí” tạo nên sức mạnh cảm xúc, tinh thần và năng lượng là ngôn ngữ cơ thể. Dưới góc độ chuyên môn, “chạm” là giác quan nhạy cảm và tinh tế nhất của con người. Những giao tiếp cơ thể (physical touches) đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp điều trị tâm lý, giúp rút ngắn mọi khoảng cách cảm xúc.
Dù là tình ruột thịt giữa bố mẹ con cái, tình yêu lứa đôi, tình cảm bạn bè, tất cả phải cần đến “giao tiếp cơ thể”. Thay vì bó mình trong “bức tường nội tâm”, nỗi ngại ngần khi thể hiện tình cảm, bạn có thể chủ động trở thành bạn của bố mẹ qua những hành động giản đơn: “Tặng” nhau những cái ôm sau ngày dài, khẽ chạm tay bố mẹ khi bạn gặp chuyện buồn. Tất cả đủ để bố mẹ bổ sung thêm mảnh ghép mới vào bức tranh cuộc sống của con cái trong tiềm thức, dù vốn họ hiểu tính nết bạn đến chân tơ kẽ tóc.
Cách thể hiện tình cảm với bố mẹ qua những “cái chạm”, giúp gần nhau hơn về cảm xúc. |
Vốn dĩ trong gia đình, nhu cầu về vật chất dù hiện hữu vẫn thường bị bố mẹ xóa nhòa qua lời trách yêu “đừng mua, đừng sắm sửa, nhớ tiết kiệm”. Dù vậy với con cái, những món quà vừa gói ghém sự quan tâm, vừa là cách để khẳng định khả năng tài chính với bố mẹ. Dù không giỏi nói những lời “sến sẩm”, bạn có thể dành những món quà tinh thần đơn sơ như tặng quà ngày sinh nhật bố mẹ, làm món ăn mẹ thích, ủi cho bố chiếc áo để đi du lịch… Hay món quà vật chất giá trị như chiếc dây chuyền mới toanh để mẹ mang đi ăn cưới, chiếc đồng hồ mà bố thích từ lâu... Hơn thế, món quà trang sức còn tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời khi con tự tay đeo cho bố mẹ. Những cái chạm đầy tinh tế ấy có thể giúp ta thêm gần, thấu hiểu và thương bố mẹ nhiều hơn.
Dù có nhiều phương thức, cách thể hiện tình cảm với bố mẹ tựu trung ở “ngôn ngữ yêu thương”, thông qua những cái chạm để gần nhau hơn về cảm xúc, tình thân. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng chẳng khó để làm ba mẹ vui.